Cổ phiếu TTB trước khi chủ tịch và CEO bị khởi tố: Từng có chuỗi giảm sàn khiến giá mất hơn 80%, hai cá nhân thao túng giá bị phạt tiền tỷ
Chuỗi giảm sàn của cổ phiếu TTB khiến nhà đầu tư lỗ trên 80%
Ghi nhận trong phiên giao dịch hôm nay (27/12), cổ phiếu TTB giảm kịch sản xuống còn 3.560 đồng/cp với khối lượng dư bán giá sàn hơn 1,2 triệu đơn vị. Trong quá trình giao dịch, những phiên tăng trần giảm sàn liên tiếp trở nên quen thuộc với cổ phiếu có tính đầu cơ này.
Trước đó, cổ phiếu TTB từng bất ngờ lao dốc hồi cuối năm 2019 khi giảm từ 19.000 đồng/cp xuống còn 3.670 đồng/cp (mất khoảng 81% giá trị) sau 30 phiên giao dịch (8/11/2019 - 19/12/2019), trong đó ghi nhận 22 phiên giảm sàn. Cùng với xu hướng giảm giá, thanh khoản giảm xuống mức thấp khiến nhà đầu tư không thể cắt lỗ khi nắm giữ cổ phiếu này.
Hiện tượng cổ phiếu bất ngờ lao dốc sau giai đoạn đi ngang không còn xa lạ với nhà đầu tư trên thị trường, đơn cử như FTM, ADS, HCD, TNI.
Nói về mã TTB, sau khoảng 16 tháng đi ngang ở vùng giá 21.000 - 26.000 đồng/cp, cổ phiếu Tập đoàn Tiến Bộ bắt đầu sụt giảm từ ngày 8/11/2019 và ghi nhận giảm sàn 8 phiên liên tiếp (8/11/2019 - 19/11/2019) với mức thanh khoản có những phiên ghi nhận vài chục đến vài trăm đơn vị.
Lãnh đạo Tập đoàn Tiến Bộ từng bị các công ty chứng khoán bán giải chấp
Đến ngày 20/11/2019, Tiến Bộ công bố nghị quyết Hội đồng Quản trị (HĐQT) về việc mua lại 1 triệu cổ phiếu TTB theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch để làm cổ phiếu, ngân sách dự kiến chi ra khoảng 12 tỷ đồng. Đồng thời, các lãnh đạo công ty cũng đồng loạt đăng kí mua vào để "cứu giá".
Trong đó, Chủ tịch HĐQT Phùng Văn Bộ đăng kí mua 500.000 đơn vị; thành viên HĐQT Phùng Văn Thái dự kiến mua 200.000 đơn vị; các lãnh đạo còn lại gồm thành viên HĐQT Trần Thanh Bình và Trưởng Ban Kiểm soát Dương Thị Vân cùng đăng kí mua 100.000 đơn vị.
Sau thông tin này, cổ phiếu TTB đã tạm ngừng lao dốc trong vài phiên sau đó cùng thanh khoản xuất hiện trở lại, tuy nhiên từ phiên 25/112019 cổ phiếu này lại tiếp tục giảm sàn đến 6/12/2019 (10 phiên liên tiếp), với mức thanh khoản mỗi phiên khoảng 16.000 – 250.000 đơn vị.
Đến phiên 9/12/2019, TTB đảo chiều tăng hết biên độ cùng thanh khoản tăng kỷ lục lên hơn 14,7 triệu đơn vị. Sau hai phiên tăng giá (9 - 10/12/2019), cổ phiếu này lại tiếp tục chuỗi giảm sàn 4 phiên (11/12/2019 - 16/12/2019) với mức thanh khoản giảm trở lại còn 500.000 đơn vị - 5,5 triệu đơn vị/phiên.
Nhịp giảm sâu này của cổ phiếu TTB đã khiến loạt lãnh đạo của Tập đoàn Tiến Bộ bị các công ty chứng khoán (CTCK) bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu. Cụ thể, ông Phùng Văn Bộ, Chủ tịch HĐQT công ty, bị các CTCK gồm CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, CTCP Chứng khoán Phú Hưng và CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam bán ra gần 2,3 triệu cổ phiếu TTB đang cầm cố để thu hồi nợ vay.
Tương tự, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Phùng Văn Thái cũng bị hai CTCK gồm CTCP Chứng khoán VNDirect và CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, bán giải chấp tổng cộng 161.560 cổ phiếu TTB. ông Thân Thanh Dũng, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực của công ty cũng bị bán giải chấp 76.370 cổ phiếu TTB.
Lợi nhuận èo uột của Tiến Bộ, hai cá nhân từng bị xử phạt 1,2 tỷ đồng vì thao túng giá
Giải trình về việc cổ phiếu TTB liên tiếp giảm sàn, Tập đoàn Tiến Bộ cho biết công ty không thực hiện bất kì hoạt động nào bất thường có tác động đến việc giảm giá chứng khoán trên thị trường, việc mua bán do nhu cầu của nhà đầu tư và nằm ngoài kiểm soát của công ty.
Sau nhịp giảm sâu, cổ phiếu Tập đoàn Tiến Bộ "lình xình" trong gần nửa năm ở vùng giá 3.000 đồng/cp, sau đó có xu hướng tăng trở lại và phục hồi khoảng 70% giá trị vào tháng 1/2022, đây cũng là thời điểm Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hai cá nhân do cùng sử dụng 102 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu TTB của Tập đoàn Tiến Bộ.
Đó là ông Dương Thanh Xuân (địa chỉ: tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) và ông Nguyễn Thành Nam (địa chỉ: số 5, ngõ 41 đường Đào Sư Tích, phường Ngô Quyền, Bắc Giang) với số tiền 600 triệu đồng mỗi cá nhân.