|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân bán ròng đột biến hơn 7.300 tỷ đồng khi VN-Index hồi phục gần 100 điểm từ đáy

19:20 | 19/11/2022
Chia sẻ
Trong tuần vừa qua, cá nhân trong nước là bên bán ròng duy nhất với quy mô lên tới 7.331 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 7.047 tỷ đồng.

VN-Index ghi nhận một tuần hồi phục với nến tuần “rút chân” mạnh. Bên cạnh đó, dù áp lực bán chủ động là rất lớn xuyên suốt cả tuần, lực cầu bắt đáy nhập cuộc khác tích cực trong những nhịp giảm sâu, từ đó khiến giá trị và khối lượng giao dịch đều tăng khá mạnh so với bình quân những tuần trước.

Về diễn biến cụ thể, VN-Index giảm điểm trong 2 phiên đầu tuần với rất nhiều cổ phiếu giảm sàn rồi quay đầu tăng ngược trở lại khá mạnh mẽ trong 3 phiên còn lại của tuần. Trong phiên thứ tư (16/11), chỉ số đã có lúc giảm sâu nhất là gần 40 điểm và rơi xuống dưới 900 nhưng sau đó bất ngờ đảo chiều để rồi kết phiên tăng hơn 30 điểm và theo đó bù đắp gần như toàn bộ mức giảm trong hai phiên liền trước.

Hai phiên cuối tuần tiếp tục là hai phiên đi lên của VN-Index nhưng đà tăng có phần giảm tốc và các cổ phiếu trên thị trường cũng phân hóa rõ nét hơn, trong đó có khá nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ ghi nhận mức tăng trần trong hai đến ba phiên liên tiếp.

Kết tuần, VN-Index tăng 14,8 điểm so với tuần trước, tương đương mức tăng 1,55% và lên mức 969,33 điểm. Thanh khoản tăng khoảng 10% về giá trị giao dịch và khoảng 20 - 25% về khối lượng giao dịch so với bình quân những tuần liền trước.

Điểm sáng của thị trường cũng đến từ việc khối ngoại mua ròng liên tiếp trong 4 phiên đầu tuần và chỉ bán ròng với giá trị không đáng kể trong phiên cuối tuần, với tổng giá trị mua trong tính chung cả tuần đạt hơn 5.200 tỷ đồng.

Giao dịch ngược chiều với các NĐT nước ngoài, cá nhân trong nước là bên bán ròng duy nhất với quy mô lên tới 7.331 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 7.047 tỷ đồng.

NĐT cá nhân bán ròng toàn bộ các nhóm ngành trong tuần VN-Index hồi phục gần 100 điểm từ đáy

Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hẳn bên bán với toàn bộ các nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng với giá trị lên tới gần 2.196 tỷ đồng.

Theo thống kê của của FiinTrade, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản có một tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng toàn ngành là 4,28% với tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 18,03% toàn thị trường, chỉ xếp sau nhóm cổ phiếu vua với tỷ trọng 23,68%

Tuần qua, hai bluechip thuộc rổ VN30 là NVL, PDR bị bán giải chấp mạnh nhưng thanh khoản không có dẫn đến ngày càng nhiều lượng cổ phiếu bị bán ra. Trong khi đó, nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ đã được giải cứu trong 3 phiên cuối tuần, thậm chí tăng trần như DIG, HQC, ITA, LDG,…

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 787 tỷ đồng ở nhóm tài nguyên cơ bản, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như dịch vụ tài chính (519 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (378 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (356 tỷ đồng), bán lẻ (271 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (212 tỷ đồng),…

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

STB dẫn đầu top bán ròng, dòng tiền cá nhân trở lại gom DGC

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện STB của nhóm ngân hàng với 848 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài.

Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Sacombank, HPG cũng bị bán ròng với giá trị 671 tỷ đồng. Kế đó, hai ông lớn ngành bất động sản là VIC và VHM lần lượt bị bán ròng 420,1 tỷ đồng và 401,6 tỷ đồng. Đây cũng là hai mã ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index với mức đóng góp tương ứng là 11,1 điểm và 4,3 điểm.

Tương tự, loạt cổ phiếu tài chính, ngân hàng cũng nằm trong top bán ròng, bao gồm SSI, CTG, ACB với giá trị 220 – 400 tỷ đồng. Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như MSN (293,4 tỷ đồng), MWG (175,9 tỷ đồng) và KDH (174,8 tỷ đồng).

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua, dù trước đó mã này đứng đầu danh mục rút vốn trong tuần trước đó.

Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 97,7 tỷ đồng cổ phiếu DGC, trái ngược so với lực xả từ phía tự doanh (4,5 tỷ đồng) và nhà đầu tư nước ngoài (96,5 tỷ đồng).

Cùng chiều, cổ phiếu KDC của Tập đoàn Kido cũng được mua ròng 50,7 tỷ đồng. Tương tự loạt mã vốn hóa trung bình cũng nằm trong danh mục mua ròng như FTS, FIR, SJS, DXS, VCI, VSC, PET với giá trị dưới 35 tỷ đồng.

Linh Chi