|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Còn hơn 18.000 ha đất chậm đưa vào sử dụng, Bộ trưởng Bộ TN&MT nói gì?

14:49 | 28/10/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, tính đến nay cả nước vẫn còn 18.000 ha lãng phí đất đai do các dự án chậm triển khai. Nguyên nhân của tình trạng này là do chậm giải phóng mặt bằng, các quy hoạch đã thay đổi,...

Sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Tại phiên họp, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, hiện nay trên phạm vi toàn quốc có 743.786.825 m2 đất đang để hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, số tiền thu được rất thấp, chỉ có 286 tỷ đồng. 

Cũng theo đại biểu Mai, chỉ qua giám sát tại 7 địa phương thì đã có đến 1.739 dự án được coi là dự án treo, tương ứng với hơn 12.000 ha đất, đó là một sự thật rất đau lòng và gây bức xúc đối với người dân. Bên cạnh rất nhiều địa phương đang tích cực thu hồi những diện tích đất hoang hóa thì vẫn còn những địa phương cứ sau mỗi một nhiệm kỳ thì số lượng các "dự án treo" lại tăng thêm.

Ngoài ra, còn có tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân từ đất đai; biểu hiện lợi ích nhóm ở một số địa phương, vi phạm pháp luật về đấu thầu giao đất không qua đấu giá,...

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu vấn đề, việc tích tụ tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, cơn sốt đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa,…

Đại biểu Nguyễn Văn Huy đã chỉ ra nguyên nhân của các vấn đề nêu trên thì bắt đầu từ thể chế của đang còn những nút thắt lực cản. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần có giải pháp mang tính chiến lược mà một trong những nội dung lập pháp rất được cử tri và nhân dân trong đợi ở kỳ họp Quốc hội lần này là việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai.

Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất. 

18.000 ha đất lãng phí vì dự án treo

Giải trình về những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, tính đến nay cả nước vẫn còn 18.000 ha lãng phí đất đai do các dự án chậm triển khai, dự án treo dù đã giải quyết được trên 10.000 ha.

Nguyên nhân của tình trạng này là do chậm giải phóng mặt bằng, các quy hoạch đã thay đổi. Đồng thời, các nhà đầu tư dự án kém năng lực nên không triển khai được dự án hay đối với các dự án vi phạm.

Các dự án vi phạm pháp luật do cơ quan quản lý, người quản lý, do có kết luận của thanh tra, bản án có hiệu lực của tòa, ý kiến của Ủy ban kiểm tra…, trong quá trình xử lý các vấn đề có liên quan cũng xuất hiện các khoảng chồng chéo khiến quá trình xử lý bị kéo dài, Bộ trưởng cho biết. 

 Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (Ảnh: Quốc hội). 

Cũng theo Bộ trưởng, với các dự án tồn tại vướng mắc, khó khăn để lại từ trước, hiện nay Chính phủ đã lập một Đề án gồm 4 thành phố với khoảng 2.000 dự án đang vướng mắc và đưa ra các phương án để xử lý. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ báo cáo với Bộ Chính trị để giao cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế cụ thể để giải quyết các tồn tại, vướng mắc ở các dự án thực hiện Đề án là 4 tỉnh, thành phố sau đó là các địa phương khác trên cả nước.

Việc giải quyết các vấn đề này dựa trên nguyên tắc không làm thất thoát tài sản nhà nước, không để lợi dụng, hợp thức các vấn đề sai phạm cũng như không làm ảnh hưởng đến bên thứ ba là hàng nghìn hộ dân, Bộ trưởng cho biết.

Với các ý kiến của đại biểu lo ngại có yếu tố lợi ích nhóm hoặc lợi dụng sửa đổi Luật Đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, để tránh yếu tố lợi ích nhóm, Luật Đất đai sửa đổi sẽ tập trung cụ thể vào các vấn đề quy hoạch, định giá, các phương thức giao đất sẽ là đấu thầu công khai, minh bạch.

Trên cơ sở nguyên tắc vấn đề định giá đã được quy định trong luật gồm: Khung giá, bảng giá và đánh giá cụ thể. "Lần này sẽ thay đổi cơ bản phương pháp định giá đất đai trên cơ sở xây dựng những điều kiện khác để thực hiện như cơ sở dữ liệu về giá đất, quy định chế định phải qua sàn giao dịch, đăng ký với người dân", ông Hà nói.

Bộ trưởng TN&MT cho biết thêm, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội nhưng từ nay đến năm 2024, nên ban hành các Nghị quyết của Quốc hội nếu đó là thẩm quyền của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ nếu thuộc về thẩm quyền của Chính phủ hoặc vấn đề liên quan đến địa phương.

Với các dự án nhà ở xã hội, vị này cho biết, Nhà nước sẽ tạo điều kiện trên quan điểm không thu tiền quỹ đất để làm sao giá nhà ở xã hội hợp lý nhất.

Hạ An