|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cẩn thận kẻo không còn Đà Lạt!

06:53 | 22/03/2019
Chia sẻ
Nếu Đà Lạt chỉ chú tâm phát triển đô thị thật nhanh mà quên mất những yếu tố bảo tồn cảnh quan, lịch sử, văn hóa thì cái hồn của Đà Lạt sẽ mất.

Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) vừa được UBND tỉnh công bố nhưng nhiều người dân, chuyên gia nghiên cứu về vấn đề quy hoạch và kiến trúc vẫn còn những băn khoăn, chưa đồng tình.

GS-TS-kiến trúc sư (KTS) NGUYỄN QUỐC THÔNG, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam:

Không nên xóa đi các công trình cũ

Đà Lạt có đặc điểm riêng về cốt đất, không mênh mang như các thành phố lớn mà xen lẫn với rất nhiều cảnh quan thiên nhiên. Không gian bên ngoài chi phối tới các công trình rất nhiều. Đà Lạt còn là thành phố mang nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa. Di sản một khi đã trở thành một biểu tượng, một giá trị thì nó sẽ trở thành một tài sản quý giá.

Do đó việc quy hoạch lại khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt, tôi cho rằng chúng ta không nên xóa đi các công trình cũ để làm mới tinh khôi. TP Đà Lạt cũng nên suy nghĩ lại về vấn đề quy hoạch này. Như ở đường Đào Duy Từ (Hà Nội) có nhà văn hóa rất cổ, mọi người đều được hưởng vẻ đẹp kiến trúc đó, nó phù hợp với phong cảnh.

TS-KTS NGUYÊN HẠNH NGUYÊN, ĐH Kiến trúc TP.HCM:

Sẽ không ai nhận ra Đà Lạt nữa

Đô thị Đà Lạt được nhắc đến không chỉ là nơi mát mẻ, thoáng đãng, du lịch... mà thực chất còn là nơi chứa đựng rất nhiều giá trị di sản về lịch sử, văn hóa của người Việt lẫn người Pháp. Không ở đâu trên thế giới lại có kiểu quy hoạch mà hoàn toàn theo thế đất, cảnh quan như ở Đà Lạt với các triền dốc lên xuống. Các ngôi nhà ở Đà Lạt có mắt nhà, kiến trúc có hình tròn, đó chính là dấu ấn của người Thượng. Tất cả các công trình Pháp ở Đà Lạt đều rất duyên dáng, nép vào trong rừng thông chứ không đồ sộ. Nếu không hiểu được giá trị này thì rất dễ bị bỏ quên và sẽ bị phá bỏ.

Quay trở lại bản quy hoạch của Đà Lạt đang làm nhiều người dân và nhiều KTS lo lắng, nếu bây giờ người ta tương tác bằng hai công trình rất mới và cả quy hoạch mới đó vào thì sẽ không ai nhận ra Đà Lạt nữa, không còn nhận ra đây là cao nguyên của Việt Nam nữa.

Chúng tôi, các nhà KTS của Việt Nam vẫn đang đấu tranh về vấn đề này. Đà Lạt cần ngồi lại để xem xét, phải giữ được phần lõi, phần hồn cốt của Đà Lạt. Chúng ta thừa sức tạo được những công trình rất mới mà vẫn không ảnh hưởng đến những di sản cũ. Nếu chỉ chú tâm phát triển đô thị thật nhanh mà quên mất những yếu tố về sau thì nó sẽ thiếu mất giá trị nền, chính giá trị nền đó lại là hồn cốt của đô thị.

Cẩn thận kẻo không còn Đà Lạt! - Ảnh 1.

Không ở đâu có kiểu quy hoạch hoàn toàn theo thế đất, cảnh quan như ở Đà Lạt với các triền dốc lên xuống. Ảnh: BÌNH AN

KTS TRẦN CÔNG HÒA, Đà Lạt:

Chưa thỏa mãn mong muốn người dân

Là người con của Đà Lạt, tôi mong muốn rằng khu trung tâm Đà Lạt phải ngày càng xanh và đẹp. Tuy nhiên, bản quy hoạch này rõ ràng chưa thỏa mãn được mong muốn của người dân bởi cả hai công trình thương mại ở trung tâm và khu thương mại - khách sạn trên đồi dinh tỉnh trưởng không thể nào là biểu trưng của thành phố được.

Nếu nghiên cứu kỹ, theo đồ án quy hoạch chung đã được duyệt thì dinh tỉnh trưởng được chỉ định là một mảng xanh chứ không phải là khu trung tâm thương mại kết hợp khách sạn 10 tầng như bản quy hoạch chi tiết này. Vì vậy, theo tôi cần phải nghiên cứu kỹ lại đồ án.

Bài toán chỉnh trang khu Hòa Bình là một bài toán rất khó. Nếu ai là người Đà Lạt hay sống, làm việc ở Đà Lạt cũng đều biết lâu nay rạp Hòa Bình vốn là nơi diễn ra những hoạt động văn hóa nghệ thuật dành cho quần chúng nhân dân. Chức năng của nó tương tự như là chức năng của một nhà hát, kiểu như Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát Bến Thành. Như vậy những gì mà là chức năng của nó đã định vị được rồi thì nên giữ lại chức năng của nó khi quy hoạch.

Bảo tồn tạo nên bản sắc dân tộc

Chiều 21-3, tại hội thảo quốc tế "Bảo tồn di sản đô thị - Chìa khóa phát triển bền vững" do Hội KTS Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản đô thị, ông Luigi Croce, Chủ tịch Hội KTS Venice, cho biết: "Bảo tồn không chỉ là làm lịch sử sống mãi mà còn góp phần xây dựng kinh tế địa phương và tạo nên bản sắc dân tộc. Tại Ý, chúng tôi đã đạt được những thành công trong việc bảo tồn các biểu tượng kiến trúc lịch sử thông qua việc điều chỉnh các công trình kiến trúc ấy cho phù hợp với nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Với những kinh nghiệm có được từ các dự án bảo tồn di sản, tôi hy vọng có thể hợp tác cùng những nhà phát triển và các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể cho di sản Việt Nam giữa làn sóng phát triển mới".

Theo đồ án quy hoạch mới, khu trung tâm Hòa Bình có diện tích 30 ha (phường 1, TP Đà Lạt) sẽ được quy hoạch thành khu giải trí đa chức năng. Rạp hát Hòa Bình đang bị xuống cấp sẽ bị đập bỏ. Khu vực đồi Dinh (rộng 4,43 ha) được quy hoạch để xây khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Dinh tỉnh trưởng cũ sẽ được di dời nguyên khối đến vị trí mới.

Mai Hiền - Bình An

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.