|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

‘Cơn sốt’ nông nghiệp organic

07:43 | 03/04/2017
Chia sẻ
Nhiều đại gia đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào làm nông nghiệp organic (hữu cơ) với quy mô lớn để vừa phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch trong nước vừa xuất khẩu.
con sot nong nghiep organic

Trước tình trạng đáng báo động tràn lan thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kháng sinh chất cấm… đã tạo ra phong trào người tiêu dùng trong nước “săn lùng” thực phẩm sạch, đặc biệt những sản phẩm sản xuất, nuôi trồng hữu cơ. Nhận thấy organic (hữu cơ) đang là một cơn sốt và là một hướng đi của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhiều đại gia đã nhảy vào đầu tư làm nông nghiệp hữu cơ, vừa phục vụ thị trường trong nước vừa để xuất khẩu.

Tỉ phú làm organic

Mới đây, ông lớn trong ngành sữa là Vinamilk đã đầu tư xây dựng trang trại bò sữa organic đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ organic châu Âu. Để được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, đại diện Vinamilk cho biết mọi quy trình từ việc lựa chọn con giống, nguồn đất, nguồn nước, nguồn thức ăn đến chế độ chăn nuôi bò và sản xuất sữa đều phải tuân thủ nghiêm ngặt không được dùng hormone tăng trưởng, không có dư lượng kháng sinh tìm thấy trong sản phẩm cuối cùng và không được sử dụng thuốc BVTV.

Một đại gia khác lại bắt tay làm nông nghiệp organic sớm hơn là ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC. Là đơn vị tiên phong làm hữu cơ trong ngành mía đường, công ty con mía đường Tây Ninh đã hợp tác với các tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union và Peterson Consultancy đầu tư dự án sản xuất đường hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam và đánh giá cấp chứng nhận đạt các tiêu chuẩn hữu cơ toàn cầu, đưa ra thị trường sản phẩm đường hữu cơ với công suất một tấn sản phẩm/ngày từ cuối năm 2016.

TTC đã tập trung quy hoạch 62 ha trên tổng số hơn 200 ha diện tích đất của Nông trường mía Biên Giới (Tây Ninh) và mở rộng thêm 28 ha nhằm phục vụ đầu tư nguồn mía nguyên liệu hữu cơ, đáp ứng theo tiêu chuẩn organic thế giới.

Không dừng lại ở đó, đại gia Đặng Văn Thành tiếp tục đầu tư vào Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) để sản xuất nước dừa đóng hộp hữu cơ để xuất khẩu sang Mỹ và EU.Vùng nguyên liệu của Betrimex được cấp chứng nhận việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt chuẩn quốc tế của quy trình canh tác hữu cơ.

con sot nong nghiep organic
Khách hàng tham quan trang trại rau quả hữu cơ Organica.

Nhờ đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại cùng với định hướng phát triển vùng dừa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế organic, nước dừa đóng hộp của công ty này đã chinh phục được người tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu sang các thị trường khó tính và có mặt tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Cuối năm 2016, một “ông lớn” khác trong lĩnh vực trái cây sấy xuất khẩu là Công ty Cổ phần Vinamit chính thức xác nhận đạt được chứng nhận canh tác, chế biến hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (Ecocert - EU).

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit, cho biết ông chọn hướng đi organic để đáp ứng những tiêu chí ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là nhận thấy thị trường lớn Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để đạt chứng nhận quốc tế ở mức cao nhất này thì ba năm trước đó Vinamit bắt đầu triển khai kế hoạch sản xuất, chế biến theo chuẩn organic.

Thị trường rộng mở

Một chuyên gia của đơn vị chứng nhận tiêu chuẩn organic của Mỹ và EU là Control Union cho biết hiện nay tại Việt Nam xu hướng làm nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng, cho thấy nhu cầu thực phẩm sạch, tốt nhất cho sức khỏe được người tiêu dùng Việt ưu tiên, đặt lên hàng đầu. Việt Nam hiện đã có khoảng 150 đơn vị được cấp chứng nhận đạt chuẩn organic từ các sản phẩm trồng trọt đến các sản phẩm chăn nuôi.

Dù tiêu chuẩn ngặt nghèo nhưng nhận thấy thị trường tiềm năng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư vào làm nông nghiệp hữu cơ.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An (Cần Thơ), cũng cho biết mấy năm nay công ty đã đầu tư làm lúa sạch tiêu chuẩn GlobalG.A.P. và lúa organic với diện tích vùng nguyên liệu lên tới 760 ha. Nếu tính riêng diện tích trồng lúa hữu cơ hiện nay là 100 ha nhưng sắp tới với nhu cầu thị trường ngày càng lớn thì công ty sẽ mở rộng lên 300 ha.

“Hiện nay, gạo organic của công ty đã được thị trường Pháp đặt hàng, tuy nhiên công ty vẫn tập trung mở rộng thị trường trong nước trước, sau đó lên kế hoạch xuất khẩu” - ông Bình chia sẻ.

Từ rau củ, thịt đến gia vị hữu cơ nhập khẩu

Tại TP.HCM, khoảng 9 giờ sáng 1-4, tại cửa hàng Organica (quận 3), Organik (quận 2)… nhộn nhịp khách đến mua sắm hơn thông lệ.

Chị Lê Thị Huyền (quận Tân Bình) cho biết lần đầu tiên chị ghé cửa hàng này mua sắm. Dù trước đây có biết về thực phẩm hữu cơ, nghe nói nhiều nhưng chị không hoàn toàn tin tưởng có đúng là hữu cơ hay không. Vì vậy, sau một thời gian thấy một số cửa hàng nhận được chứng chỉ của tổ chức nước ngoài nên chị tin tưởng hơn. Chị Huyền chia sẻ: “Bó rau muống giá 55.000 đồng/kg. Dù biết giá cao hơn so với bên ngoài nhưng hiện nay điều này không còn quan trọng”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hằng (quận 3) kể thỉnh thoảng bà mới đi mua thực phẩm hữu cơ vì muốn tìm về hương vị đặc trưng “thật” chứ giá hàng hữu cơ đắt, không mua chế biến thường xuyên được. Ví du,̣ do thích hương thơm riêng của mướp hương, bầu, rau thơm… nên chọn hàng organic, đi kèm là gia vị như tiêu… giúp cho món ăn thêm đậm đà. Trong khi đó gia đình bà Nguyễn Hồng Thanh (quận Tân Bình) cho biết vì gia đình chỉ có hai vợ chồng và một em bé, cũng mong muốn đảm bảo sức khỏe nên mỗi tuần bà đặt online ở cửa hàng quận 2. Mỗi tuần bà mất hơn triệu đồng gồm rau, thịt, gia vị.

Sản phẩm hữu cơ ngày càng đa dạng. Trên thị trường hiện nay, ngoài rau củ, thịt gia cầm, thịt gia súc hữu cơ còn có sữa tươi organic của Vinamilk vừa tung ra. Trong đó, sản phẩm hữu cơ nước ngoài vẫn chiếm ưu thế về chủng loại. Chủ yếu là các loại sữa hữu cơ nguyên kem Daioni Organic xuất xứ từ Anh hay sữa Pacific Organic Oat, sữa tươi hữu cơ Pinar (Thổ Nhĩ Kỳ), gạo (Thái) ngũ cốc, hạt chia (Úc), đường thốt nốt hữu cơ nhập từ Campuchia, muối hồng hữu cơ Hymalaya nhập từ Malaysia vừa dùng nấu ăn vừa tẩy tế bào chết, bột quế Robertsons (Nam Phi), bột gừng (Nam Phi)...

TÚ UYÊN

Làm organic khổ hơn “chăm con mọn”

Để có được chứng nhận trồng rau hữu cơ thì khu đất trồng phải là đất sạch, tức là có ít nhất ba năm không được sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc trừ cỏ hóa học. Đất đã sạch thì nước cũng phải sạch, trang trại còn phải trang bị máy lọc nước cho vào hồ chứa để tưới rau. Phân bón được lấy từ phân bò, con bò cũng phải được nuôi ăn thức ăn hữu cơ. Khổ nhất là đối phó sâu bệnh mà không dùng thuốc BVTV. Để phòng trừ sâu bệnh, người kỹ sư phải đi học về pha chế thuốc diệt sâu từ các loại rau quả hữu cơ như tỏi, ớt… pha trộn với một số thảo dược, liều lượng phải đúng vì quá đậm đặc thì rau cháy trụi, ít thì sâu bệnh không chết.

Đại diện trang trại hữu cơ Organica

QUANG HUY