|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Cởi trói' cho doanh nghiệp ngành thực phẩm

20:50 | 06/03/2018
Chia sẻ
“Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm” chính là chiếc chìa khóa “cởi trói” cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
coi troi cho doanh nghiep nganh thuc pham Doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống vẫn hái ra tiền
coi troi cho doanh nghiep nganh thuc pham Doanh nghiệp thực phẩm vào tầm ngắm nhà đầu tư ngoại
coi troi cho doanh nghiep nganh thuc pham
Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Ảnh: Văn Đức - TTXVN

Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội nghị phổ biến Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 6/3. Nghị định 15/2018/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực từ ngày 2/2/2018, thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được ban hành từ năm 2012. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Nghị định 15/2018/NĐ-CP sẽ thay đổi cơ bản phương thức quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Đồng nghĩa với việc áp dụng phương thức quản lý dựa trên quản trị rủi ro; trong đó, có nhiều quy định mới như tự công bố sản phẩm, quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm... Theo ông Nguyễn Thanh Phong, một trong những điểm quan trọng nhất của Nghị định 15/2018/NĐ-CP là trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nếu như quy định cũ yêu cầu doanh nghiệp phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước thì nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của mình và nộp một bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm, đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin đã công bố và mức độ an toàn của sản phẩm đó. Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP là cuộc “cách mạng” về quản lý an toàn thực phẩm của Chính phủ, giúp "cởi trói" cho doanh nghiệp ngành thực phẩm khỏi các thủ tục quản lý hành chính nhiêu khê trước đó. Theo ông Trần Ngọc Liêm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP sẽ giúp cắt giảm tới 90% thủ tục hành chính về quản lý an toàn thực phẩm. Qua đó, cắt giảm hàng triệu ngày công, hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Trên thực tế, chỉ 2% số vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thực phẩm có vi phạm.

Trong khi đó, từ trước tới nay các cơ quan quản lý phải huy động rất nhiều nhân lực và tài chính cho hoạt động thanh tra, kiểm tra. Mặt khác, 72% số thủ tục hải quan thực hiện hiện nay cũng là thủ tục kiểm tra chuyên ngành, khiến thời gian thông quan bị kéo dài. Việc thay đổi phương thức quản lý về kiểm tra chuyên ngành từ tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ cắt giảm đáng kể thời gian thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để Nghị định 15/2018/NĐ-CP đi vào thực tế, phát huy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cần triển khai một cách thống nhất, nghiêm túc, hạn chế trường hợp cùng một quy định nhưng mỗi nơi hiểu và làm một kiểu khác nhau.

Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan như y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cần sớm ban hành danh mục các mặt hàng, thủ tục cần kiểm tra an toàn thực phẩm phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP để tránh sự chồng chéo, bất cập giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

Xuân Anh