Con số cảnh báo cho tương lai Đà Lạt từ người Pháp
Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, dân số Đà Lạt đã gần gấp đôi con số này.
Bê tông hóa Đà Lạt mộng mơ
Đà Lạt có tổng diện tích tự nhiên chỉ khoảng 393km² nhưng đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Điều này không phải bất ngờ với những ai tìm hiểu lịch sử, xây dựng thành phố này.
Nước là nhu cầu quan trọng nhất đối với con người, cuộc sống thiếu thứ gì chứ không thể thiếu nước. Thành phố thiếu nước sẽ gặp vô vàn trở ngại, cư dân càng khốn khổ. Đô thị bị ngập nước, kẹt xe làm giảm chất lượng sống. Không nơi nào ngoại lệ, ngoài quy luật này.
Bản đồ quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt. (Ảnh: Tiền Phong)
Theo khảo sát và tính toán của những kiến trúc sư người Pháp quy hoạch Đà Lạt, nguồn nước ngầm, nước bề mặt chỉ đủ cung ứng cho khoảng 120.000 người. Nhưng cùng với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, dân số thành phố Đà Lạt đến cuối năm 2017 là 226.978 người.
Đà Lạt ngày càng bị bê tông hóa, mất mảng xanh, giảm chỗ trữ nước, gia tăng khách du lịch vào mùa khô. Đặc biệt khu trung tâm đâu chỉ xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt mà còn bị ngập nước, ùn tắc giao thông, kẹt xe trầm trọng dịp Tết 2019. Đó là cảnh báo thực tế, rõ ràng nhất. Nhiều chuyên gia từng góp ý, Đà Lạt không nên tăng dân số khu trung tâm, phát triển hãy tạo đô thị vệ tinh ở Đơn Dương hoặc điểm nào gần Bảo Lộc.
Tuy nhiên, Đà Lạt bị cuốn vào vòng xoáy phát triển đô thị thiếu kiểm soát, tập trung quá đông người trong khu trung tâm vốn chật chội kéo theo bao hệ lụy: Ngày càng nóng dần lên, thời tiết thay đổi bất thường, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, ngập lụt nội thị… Những di chứng này khắc phục rất tốn kém, mất nhiều thời gian. Chưa kể các giá trị thuộc về cảnh quan, di sản, văn hóa truyền thống, bản sắc cốt lõi mất đi không thể phục hồi dù có bỏ ra bao nhiêu tiền.
Cẩn trọng với quy hoạch mới
Quy hoạch và thiết kế đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống, được thể hiện thông qua đồ án. Đây cũng là cách suy nghĩ thực hiện chiến lược phát triển, tác động rất lớn đến đời sống xã hội ở nơi đó.
Những bài học đau xót trong đô thị hóa phát triển đã có, nó nhắc nhở về tầm quan trọng trong quy hoạch và thiết kế nếu sai lầm sẽ dẫn đến lãng phí không thể kể hết, thiệt hại không gì có thể bù đắp. Nhiều nước phát triển không bao giờ để kiến trúc sư đơn độc trong lập quy hoạch và thiết kế đô thị mà luôn có sự tham gia phối hợp của nhà đô thị học, kinh tế học, xã hội học, lịch sử, giáo dục, khí tượng thủy văn và cả nhà nghệ thuật. Sau đó, loại bỏ tận gốc các khuyết tật hay những điểm không phù hợp, không phải mong muốn số đông người dân.
Với "Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt" được tỉnh Lâm Đồng công bố, giới chuyên môn đánh giá sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo khu trung tâm hơn 30ha, bao gồm toàn bộ diện tích từ bờ phía bắc Hồ Xuân Hương.
Theo quy hoạch, chỉ có ngôi chợ Đà Lạt còn giữ lại, rạp hát Hòa Bình đã có từ thế kỷ trước là ký ức gắn bó với nhiều thế hệ và du khách sẽ bị dỡ bỏ để xây khu phức hợp cao cấp, dinh tỉnh trưởng trên đồi thông hay còn gọi là khu vực đồi Dinh rộng 4,43 ha đã có từ năm 1910 gắn với lịch sử Đà Lạt cũng bị dời đi nơi khác để xây dựng các trung tâm thương mại cùng với khách sạn với 7 tầng nổi (chưa tính các tầng hầm).
Đà Lạt có thể cần cải tạo lại cho phát thiển, nhưng không nhất thiết phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Khu trung tâm vốn nhỏ hẹp càng không thể gánh thêm nhu cầu mới. Trung tâm thương mại, khách sạn, nhà cao tầng có thể xây dựng ngoài phạm vi trung tâm Đà Lạt. Hãy thận trọng xử lý tốt mối quan hệ giữa cải tạo xây dựng đô thị và giữ gìn di sản, bản sắc để phát triển bền vững, thật sự phục vụ người dân, bất kỳ ai đến cũng có thể thấy được giá trị văn hóa kiến trúc Đà Lạt.