Cổ phiếu tăng giá 160% trong 1 tháng, KGU làm ăn ra sao?
Cổ phiếu KGU có đang bị tác động? |
Cổ phiếu KGU tăng phi mã 160% trong 20 ngày và lời giải thích "quen tai" của lãnh đạo
Tháng 9, khi mà VN-Index trải qua giai đoạn lình xình kéo dài sau khi vượt ngưỡng 800 điểm, thanh khoản yếu và sự thận trọng của nhà đầu tư khiến cho thị trường chung thực sự nhàm chán.
Song vẫn có một cổ phiếu tăng tới 160% chỉ trong vòng có 20 ngày khiến những nhà đầu tư sở hữu nó như "vớ được bẫm". Thế nhưng cái gì đến nhanh ắt sẽ ra đi nhanh, những phiên phiên giảm sâu liên tiếp khiến những nhà đầu tư vào cổ phiếu này sai thời điểm phải ôm hận. Lúc này người ta mới tự hỏi, chuyện gì đang xảy ra?
Ngày 26/6/2017, cổ phiếu của CTCP Phát triển Đô thị Kiên Giang (Mã: KGU) giao dịch đại chúng trên UPCoM với giá tham chiếu 19.000 đồng/cp.
Tròn 3 tháng trên UPCoM, KGU không hề có thanh khoản. Đến khoảng giữa tháng 9, tình hình bắt đầu thay đổi. Cổ phiếu này có dấu hiệu hoạt động bằng 1 vài phiên đầu chệch choạch, thị giá giảm xuống 16.000 đồng/cp.
Tuy nhiên cũng từ đó, KGU trải qua hàng loạt phiên tăng trần, chỉ sau 6 phiên trần giá cổ phiếu tăng đến 123%. Một vài phiên chiều chỉnh và tiếp tục tăng trần, cổ phiếu công ty này đạt mức đỉnh hơn 49.000 đồng/cp, tăng 160% sau vỏn vẹn 20 phiên.
Nhưng cũng kể từ mức đỉnh hôm 9/10, KGU đột ngột giảm với 6 phiên liên tục , hiện chỉ còn dao động quanh 37.700 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu KGU thời gian gần đây |
Đúng vào đợt "cao trào" này, ban lãnh đạo KGU đã đồng loạt chốt lời.
Tình hình mua bán cổ phiếu của ban lãnh đạo KGU |
Ở chiều ngược lại, America LLC vẫn đều đặn gom vào cổ phiếu KGU, hiện đã tăng sở hữu lên 6,34%, tương ứng 94.500 cp.
Trước biến động bất thường của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, ban lãnh đạo KGU cho biết: “Việc biến động này hoàn toàn do sự đánh giá của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu KGU. Cổ phiếu KGU chính thức được giao dịch trên UPCoM ngày 26/6, kể từ đó đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ bất ổn hay biến động nào gây tác động đến cổ phiếu”.
Câu trả lời này có lẽ đã “nằm lòng” bất kể lãnh đạo nào khi mà diễn biến cổ phiếu của công ty diễn biến không được bình thường.
Một công ty sức khỏe tốt, tài chính an toàn?
Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Kiên Giang, tiền thân là Công ty Công trình Đô thị Rạch Giá được thành lập năm 1998, kinh nghiệm gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực công ích, môi trường đô thị và ngày càng đa dạng hóa dịch vụ.
Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ công cộng, xử lý nước thải, thoát nước, quản lý cây xanh, chiếu sáng công cộng. Ngoài ra công ty còn tư vấn thiết kế công viên, sân vườn, kinh doanh nhà hàng máy móc thiết bị, cây cảnh và cung cấp các dịch vụ môi trường…
Công ty hiện tại có vốn điều lệ 14,9 tỷ đồng và mới chỉ trải qua duy nhất 1 lần tăng vốn hồi tháng 7/2015 (tăng thêm 2,8 tỷ đồng).
Cơ cấu cổ đông công ty tính đến ngày 25/10/2016 gồm 3 cổ đông lớn. (Nguồn: KGU). |
Mặc dù đã giao dịch đại chúng trên UPCoM từ hồi tháng 6/2017, nhưng đến nay công ty mới công bố báo cáo tài chính đến năm 2016. Ghi nhận trong đó Công ty đạt doanh thu 67 tỷ đồng, giảm gần 8% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế vẫn duy trì ở mức tương đương khoảng 14,7 tỷ đồng. Tính theo giá trị sổ sách công ty đạt mức 29.217 đồng/cp, tăng tới 20%.
Cơ cấu doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động công ích (tỷ trọng 90%), nguồn thu khác đến tư hoạt động xây dựng, cây xanh…
Năm 2017, KGU bất ngờ đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu ước đạt hơn 46 tỷ đồng (giảm 31%), lợi nhuận sau thuế giảm đến 64%, chỉ còn 5,2 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh KGU qua các năm. (Biểu đồ: BM). |
Các chỉ tiêu tài chính năm 2015, 2016 đều ở mức an toàn. Hệ số thanh toán ngắn hạn và thanh toán nhanh từ 1,8 – 1,9 lần. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu xấp xỉ 86%, lợi nhuận sau thuế /doanh thu của công ty luôn duy trì trên 20%.
Các chỉ số tài chính của KGU. |
Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản KGU đạt 81 tỷ đồng (tăng hơn 28% so với hồi đầu năm), trong đó tài sản ngắn hạn ở 48,6 tỷ đồng, dài hạn 28 tỷ đồng chủ yếu là tài sản cố định. Đáng chú ý, công ty có khoản vốn góp vào đơn vị khác 10,5 tỷ đồng, tăng gấp đôi đầu năm.
So với quy mô doanh nghiệp, tiền và tương đương tiền của KGU ở mức dồi dào, ghi nhận hơn 14 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng đạt 39 tỷ đồng, hàng tồn kho chưa đầy 900 triệu đồng.
Tổng nợ phải trả hơn 37 tỷ đồng, tỷ lệ nợ/vốn chủ khoảng 86%, công ty vẫn còn dư hơn 19 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
P/E ở mức giá chào sàn đang “đuối” hơn các doanh nghiệp cùng ngành
Một điểm nữa KGU gây ấn tượng ngoài bảng chỉ số tài chính an toàn, công ty còn có tỷ lệ lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) khá cao với 7.436 đồng (giảm 10% so với năm 2015).
So sánh EPS giữa các doanh nghiệp cùng ngành. (Biểu đồ: BM). |
Ở mức giá 19.000 đồng/cp, với EPS năm 2016 là 7.436 đồng thì hệ số P/E của KGU vào khoảng 2,55.
Trong khi đó, so sánh với các doanh nghiệp hoạt động công ích khác trên thị trường chứng khoán, có vẻ P/E của KGU lại thấp hơn.
So sánh P/E các doanh nghiệp cùng ngành KGU năm 2016 |
Nếu sở hữu một tỷ lệ sinh lời cao, P/E thấp là một trong những cơ sở cho lời giải thích của ban lãnh đạo KGU về tình hình giá cổ phiếu tăng trưởng, thì việc lãnh đạo ồ ạt "thoát hàng", cổ phiếu tăng trần rồi giảm sàn liên tục khó tránh được những hoài nghi của nhà đầu tư.
Khuất tất đằng sau người thao túng cổ phiếu HNG từ ngày lên sàn
Bà Trần Thị Minh Phượng, người thao túng cổ phiếu HNG từ ngày lên sàn là ai và thao túng với mục đích gì? |