Cổ phiếu tâm điểm 28/12: VCB, DCM, CTD
VCB - Tăng trưởng tín dụng được dự tính sẽ đạt 18,7%
CTCP Chứng khoán MB (MBS)
Phân tích:
Theo báo cáo của Chứng khoán MB, room tín dụng đang là vấn đề đối với toàn ngành khi ngân hàng nhà nước chịu tác động bơi áp lực lạm phát toàn cầu mà trở nên thận trọng hơn trong việc nới room tín dụng.
Ngoài ra, việc lãi suất huy động tăng kết hợp với chính sách giảm lãi suất cho vay của VCB trong thời gian qua được dự báo sẽ phản ánh rõ ràng hơn vào lợi nhuận và chi phí của ngân hàng trong thời gian tới. Chính vì vậy, NIM của VCB nói riêng và toàn ngành ngân hàng nói chung có thể suy giảm mạnh hơn dự kiến trong thời gian tới, tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng được dự tính sẽ đạt mức 18,7% trong năm 2022. Tính đết hết quý III/2022, tăng trưởng tín dụng của VCB đạt 17,4%. Như vậy, ngân hàng vẫn còn 1,34% tín dụng trong quý IV, tương đương với hơn 13 nghìn tỷ đồng.
DCM - Dự báo lãi trước thuế cả năm tăng 105%
CTCP Chứng khoán MB (MBS)
Phân tích:
Phân bón Dầu khí Cà Mau đã tiến hành xong việc bảo dưỡng nhà máy urea trong tháng 9 và sản xuất ổn định, đạt công suất vượt mức thiết kế. Sau 10 năm hoạt động, nhà máy đã sản xuất được 9 triệu tấn urea, trung bình hằng năm đạt hơn 112% công suất nhà máy. Nhà máy NPK công nghệ urê hóa lỏng công suất 300 nghìn tấn/năm đã sản xuất được 48 nghìn tấn, tiêu thụ hơn 38 nghìn tấn.
Theo kế hoạch 2022, sản lượng sản xuất NPK sẽ tăng lên 80 nghìn tấn. Theo ước tính của công ty chứng khoán, sản lượng tiêu thụ có thể đạt 70 nghìn tấn tăng khoảng 80% so với 2021. Dư địa cho tăng trưởng của sản phẩm NPK còn nhiều do công ty mới đưa vào kinh doanh năm thứ hai và dư địa công suất vẫn còn lớn.
MBS dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý IV có thể đạt lần lượt 2.792 tỷ đồng và 522 tỷ đồng, đưa doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm lên mức 14.258 tỷ đồng và 4.014 tỷ đồng, tăng lần lượt 44% và 105% so với 2021.
CTD - Triển vọng 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức
CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Phân tích:
Theo dự báo của Chứng khoán KB Việt Nam, Coteccons sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức khi (1) ngành bất động sản dân dụng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 2022 - 2023; (2) Tính cạnh tranh cao của ngành xây dựng; (3) Chất lượng các khoản phải thu Coteccons cũng là vấn đề đáng lo ngại khi công ty liên tục phải trích lập các khoản nợ phải thu khó đòi.
Nhóm phân tích ước tính giá trị backlog trong giai đoạn 2023 - 2026 đạt 18.000 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2016 - 2018. Điểm sáng đối với hoạt động của CTD là đầu tư công được đẩy mạnh trong năm 2023 khi các động lực tăng trưởng khác của năm 2023 suy yếu khiến đầu tư công quay trở lại làm điểm tựa.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.