|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu Vinaconex - ITC tăng hơn 6 lần trong ba tháng, kì vọng tái khởi động dự án khủng hay chỉ là đầu cơ tăng giá?

19:27 | 18/06/2019
Chia sẻ
Trong ba tháng gần đây, giá cổ phiếu VCR của Vinaconex - ITC tăng hơn 6 lần. Sự tăng giá này không đến từ kết quả kinh doanh khởi sắc. Một câu hỏi cho nhà đầu tư: Điều gì đã làm cổ phiếu này tăng giá mạnh đến vậy?

Cổ phiếu VCR 'dậy sóng' tăng hơn 6 lần trong 3 tháng, liên tiếp lập đỉnh

Kết phiên 18/6, cổ phiếu VCR của CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex-ITC - Mã: VCR) tăng 3,8% lên 30.400 đồng/cp, trong phiên có lúc cổ phiếu này tăng trần (9,9%) lên 32.200 đồng/cp. 

Tổng khối lượng cổ phiếu VCR giao dịch trong phiên hôm nay đạt gần 542.600 đơn vị. Tính trong 6 tháng gần đây, khối lượng giao dịch này chỉ thấp hơn so với phiên 11/6 với khối lượng 716.618 đơn vi.

vcr1

Diễn biến giá cổ phiếu VCR trong 6 tháng gần đây. Nguồn: VNDirect

Từ thời điểm tháng 3/2019, cổ phiếu VCR là tâm điểm trên thị trường khi liên tục thiết lập đỉnh mới. Trước đó, cổ phiếu này chủ yếu giao dịch lình xình quanh vùng giá 4.000 - 5000 đồng/cp với thanh khoản 'èo uột' chỉ khoảng 10.000 đơn vị mỗi phiên.

A12

Diễn biến giá cổ phiếu VCR từ tháng 5/2012 đến tháng 3/2019. Nguồn: VNDirect

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn tăng giá liên tục từ đầu năm 2016 đến tháng 4/2018. Chỉ số VN-Index quay lại mốc đỉnh 1.204 điểm vào đầu tháng 4/2018. Tuy nhiên, trong giai đoạn thị trường tăng giá chung, cổ phiếu VCR giao dịch không mấy khởi sắc.

Trong 7 năm 2012 - 2019, những đợt tăng giá của cổ phiếu VCR chủ yếu là những đợt sóng ngắn với những chuỗi phiên tăng trần giảm sàn. Câu chuyện đáng nói là cổ phiếu này chưa có thời điểm nào vượt mệnh giá 10.000 đồng/cp trong thời gian đó.

Tuy nhiên, kể từ 7 - 26/3, giá cổ phiếu VCR bắt đầu bùng nổ với chuỗi 13 phiên tăng kịch trần liên tiếp. Giá cổ phiếu VCR tăng 3,3 lần, từ 4.800 đồng/cp lên 16.000 đồng/cp kèm theo thanh khoản tăng vọt. 

Sau nhịp tăng giá đó, cổ phiếu VCR có thời gian điều chỉnh tích lũy quanh mức giá 13.000 đồng/cp. Nửa cuối tháng 5, cổ phiếu VCR lại gây bất ngờ với NĐT khi tiếp tục bứt phá lên 22.000 đồng/cp, tương đương tỉ lệ tăng 69%.

Diễn biến sau đó, cổ phiếu VCR tiếp tục tích lũy quanh giá 21.000 đồng/cp đến 10/6, rồi lại bước vào nhịp tăng giá liên tiếp lên hơn 30.000 đồng/cp ở thời điểm hiện tại.

Như vậy, giao dịch của cổ phiếu VCR giai đoạn này có sự khác biết đáng kể khi liên tục tích lũy và tăng giá, khác hẳn với những con sóng đầu cơ với chuỗi phiên tăng trần giảm sàn trong 7 năm trước đó.

Tính từ khi bắt đầu giai đoạn tăng giá vào tháng 3, cổ phiếu VCR đã tăng 6,3 lần liên tục thiết lập nên đỉnh giá mới, hiện đang giao dịch tại vùng đỉnh lịch sử. Vậy điều gì là lên 'con sóng' tăng giá mạnh nhất của cổ phiếu VCR kể từ khi niêm yết? 

Cơ cấu cổ đông cô đặc, ba tổ chức nắm giữ 78% số cổ phiếu lưu hành

CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex tiền thân là Ban quản lý dự án Cái Giá – Cát Bà trực thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) thành lập năm 2005 với nhiệm vụ thực hiện đầu tư Dự án Cát Bà Amatina tại vịnh Cái Giá, đảo Cát Bà, TP. Hải Phòng. Năm 2008, Ban quản lý được chuyển đổi thành CTCP với vốn điều lệ 300 tỉ đồng.

Ngày 10/5/2010, 30 triệu cổ phiếu VCR của Vinaconex – ITC chính thức chào sàn HNX với giá 40.000 đồng/cp

Kể từ khi thành lập, công ty thực hiện duy nhất một lần tăng vốn từ 300 tỉ đồng lên 360 tỉ đồng thông qua đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu tỉ lệ 10:2,05 với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Tính đến ngày 28/12/2018, cơ cấu cổ đông của Vinaconex – ITC gồm 3 tổ chức là cổ đông lớn, nắm giữ trên 78% vốn điều lệ công ty.

57b1099e49c2ad9cf4d3

Nguồn: Báo cáo thường niên 2018

Theo đó, Vinaconex (Mã: VCG) là cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối công ty với 18,28 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 53,56% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, hai cổ đông còn lại gồm Ngân  hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank, Mã: EIB) và CTCP Chứng khoán Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (AGRISECO, mã: AGR) với tỉ lệ sở hữu lần lượt 10,86% và 13,586%, tương ứng số lượng lần lượt là 3,9 triệu cp và 7,9 triệu cp.

Với việc, ba tổ chức là cổ đông lớn nắm giữ đến 78% cổ phần của công ty, số lượng cổ phiếu VCR "trôi nổi" ngoài thị trường là gần 8 triệu cổ phiếu. 

Với cơ cấu này cổ đông cô đặc và số lượng cổ phiếu trôi nổi ở mức thấp có thể là nguyên nhân cổ phiếu VCR dễ dàng tăng kịch trần. Điển hình, phiên giao dịch 11/6, cổ phiếu VCR tăng kịch trần lên 23.800 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt 716.618 đơn vị, tương đương hơn 9% số cổ phiếu trôi nổi của công ty.

Cổ phiếu tăng giá chưa gắn liền với sự khởi sắc trong kinh doanh

Giai đoạn 2009 - 2011, Vinaconex – ITC báo cáo kết quả kinh doanh khả quan với việc doanh thu năm 2010 đạt 155,2 tỉ đồng, ghi nhận mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, kéo theo đó, lợi nhuận công ty đạt gần 61 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, giai đoạn 2012 - 2019, công ty kinh doanh không mấy khả qua khi doanh thu lao dốc và lợi nhuận liên tục sụt giảm. Năm 2012 và 2013, Vinaconex – ITC báo lỗ lần lượt 40,9 tỉ đồng và 35,2 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh đi xuống khiến giá cổ phiếu VCR liên tục lao dốc. Giai đoạn 2014 - 2016, công ty có sự hồi phục trở lại khi báo lãi tăng trưởng ba năm liên tiếp. Nhưng đây cũng là giai đoạn doanh thu của công ty liên tục sụt giảm.

ITC

Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Năm 2017, UBND TP. Hải Phòng có chủ trương thu hồi dự án Cái Giá,  mọi hoạt động kinh doanh bị đình trệ hoàn toàn trong khi vẫn phải duy trì các loại chi phí khiến kết quả kinh doanh hai năm 2017 và 2018 có chiều hướng đi xuống. Kết quả là công ty báo lỗ 15,8 tỉ đồng và 11 tỉ đồng trong hai năm đó.

Trong ba quý đâu năm 2018, Vinaconex – ITC tiếp tục không có doanh thu. Tháng 11/2018, UBND TP. Hải Phòng đã hủy bỏ quyết định thu hồi đất và giao lại cho Vinaconex – ITC quản lý. Quý IV/2018, công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu trở lại. Theo đó doanh thu cả năm 2018 đạt 12,5 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận vẫn âm 11 tỉ đồng.

Năm 2019, kỳ vọng dự án Cái Giá hoạt động bình thường trở lại, Vinaconex – ITC đặt mục tiêu tổng doanh thu 25,8 tỉ đồng, tăng trưởng 93,9% so với năm trước. Công ty đặt cũng mục tiêu có lãi trở lại với lợi nhuận sau thuế ước đạt 2,7 tỉ đồng, tích cực hơn so với mức âm 11 tỉ đồng năm 2018.

Tuy nhiên, trái với kết quả kinh doanh đưa ra, trong quý đầu năm nay, Vinaconex - ITC vẫn chưa có doanh thu do ảnh hưởng từ dự án chưa khắc phục xong. Công ty cũng báo lỗ sau thuế 1,7 tỉ đồng.

Ghi nhận tại báo cáo tài chính của công ty, tính đến 31/3/2019, mức lỗ lũy kế của công ty là 82,2 tỉ đồng. Với, kết quả kinh doanh 'èo uột', nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VCR cũng không nhận được cổ tức kể từ năm 2012.

Với những gì phân tích cho thấy sự tăng giá của cổ phiếu VCR không gắn liền với tín hiệu kinh doanh khả quan của công ty.

A12

Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá (Cát Bà, Hải Phòng). Ảnh: VCR

Kì vọng vào việc tái khởi động dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá (Cát Bà, Hải Phòng)?

Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá (Cát Bà, Hải Phòng) được chuyển từ công ty mẹ Vinaconex vào năm 2010. Đây là dự án được Vinaconex - ITC đặt nhiều kì vọng với sản phẩm biệt thự bãi tắm Tùng Thu và Bazzar Avenue. 

Chi phí lãi vay lên cao, tiền bảo lãnh vẫn phải duy trì, sản phẩm chậm tiêu thụ, năm 2014, công ty đề nghị UBND TP. Hải Phòng cấp phép bán đất nền có hạ tầng kỹ thuật và xin giãn nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ kinh doanh của dự án. Đồng thời, doanh nghiệp xin giãn tiến độ dự án: 2006-2015 là đầu tư xây dựng hạ tầng và 2016 - 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án. Nhưng động thái này cũng không thực sự mang lại hiệu quả và không thể giúp tái khởi động dự án. 

Kết quả là, ngày 2/3/2017, UBND huyện Cát Hải đã có Thông báo số 54/TB-UBND đề nghị Vinaconex ITC tạm dừng triển khai Dự án Cát Bà Amatian.

Với đề nghị xem xét lại từ công ty mẹ của Vinaconex - ITC là TCT Vinaconex, UBND TP. Hải Phòng đã xem xét lại hồ sơ, tài liệu liên quan đến chi phí đầu tư, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, vốn góp đầu tư với tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án này. 

Ngày 25/9/2017, UBND TP. Hải Phòng có Công văn số 6361/UBND-ĐC3 chấp thuận để Vinaconex ITC tiếp tục thực hiện dự án, nhưng chỉ đối với phần diện tích đất thuộc các khu B1, A1, A3, A4 (diện tích khoảng 20 ha) với điều kiện đảm bảo quỹ đất ở và đất thương mại để giải quyết các tồn tại về chuyển nhượng, góp vốn khi thực hiện dự án trước đây.

Sau một loạt những thủ tục sau đó, ngày 5/11/2018, UBND TP. Hải Phòng ban hành Quyết định trả lại đất tại Dự án Cát Bà Amatina cho Vinaconex - ITC quản lí.

Sau khi nhận được được quyết định giao lại đất vào tháng 11/2018, phía công ty đã tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng dự án. Tín hiệu tái khởi động dự án được xem như 'tia sáng' cho cổ đông của công ty. 

Tính đến 31/3, tổng tài sản của Vinaconex - ITC ở mức 867,3 tỉ đồng, trong đó chú ý có 800,8 tỉ đồng tài sản dở dang dài hạn, tập trung toàn bộ vào dự án Khu du lịch Cái Giá - dự án duy nhất của công ty. Nếu so sánh thời điểm đầu kì, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty chỉ tăng hơn 2,6 tỉ đồng.

VCR

Tài sản dở dang dài hạn của Vinaconex - ITC ghi nhận tại thời điểm 31/3/2019. Nguồn: BCTC

Những động thái huy động vốn ban đầu thực hiện dự án

Đầu tháng 3, Vinaconex - ITC công bố nghị quyết của HĐQT về phương án chào bán 3 triệu trái phiếu riêng lẻ, dự kiến thu về 300 tỉ đồng để đầu tư cho dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá (Cát Bà).

VCR2

Kế hoạch sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nguồn: Vinaconex - ITC

Theo kế hoạch sử dụng vốn, số tiền 300 tỉ đồng thu được từ phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ được sử dụng vào nộp tiền sử dụng đất (133,3 tỉ đồng), nộp tiền chậm nộp tiền sử dụng đất cho dự án (150,8 tỉ đồng) và bổ sung vào vốn lưu động thực hiện dự án (15,9 tỉ đồng).

Theo như thông tin về dự án trên website Vinaconex - ITC, dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá (Cát Bà, Hải Phòng) có tổng số vốn đầu tư là 1 tỉ USD (khoảng 23.000 tỉ đồng). Với những gì đã triển khai, nguồn vốn sắp tới để công ty có thể triển khai dự án vẫn là một câu hỏi lớn cho các cổ đông của công ty.

VCR3

Thông tin về dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá (Cát Bà) trên website Vinaconex - ITC. Nguồn: VCR

Sơn Tùng - Phan Quân