|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu tâm điểm 21/11: KDC, BWE, MCM

13:48 | 20/11/2022
Chia sẻ
Một số cổ phiếu đáng chú ý được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: KDC (Tập đoàn Kido), BWE (Nước – Môi trường Bình Dương) và MCM (Mộc Châu Milk).

KDC - Trung lập

 (Ảnh: Thu Thảo).

CTCP Chứng khoán SSI 

Phân tích:

Trong quý IV/2022, nhóm phân tích của Chứng khoán SSI kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp của Tập đoàn Kido sẽ tăng do giá đầu vào giảm mạnh. SSI kỳ vọng doanh thu và lãi trước thuế sẽ cải thiện đáng kể lần lượt lên 3,7 nghìn tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ) và 260 tỷ đồng (tăng 30%) trong quý IV/2022 do đây là mùa cao điểm của dầu ăn.

Ngoài ra, việc ghi nhận lợi nhuận đột biến từ việc thoái vốn của Calofic và khoản thanh toán cổ tức bằng tiền mặt đặc biệt cao ở mức 50% mệnh giá sẽ là điểm tích cực cho giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Chứng khoán SSI hạ giá mục tiêu 12 tháng cho KDC xuống 51.000 đồng/cổ phiếu. SSI cũng sử dụng chỉ số P/B để định giá tương đối, với mục tiêu không thay đổi là 1x cho mảng dầu ăn và 6x cho mảng thực phẩm.

Do kết quả không tích cực của KDC trong quý III/2022, SSI điều chỉnh giảm biên lợi nhuận gộp của mảng thực phẩm phân khúc dầu ăn xuống 14% (dự báo trước đây là 18%) và phân khúc thực phẩm đông lạnh là 56% (dự báo trước đây là 58%). Tuy nhiên, SSI giữ nguyên khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu KDC. 

BWE - Xu hướng ngắn hạn duy trì ở mức giảm

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Phân tích:

Chỉ số danh mục đầu tư của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YS30) tiếp tục đà hồi phục và đóng cửa phiên 17/11 tăng 2,9% với khối lượng giao dịch giảm mạnh dưới mức trung bình 20 phiên cho thấy các nhà đầu tư đã thận trọng trở lại sau phiên hồi phục mạnh và dòng tiền vẫn suy yếu tại các mức giá cao.

Đồng thời, nếu đồ thị giá duy trì đà hồi phục trong 2 - 3 phiên giao dịch tới thì đồ thị giá có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của chỉ số YS30 vẫn duy trì ở mức giảm với mức kháng cự ngắn hạn 79,78 điểm.

BWE dẫn đầu đà hồi phục của nhóm cổ phiếu YS30, nhưng khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp và mức Stock Rating của BWE ở mức 75 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này là trung tính. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của BWE vẫn duy trì ở mức giảm cho nên các nhà đầu tư vẫn chưa nên mua vào ở giai đoạn hiện tại.

  Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu BWE. (Nguồn: TradingView). 

MCM - Phù hợp theo chiến lược đầu tư cổ tức

(Ảnh: Thu Thảo). 

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Phân tích:

Do kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của MCM phù hợp với dự báo, Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3.171 tỷ đồng (hay 135 triệu USD; tăng 8,4% so với cùng kỳ) và 346 tỷ đồng (15 triệu USD; tăng 8,5%) vào năm 2022.

Mặc dù MCM chỉ chiếm khoảng 6% tổng doanh thu và 4% lợi nhuận ròng của VNM, nhưng mức tăng trưởng hai chữ số của MCM được kỳ vọng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính của Vinamilk trong năm năm tới.

Điều này là do thị phần của VNM trong ngành sữa Việt Nam đã hơn 55%, vì vậy, rất khó để thúc đẩy doanh thu hữu cơ tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, kết hợp với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công ty con, VNM được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu một chữ số ở mức cao kể từ năm 2023.

VDSC tin rằng cổ phiếu MCM là một khoản đầu tư phù hợp theo chiến lược “đầu tư cổ tức” trong giai đoạn thị trường có nhiều bất ổn. MCM trả cổ tức tiền mặt hàng năm với tỷ lệ 25%/mệnh giá/cổ phiếu. Do đó, các cổ đông của MCM sẽ được hưởng dòng cổ tức tiền mặt ổn định. Dựa trên thị giá 38.500 đồng vào ngày 17/11/2022, tỷ suất cổ tức dự kiến ​​là khoảng 6%.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. 

Thu Thảo