|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Joe Biden lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ

15:35 | 27/01/2024
Chia sẻ
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng những rủi ro mà nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể phải đối mặt, xuất phát từ nguy cơ đi xuống của kinh tế Trung Quốc và những đứt gãy chuỗi cung ứng liên quan tới sự gián đoạn của hoạt động vận tải qua Biển Đỏ, dường như chỉ ở mức hạn chế. Ngoài ra, quan chức này cũng bày tỏ tin tưởng vào triển vọng khả quan của nền kinh tế Mỹ.

Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, Lael Brainard cho biết bà đang theo dõi hậu quả kinh tế tiềm tàng từ các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen vào tàu container chở hàng ở khu vực biển Đỏ. Theo các chuyên gia kinh tế, những diễn biến này dường như ít ảnh hưởng hơn đến chuỗi cung ứng của Mỹ (khi so với các khu vực khác của thế giới).

Năm 2023, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đạt 5,2%, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ nước này đã đề ra là khoảng 5%. Bước sang năm 2024, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: thị trường bất động sản sụt giảm kéo dài, khu vực tư nhân yếu và tiêu thụ nội địa kém.

Bà Brainard đánh giá sự phục hồi kém mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc là một yếu tố quan trọng đối với nhiều quốc gia trong khu vực, lân cận với Trung Quốc, và một số nền kinh tế có mối liên kết chặt chẽ với Trung Quốc, trong khi nền kinh tế Mỹ vốn phát triển đa dạng hơn.

Theo bà Brainard, lạm phát của Mỹ đang được giữ ở mức 2%. Dữ liệu về chi tiêu và niềm tin của người tiêu dùng nước này cho thấy người dân Mỹ đang dần lấy lại sự tự tin vào khả năng tài chính cá nhân, trong khi tốc độ tăng của giá hàng tiêu dùng đang chậm lại.

Cố vấn kinh tế cấp cao của Mỹ nhấn mạnh một số vấn đề chính đối với nền kinh tế nước này trong năm 2024, bao gồm khả năng chi trả cho nhà ở và chi phí chăm sóc sức khỏe. Đây là những vấn đề mà Tổng thống Biden đang tập trung giải quyết.

Diệu Linh (Theo Reuters)

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.