|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Con đường từ 'số không' đến thành công của 5 nữ tướng trên sàn chứng khoán Việt

15:43 | 08/03/2019
Chia sẻ
Trong các số các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán có không ít doanh nghiệp vốn hóa nghìn tỉ được dẫn dắt bởi các nữ tướng tài năng. Tinh thần, ý chí, và bản lĩnh của họ là tấm gương, động lực để phụ nữ Việt Nam vươn lên trên mọi mặt trận.

Mới đây, Tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Trong lần bình chọn này, kinh doanh vẫn là lĩnh vực tiếp tục có sự đóng góp của nhiều gương mặt nhất, với 20 nữ lãnh đạo hàng đầu. So với các danh sách trước, có 30% là gương mặt mới lần đầu tiên có mặt.

"Có những nữ lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu liên tục có mặt trong các danh sách của Forbes Việt Nam từ trước tới nay, như bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk; bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch REE; bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch PNJ… Điều này thể hiện bản lĩnh, sự bền bỉ cũng như tầm ảnh hưởng lớn của những nữ doanh nhân hàng đầu này", Forbes Việt Nam cho hay.

Nhân ngày 8/3, hãy cùng chúng tôi điểm lại những thành tựu đáng ghi nhớ của các nữ tướng trên sàn chứng khoán Việt Nam.

"Nữ tướng" Mai Kiều Liên

Con đường từ số không đến thành công của 5 nữ tướng trên sàn chứng khoán Việt - Ảnh 1.

Sinh năm 1953 tại Pháp, bà Mai Kiều Liên tốt nghiệp đại học tại Matxcova chuyên ngành Chế biến sữa và thịt và có chứng chỉ Quản lý kinh tế - Đại học Kỹ sư Kinh tế Leningrad. Được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Vinamilk vào năm 1992, bà quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp sữa này nhằm tạo ra động lực làm việc mới, khuyến khích cán bộ công nhân viên sáng tạo, đổi mới.

Trải qua hơn 40 năm, bà Mai Kiều Liên đã lãnh đạo CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), đưa công ty trở thành một trường hợp thành công điển hình nhất của khối doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ đổi mới.

Liên tiếp giữ các vị trí then chốt trong công ty, đặc biệt hai chức vụ quan trọng nhất là chủ tịch và tổng giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có mặt liên tiếp từ năm 2012-2015 trong danh sách 50 Nữ Doanh nhân Quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn và được trao tặng giải thưởng Nikkei Asia Prize của Nikkei Inc.

Bên cạnh đó, bà Mai Kiều Liên cũng là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn vào năm 2019.

"Với bề dày dẫn dắt Vinamilk hơn 43 năm hầu hết ở cương vị lãnh đạo cao nhất, bà Mai Kiều Liên đã là linh hồn của công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Bà là người phụ nữ đầu tiên được Forbes Việt Nam vinh danh giải thưởng "Thành tựu trọn đời".

Ở phương diện cá nhân, dấu ấn của bà tại Vinamilk là tư tưởng đổi mới sáng tạo, khả năng hoạch định chiến lược đúng đắn, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn kết người lao động để cống hiến vì mục tiêu chung đưa công ty phát triển", Forbes Việt Nam cho hay.

Năm 2018, Vinamilk đạt 52.562 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 10.227 tỉ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ, EPS đạt 5.295 đồng.

Nữ tỷ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo

Con đường từ số không đến thành công của 5 nữ tướng trên sàn chứng khoán Việt - Ảnh 2.

Sau khi học chuyên ngành Kinh tế và tài chính tại Nga vào những năm 1980, bà Thảo đã khởi nghiệp kinh doanh hàng hóa tại Đông Âu và châu Á. Bà quay lại Việt Nam khoảng 10 năm trước và bắt đầu đầu tư vào ngân hàng, trước khi tham gia vào các dự án bất động sản lớn tại TP HCM và những khu nghỉ dưỡng ở miền trung.

Hiện bà Nguyễn Thị Phương Thảo được biết đến với cương vị Chủ tịch HĐQT - tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet, đồng thời, là Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank.

Trong năm 2017 và 2018, bà Thảo lần lượt đưa Vietjet và HDBank lên niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM và đây đều là các doanh nghiệp vốn hóa tỉ USD. Bà hiện là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Cuối năm 2018, Bloomberg công bố danh sách Top 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu "The Bloomberg 50" với đại diện của Việt Nam đầu tiên là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air).

Bên cạnh đó, trong năm 2018, Tạp chí danh tiếng Forbes cũng công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới với đại diện của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo ở vị trí thứ 44, tăng 11 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. Nữ doanh nhân này cho biết, hơn một năm qua, bà bỏ danh tiếng tỷ phú bên ngoài phòng làm việc cũng như ngưỡng cửa nhà.

Nhiều người từng tiếp xúc cho rằng, bà Thảo không phải là mẫu doanh nhân nói suông mà giống kiểu một "nữ chiến binh" có tinh thần lăn xả hơn. Nhân viên của bà kể, phòng làm việc của tổng giám đốc sáng đèn đến 2-3h sáng, kể cả những ngày nghỉ lễ, là chuyện bình thường.

Nhận được khá nhiều câu hỏi tương tự nhau về bí quyết thành công trong thương trường, bà Thảo nói mình không sử dụng chiêu trò. Thay vào đó, bà nhắc nhiều đến việc mơ lớn, kinh doanh lương thiện và tự tin.

"Bông hồng thép" Nguyễn Thị Mai Thanh

Con đường từ số không đến thành công của 5 nữ tướng trên sàn chứng khoán Việt - Ảnh 3.

Bà Mai Thanh, Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE) lớn lên trong một gia đình cách mạng, cha là cán bộ. Bà làm dược tá trong chiến khu những năm còn học đệ tam (tương đương lớp 10 hiện nay). Năm 16 tuổi bà rời miền Nam, chịu nhiều đợt sốt rét trên chặng đường đi bộ ra Bắc để học chuyên ngành dược.

Bà là một trong số ít người con của các cán bộ cách mạng được cử ra nước ngoài học bởi thành tích học tập xuất sắc. Bà tốt nghiệp đại học tại Đức chuyên ngành cơ khí, mảng điều hòa không khí, rồi lập gia đình với một tiến sĩ hóa học người Việt tại Đức và cùng chồng về nước.

Bà quyết định về REE, nơi mà thời bấy giờ chỉ là một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá.

Bà Thanh khi đó là cán bộ kỹ thuật, cùng chiếc xe máy cũ đi khắp miền Tây giám sát công nhân thi công. Đến năm 1984, nhờ thành công trong việc lắp đặt hệ thống lạnh lớn đầu tiên cho Nhà hát Hòa Bình, bà đã ghi điểm trong mắt lãnh đạo xí nghiệp và được giao trọng trách làm Tổng giám đốc REE.

Và đây chính là tiền đề để REE thực hiện thành công cổ phần hóa năm 1993, tiến đến niêm yết trên thị trường chứng khoán 7 năm sau đó và phát triển cho đến nay.

REE đã trở thành một trong hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán và đã nhận được sự quan tâm của các quỹ ngoại như Dragon capital, VinaCapital từ rất sớm.

"Nữ tướng" cá tra Trương Thị Lệ Khanh

Con đường từ số không đến thành công của 5 nữ tướng trên sàn chứng khoán Việt - Ảnh 4.

Nữ tướng của cá tra Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) sinh ra và lớn lên ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Sau khi tốt nghiệp ra trường, theo sự phân công của nhà nước, bà làm việc ở một công ty xuất khẩu của huyện và công ty này đầu tư xây dựng nhà máy đông lạnh nên bà có sự am hiểu về ngành thủy sản và con cá. Về sau, do thay đổi tổ chức, bà Khanh nghỉ việc và ra ngoài làm riêng.

Lúc đó ngành sản xuất cá tra mới chỉ có nhà máy ở An Giang nhưng vùng nuôi thì có tại An Giang và Đồng Tháp. Bà Khanh liền sang Đồng Tháp lập nghiệp. Năm 1997, bà thuê lại một nhà máy của công ty Sa Giang để bắt đầu sản xuất.

Cầm trên tay số vốn ban đầu chỉ có 70 triệu đồng, đến nay với sự chèo lái vững vàng của bà, Vĩnh Hoàn đã đứng trong Top 5 công ty cá tra xuất khẩu lớn nhất cả nước với thị phần hơn 15%.

Năm 2018, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 9.323 tỉ đồng, tăng 14,4% so với năm trước. Lãi sau thuế 1.452 tỉ đồng, gấp 2,4 lần cùng kì và vượt xa kế hoạch năm.

Chia sẻ về quan điểm về một người phụ nữ thành công, nữ tướng Vĩnh Hoàn từng cho biết, người khôn ngoan là người sống và làm việc có tinh thần trách nhiệm và họ ứng xử trong tất cả các mối quan hệ không chỉ bằng khối óc mà bằng cả trái tim. Sống phải có tâm, đặc biệt là trong một thời cuộc đang rất xáo trộn như thế này.

"Nữ tướng" vàng bạc Cao Thị Ngọc Dung

Con đường từ số không đến thành công của 5 nữ tướng trên sàn chứng khoán Việt - Ảnh 5.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Kinh tế thương nghiệp của Đại học Kinh tế TP HCM năm 1982, bà Cao Ngọc Dung làm việc tại Công ty Thương nghiệp Phú Nhuận.

Khi đang là Trưởng phòng kế hoạch Công ty Nông sản – Thực phẩm quận Phú Nhuận, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), lúc này tài sản công ty khoảng 7,4 lượng vàng.

Trong hơn 20 năm gắn bó với doanh nghiệp, bà đã lãnh đạo PNJ trở thành thương hiệu trang sức lớn nhất Việt Nam với hơn 3.000 nhân viên và 200 cửa hàng. Năm 2018, PNJ ghi nhận doanh thu hơn 14.500 tỉ đồng, lợi nhuận ròng 960 tỉ đồng.

Bà Dung đã được vinh danh trong Top 5 nữ CEO quyền lực, Top 5 doanh nhân xuất sắc nhất Việt Nam ở Giải thưởng "Ernst & Young – Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp năm 2012", và top 50 quyền lực nhất của châu Á (do Forbes Asia bình chọn) năm 2016.

Trăn trở về lớp người kế thừa, bà Dung từng chia sẻ rằng bà cảm thấy mình cực khi nhìn thấy bạn bè về hưu, hưởng thụ. Bà tha thiết muốn được chuyển giao trọng trách điều hành PNJ cho đội ngũ kế thừa nhưng những cơ hội đến rồi lại đi, sự lựa chọn vẫn chưa mỉm cười với bà.

"Người đàn thép" Nguyễn Thị Bạch Điệp

Con đường từ số không đến thành công của 5 nữ tướng trên sàn chứng khoán Việt - Ảnh 6.

Thời điểm những năm 90, khi còn là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, bà Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail, đã xin vào thực tập với vị trí bán hàng ở một cửa hàng của FPT.

Trong suốt gần một năm làm việc, dù không nhận được lương thưởng nhưng nét văn hóa tôn trọng sự khác biệt, quý trọng nhân tài đã giúp bà quyết tâm bám trụ tại FPT.

Từ vị trí quản lý cửa hàng, sau này bà có cơ hội làm việc tại nhiều công ty khác nhau trong tập đoàn FPT như Công ty Tích hợp hệ thống FPT (FPT IS), Công ty Công nghệ di động FPT, Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) và Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading)...

Năm 2010, FPT lập dự án liên doanh cùng tập đoàn siêu thị hàng đầu Indonesia, bà được tin tưởng giao làm Giám đốc dự án Alpha Mart. Tuy nhiên, sau một năm vừa qua lại học hỏi, tìm hiểu quy trình, hệ thống vừa đàm phán thì bất ngờ FPT rút quân để tập trung nguồn lực cho việc mua lại EVN Telecom, bà về lại FPT Trading.

Giai đoạn đầu 2012, FPT đã có 5 - 7 cửa hàng bán lẻ nhưng chủ yếu làm "showroom" cho các hãng. Với những kiến thức nền tảng học được từ đối tác Indonesia, bà đã lên kế hoạch và bảo vệ trước các lãnh đạo FPT về việc đề xuất thành lập một công ty bán lẻ độc lập. Ngày 1/2/2012, FPT Retail chính thức ra đời nhằm thực hiện đề án chuỗi bán lẻ của tập đoàn.

Với những nỗ lực của mình, lần đầu tiên, "nữ tướng" FPT Retail đã được tôn vinh là 1 trong 20 người phụ nữ quyền lực nhất lĩnh vực kinh doanh năm 2019 trong danh sách 50 "Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019" do Forbes Việt Nam công bố mới đây.

Bà Nguyễn Bạch Điệp đã cùng các cộng sự đưa FPT Retail từ 17 cửa hàng, sau 7 năm phát triển thành chuỗi bán lẻ điện thoại lớn thứ hai Việt Nam với hơn 500 cửa hàng từ Bắc tới Nam.

Minh Anh

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietcombank: Dư nợ cho CBBank vay 10.000 tỷ năm 2022 đã giảm về 1.000 tỷ vào cuối quý I
Ngân hàng dự kiến sẽ trình phương án tiếp tục dùng lợi nhuận của năm 2023 để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) cần sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.