Cổ phiếu tâm điểm ngày 24/4: AAA, PXL, SHB, DCL, TCM
AAA - Tín hiệu tích cực
CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC)
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: Tăng giá ngắn hạn
- Chỉ báo xu hướng MACD: Phân kỳ dương, MACD nằm trên đường tín hiệu.
- Chỉ báo RSI: vùng trung lập, xu hướng tăng.
Phân tích:
AAA đang nằm trong xu hướng hồi phục sau khi xác lập vùng hỗ trợ tại 10-11. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với nhịp tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng của cổ phiếu. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành.
PXL - Mua mới khi giá vượt mức kháng cự 8,8
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Ngưỡng kháng cự ngắn hạn: 8,8
- Ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn: 7,56
- Xu hướng ngắn hạn (5-10 ngày): Tăng
- Ngưỡng kháng cự trung hạn: 10,5
- Ngưỡng hỗ trợ trung hạn: 6,88
- Xu hướng trung hạn (1-3 tháng): Tăng
Phân tích:
Mức Stock Rating của PXL ở mức 80 điểm cho thấy sự tích cực của cổ phiếu PXL. Đồ thị giá của PXL tiến về gần mức kháng cự 8,8, đây là mức kháng cự mạnh. Điểm tích cực là xu hướng ngắn và trung hạn duy trì ở mức tăng.
Nếu đồ thị giá vượt được hoàn toàn mức kháng cự 8.8 thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể mở rộng về mức 10,5. Do đó, các nhà đầu tư có thể nắm giữ và chỉ mua mới nếu đồ thị giá vượt hoàn toàn mức kháng cự 8,8 với khối lượng giao dịch tăng mạnh trên mức trung bình 20 phiên.
SHB - Tích lũy cho xu hướng mới
CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Phân tích:
Mức Sector Rating của ngành ngân hàng đang ở mức 72 điểm, trong đó điểm sức mạnh giá chỉ ở mức 46 điểm cho thấy nhóm cổ phiếu này đang trong giai đoạn tích lũy cho xu hướng mới.
Cổ phiếu có mức xếp hạng cao nhất ngành là cổ phiếu SHB, nhưng xu hướng ngắn hạn của cổ phiếu này đã bị hạ xuống mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài theo dõi.
TCM - Đối diện với khả năng giảm giá ngắn hạn
CTCP Chứng khoán FPT (FTS)
Điểm nhấn kĩ thuật:
- Pha giảm giá định hướng TCM kiểm định ngưỡng hỗ trợ trung và dài hạn một lần nữa.
- EMA 60 củng cố vai trò kháng cự động trên khung thời gian ngắn hạn.
- RSI suy yếu quanh ngưỡng trung tính và đang tiềm ẩn rủi ro trở lại khu vực xung lực tiêu cực.
- Mục tiêu cho nhịp giảm giá ngắn hạn được xác định tại mốc giá 13.
Phân tích:
Xu hướng giảm của giá TCM kéo dài từ tháng 7/2019 cho đến nay. Trong đó, đồ thị giá đang nhận cặp đường EMA 20 và 60 với vai trò kháng cự động. Đáng chú ý, trong tuần giao dịch 13 – 17/4/2020, TCM bùng nổ giao dịch sau nhịp phục hồi lên tới hơn 31%.
Tuy nhiên trạng thái biến động giá lại khá tiêu cực. Mẫu hình Evening star xuất hiện đang củng cố vai trò kháng cự của đường EMA 60 phiên. Thanh khoản bán chủ động tiếp tục được mở rộng sau đó đang là gá nh nặng có thể khiến chỉ báo xung lực RSI từ vùng trung tính trở lại khu vực 30 – 50 trong thời gian tới.
Tín hiệu báo bán sớm hiện tại sẽ được củng cố nếu TCM tiếp tục giảm và giao cắt xuống với đường EMA 20. Khi đó, mục tiêu giảm giá của TCM có thể xuống tới 13, tương ứng với vùng cực trị trên trắc diện thị trường.
DCL - Kịch bản tăng giá ngắn hạn
CTCP Chứng khoán FPT (FTS)
Điểm nhấn kĩ thuật:
- Trên đồ thị tuần, quy luật của xu hướng tăng dài hạn kéo dài từ đầu năm 2019 vẫn đang được bảo toàn.
- Trên đồ thị ngày, tín hiệu đảo chiều theo dạng mô hình Falling Wedge đã thu hút được sự chú ý của dòng tiền.
- Hiện tượng cạn cung đang xuất hiện trong giai đoạn giằng co ở vùng giá 20,5 – 22. Phiên tăng ngày 22/4 mang ý nghĩa xác nhận cho khả năng tiếp diễn của xu hướng tăng ngắn hạn.
- Mục tiêu trong kịch bản tăng giá được dự kiến tại vùng giá 24,6, nơi hội tụ giữa hai yếu tố - vùng đỉnh tháng 2/2020 và ngưỡng Pivot Point R2
Phân tích:
Trên đồ thị ngày, kịch bản đảo chiều theo dạng mô hình Falling Wedge đã được xác nhận bởi nhịp tăng hình thành từ đầu tháng 4/2020. Sự chú ý của dòng tiền theo đó cũng được cải thiện với minh chứng là sự mở rộng của bình quân thanh khoản 20 phiên.
Nhịp tăng sớm bị cản lại trong khu vực 20,5 – 22, nơi tập trung mật độ giao động cao được xác định bởi chỉ báo Volume at price. Thanh khoản gia tăng khi áp vùng giá 20,5 trong chuỗi phiên 13 -16/4, cho thấy nỗ lực hấp thụ áp lực bán của lực cầu.
Hiện tượng tái kiểm định nguồn cung xảy ra trong ngày 20, 21/4. Thanh khoản thấp dẫn chiếu tới kịch bản cạn cung. Phiên tăng ngày 22/4 là tín hiệu xác nhận cho luận điểm, khi đường giá dễ dàng áp sát cận trên của khung giao dịch với chỉ một chút nỗ lực của bên mua.
Về chỉ báo, vùng giá trị 50 – 90 của RSI đang bao quát khá tốt các nhịp tăng từ đầu năm 2019. Theo đó cho thấy dư địa tăng ngắn hạn vẫn còn Sự kết hợp giữa vùng đỉnh tháng 2/2020 và ngưỡng Pivot Point R2 dẫn chiếu đến mục tiêu giá tại mốc 24,6.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.