Cơn sốt khởi nghiệp công nghệ ở Ấn Độ
Trong tầng hầm của một tòa nhà ở Bangalore, hàng trăm thanh niên Ấn Độ đang miệt mài bên máy tính với ước mơ trở thành Steve Jobs hay Mark Zuckerberg tiếp theo. Một phần tư thế kỷ sau khi giải phóng nền kinh tế, những người trẻ tuổi nước này không muốn bước tiếp con đường làm thuê ổn định như bố mẹ mà thích khởi nghiệp hơn.
“Thật sự đã có nhiều tiến bộ”, Aneesh Durg – một sinh viên Ấn Độ đến từ Chicago (Mỹ) nhận xét. Anh đang làm việc tại Bangalore để hỗ trợ phát triển một thiết bị đọc chữ dành cho người mù. Ấn Độ hiện đang có 4.750 công ty khởi nghiệp công nghệ, đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Anh. Tại tòa nhà ở Bangalore - một trong những vườn ươm doanh nghiệp lớn nhất nước này, người ta có thể bắt gặp hàng loạt sáng kiến mới, từ robot đến máy làm cocktail hay ứng dụng nhà bếp thông minh… Mỗi phòng họp của tòa nhà đều treo chân dung của một doanh nhân công nghệ thành công.
Vikram Rastogi là một chuyên gia về robot. Anh thành lập một vườn ươm nhỏ có tên Hacklab sau khi có dịp viếng thăm Viện công nghệ Massachusetts vào năm 2014. “Tôi thấy các sản phẩm phần cứng mà họ đang làm. Chúng tôi cũng có thể làm như vậy ở Ấn Độ”, doanh nhân trẻ tuyên bố.
Cô Sylvia Veeraraghavan là một trong hàng triệu người đã di cư đến Bangalore để tìm việc vào thập niên 90. Thời đó, thành phố này là một trung tâm gia công phần mềm cho phương Tây bởi lực lượng lao động rẻ nhưng có trình độ tốt, được Infosys, Tata Consultancy Services và Wipro ồ ạt tuyển dụng. Bây giờ, sau 25 năm làm việc, cô tin rằng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Ấn Độ đang tạo điều kiện cho thế hệ trẻ dễ dàng khởi nghiệp.
“Họ không bị thúc ép hoặc hạn chế bởi việc phải tìm kiếm một công việc, lo cho bữa ăn ngày mai. Họ giờ có thể sáng tạo, có thể tưởng tượng.”, cô Sylvia nhận xét.
Hiệp hội ngành công nghiệp phần mềm Nasscom của Ấn Độ dự báo, sẽ có 200.000 đến 250.000 người nước này làm việc trong các công ty khởi nghiệp công nghệ vào năm 2020, gấp đôi hiện tại. Theo truyền thống, nhiều nhân vật ưu tú trong làng công nghệ nước này sẽ đến Mỹ để lấy bằng thạc sĩ và ở lại làm việc tại Silicon Valley. Tuy nhiên, sự khắt khe của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề nhập cư, kể cả diện visa H-1B mà các công ty công nghệ Mỹ áp dụng để thu hút nhân tài, sẽ khiến nhiều thanh niên Ấn muốn lập nghiệp tại quê hương hơn.