|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Cơn điên' chứng khoán Việt Nam: Hơn 100.000 tài khoản mới mỗi tháng và 1,5 tỷ USD của F0 phá vỡ mọi quy luật

19:54 | 02/06/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch thăng hoa với lượng tiền mới liên tục đổ vào. Thêm vào đó, hàng trăm nghìn tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới mỗi tháng minh chứng cho cơn cuồng phong của F0. Nhà đầu tư đang nghĩ đến những mốc 1.400 điểm, 1.500 điểm của VN-Index hay những cổ phiếu tăng bằng lần. Dù vậy, nhà đầu tư cũng cần có kế hoạch quản trị rủi ro để bảo vệ tài khoản của mình.

Cá nhân trong nước bơm thêm 1,5 tỷ USD vào HOSE trong 5 tháng

Không quá khi nói rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua "cơn điên" khi lượng tiền đổ vào ngày một nhiều hơn. Chắc hẳn, cơ quan quản lý nhà nước đến các nhà đầu tư đều khó nghĩ đến viễn cảnh thanh khoản hàng tỷ USD mỗi phiên. Nhưng mọi thứ đã khác, giá trị giao dịch 1 tỷ USD hiện tại chỉ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong thời gian giao dịch buổi sáng.

Dưới cái nóng oi ả của mùa hè, thị trường chứng khoán Việt Nam lại sục sôi với câu chuyện quá tải của hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). 

Sau một thời gian tạm thiết lập trạng thái bình thường mới với quy mô nâng từ 14.000 tỷ đồng lên hơn 20.000 tỷ đồng, hệ thống giao dịch của sàn HOSE vẫn chưa thể tương xứng với quy mô của thị trường. Đỉnh điểm, trong phiên giao dịch ngày 1/6, HOSE phải tạm dừng giao dịch phiên chiều do dòng tiền vào thị trường quá lớn. Đây là tiền lệ chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sức mạnh của dòng tiền nội còn được thể hiện qua động thái mua lấn lướt dòng tiền từ các NĐT nước ngoài. Nếu như những năm trước đây, hoạt động rút ròng của khối ngoại khuynh đảo thị trường trong nước. Hiện giờ, vai trò đó thuộc về những NĐT cá nhân trong nước - bộ phận chiếm hơn 85% thanh khoản của thị trường.

'Cơn điên' chứng khoán Việt Nam: Hơn 100.000 tài khoản mới mỗi tháng và 1,5 tỷ USD của F0 phá vỡ mọi quy luật - Ảnh 1.

Giá trị mua/bán ròng của cá nhân trong nước và khối ngoại trong 5 tháng đầu năm trên HOSE. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Dòng tiền từ cá nhân trong nước phá vỡ mọi quy luật trên thị trường. Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh lại liên tục bứt phá và thiết lập mức đỉnh lịch sử mới như HPG, VPB, CTG. Tuy vậy, dòng tiền ngoại vẫn nhấn chìm một số cổ phiếu, đơn cử như VNM của Vinamilk khi mã này vẫn đang dò đáy.

Nhưng về tổng quan, dòng tiền từ các cá nhân trong nước đã đối ứng tất cả những gì mà khối ngoại bán ra trên thị trường. Theo thống kê của người viết, các cá nhân trong nước đã mua ròng trong cả 5 tháng đầu năm trên HOSE với giá trị hơn 35.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD). 

Riêng trong tháng 4 và 5, khi VN-Index băng qua ngưỡng 1.200 điểm và tiếp tục vượt mốc 1.300 điểm thiết lập kỷ lục mới, cá nhân trong nước đã "bơm" thêm gần 15.000 tỷ đồng. 

Theo quan sát, giá trị mua ròng của NĐT cá nhân trong nước thậm chí còn vượt trội hơn nhiều giá trị bán ròng cổ phiếu 30.859 tỷ đồng của khối ngoại trên HOSE. 

Lý giải về dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán SSI cho rằng đây là sự dịch chuyển từ nguồn tiết kiệm trong công chúng sang kênh đầu tư chứng khoán.

Dòng tiền mới đổ vào thị trường khiến giới đầu tư chứng khoán quên bẵng đi khái niệm "căng margin". Trước đó, mỗi khi thị trường chỉ nhen nhóm thông tin về cạn nguồn margin có thể khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo, thậm chí hàng loạt mã bluechip bất ngờ giảm sàn. Nhưng giờ nỗi sợ "bóng ma" margin không còn ứng nghiệm.

F0 chưa ngừng tăng: Hàng trăm nghìn tài khoản mở mới mỗi tháng

'Cơn điên' chứng khoán Việt Nam: Hơn 100.000 tài khoản mới mỗi tháng và 1,5 tỷ USD của F0 phá vỡ mọi quy luật - Ảnh 2.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới hàng tháng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục thiết lập đỉnh mới nhưng hàng trăm nghìn tài khoản giao dịch vẫn được mở mới mỗi tháng. Trong tháng 5, dù nghỉ lễ một ngày, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới vẫn xác lập kỷ lục mới với 114.107 tài khoản. Trong 5 tháng đã có tổng cộng 482.760 tài khoản giao dịch chứng khoán mới.

Tính đến cuối tháng 5, thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,36% dân số Việt Nam. Nếu hoạt động mở mới tài khoản tiếp tục được duy trì, mục tiêu số lượng nhà đầu tư chiếm 5% dân số đến năm 2025 sẽ dễ dàng đạt được.

'Cơn điên' chứng khoán Việt Nam: Hơn 100.000 tài khoản mới mỗi tháng và 1,5 tỷ USD của F0 phá vỡ mọi quy luật - Ảnh 3.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến cuối tháng 5. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Trở lại với diễn biến thị trường, cơn cuồng phong từ nhà đầu tư F0 vẫn chưa có dấu hiệu ngưng. Khi thị trường liên tục tăng như hiện tại, giới đầu tư chứng khoán nghĩ đến lợi nhuận hơn là xem xét những rủi ro, sẽ xử lý tài khoản ra sao nếu thị trường giảm sâu.

Đã đến lúc NĐT nghĩ nhiều hơn đến việc quản trị rủi ro? 

Dẫu biết "cơn điên" của thị trường chứng khi dòng tiền mới ồ ạt đổ vào đã phá vỡ mọi quy luật từ phân tích cơ bản đến phân tích kỹ thuật. Trong các báo cáo, các công ty chứng khoán liên tục nâng mức định giá mục tiêu của các cổ phiếu cũng như mức đỉnh của VN-Index. Trong khi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo thị trường chứng khoán Việt Nam dấu hiệu tăng nóng. 

Điều này để thấy rằng rủi ro thị trường luôn thường trực. Vì lẽ đó, nhà đầu tư luôn phải cảnh giác để có những phương án quản trị rủi ro khi xảy ra khi bữa tiệc vui nào rồi cũng đến hồi kết. Thị trường đi lên bền vững cần phải có những nhịp điều chỉnh đan xen.

Góc nhìn từ PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), các cơn sốt của bất động sản, chứng khoán hay bất kể một thị trường, tài sản nào khác là do các dòng tiền nóng tạo ra. Điểm dừng của nó về dài hạn thì vẫn phải quay về với định giá của doanh nghiệp, nền tảng cơ bản của doanh nghiệp.

"Rất khó để nói về điểm dừng của giá cổ phiếu, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay khi dịch COVID qua đi các hoạt động sản xuất kinh doanh khôi phục trở lại thì dòng tiền sẽ rút ra khỏi chứng khoán và đầu tư vào nền kinh tế nhiều hơn", ông Phạm Thế Anh nói điểm.

Lợi Hoàng