Colombia trì hoãn thu hoạch, cà phê nguy cơ thiếu nguồn cung
Colombia trì hoãn thu hoạch, thị trường cà phê nguy cơ thiếu nguồn cung. (Ảnh: CBC) |
Mưa lớn kéo dài kèm theo xu hướng giảm giá trên cả thị trường khiến việc thu hoạch vụ cà phê cũng như hoạt động thương mại cà phê của Colombia bị trì trệ, Bloomberg trích nhận định của Tập đoàn nông nghiệp đa quốc gia Cofco cho biết. Hiện tại Colombia, nước sản xuất cà phê arabica lớn thứ hai thế giới, đang vào giữa vụ cà phê phụ (vụ mitaca, bắt đầu từ tháng 4) và sẽ bắt đầu thu hoạch vụ chính từ tháng 10.
Theo ông Joseph Reiner, Trưởng phòng thương mại cà phê của Cofco, mưa lớn khiến quá trình trưởng thành của cây cà phê chậm lại, hoa sẽ nhỏ hơn và rụng nhiều hơn. Theo đó, cả sản lượng và chất lượng cà phê của Colombia trong vụ chính dự báo đều sẽ giảm.
“Công tác thu hoạch bị trì hoãn vì lượng mưa quá lớn trong khi giá cả cũng không đủ cao để kích thích người dân bán ra. Tình trạng tương tự cũng từng xảy ra vào năm ngoái và vụ thu hoạch sau đó đã bị ảnh hưởng lớn, ” ông Reiner nói.
Trong tháng 6, mưa lớn khiến sản lượng cà phê của Colombia giảm 9%, sau khi đã giảm gần 23% trong tháng trước đó, theo số liệu của Hiệp hội Cà phê Colombia.
Ngoài Colombia, nông dân Brazil cũng đang thu hoạch vụ cà phê 2017 – 2018, và sản lượng dự báo giảm vì cây cà phê tại đây đang vào chu kỳ năng suất thấp. Theo dự báo của giới thương lái, sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ này sẽ chỉ đạt 48 – 52 triệu bao. Hiện tại, Brazil đã thu hoạch được 50 – 60% diện tích cà phê, theo kết quả khảo sát của Cofco.
“Khi nhìn vào nhu cầu tiêu thụ, và đối chiếu với tình hình thu hoạch vụ mitaca tại Colombia và Brazil đến thời điểm hiện tại hay triển vọng sản lượng của Việt Nam, chúng ta sẽ nhận thấy nguy cơ thiếu hụt nguồn cung rất lớn,” ông Reiner nói.
Tại Việt Nam, mặc dù sản lượng cà phê niên vụ tới dự báo tăng nhưng diện tích trồng đã giảm trong vài năm gần đây vì người dân chuyển qua trồng tiêu, mặt hàng cho lợi nhuận cao hơn, ông Reiner cho biết. Theo ước tính của Cofco, sản lượng cà phê trong niên vụ này và niên vụ tới của Việt Nam trung bình đạt khoảng 26 – 27 triệu bao.
Xét về giá cà phê, giá arabica chốt cuối tuần trước, kỳ hạn phục hồi khoảng 12% sau khi chạm đáy 15 tháng hồi tháng 6. Tương tự, giá robusta kỳ hạn cũng tăng 15% từ đáy 7 tháng được ghi nhận vào tháng 4.
Trong tháng 6, cả hai sàn cà phê đều đã thoát đáy. |
Trong tháng 6, giá robusta tăng mạnh vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung, khiến chênh lệch giá giữa hai loại cà phê này xuống thấp nhất kể từ năm 2008. Chênh lệch giá càng hẹp thì các doanh nghiệp rang xay cà phê trên thế giới càng có xu hướng sử dụng arabica thay robusta, ông Reiner cho biết.
Chênh lệch giá của robusta và arabica xuống thấp nhất 9 năm trong tháng 6. |
Xét về nhu cầu, nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu ngày càng lớn, đặc biệt là ở châu Á khi tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh. Ông Reiner cho hay, xu hướng tiêu thụ cà phê của Trung Quốc trong thập kỷ kết thúc vào năm 2014 đã từng diễn ra ở Nhật Bản trong thập kỷ kết thúc vào năm 1973, và đến nay Nhật Bản vẫn là một nước tiêu thụ cà phê lớn.
“Trung Quốc sẽ sớm vượt Việt Nam và Ấn Độ về nhu cầu tiêu thụ cà phê, nhất là khi các nước châu Á đang tăng trưởng với ở mức hai con số,” ông Reiner nói.