|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu tâm điểm 12/4: DGC, FRT, SZC

09:59 | 11/04/2022
Chia sẻ
Một số cổ phiếu đáng chú ý được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: DGC (Tập đoàn Hóa chất Đức Giang), FRT (FPT Retail), SZC (Sonadezi Châu Đức).

DGC – Hạn chế mua mới trong ngắn hạn

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Phân tích:

Stock Rating của DGC ở mức 97 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này là tích cực. Đồ thị giá của DGC đóng cửa phiên 7/4 tăng 2,9% và vẫn giao dịch trên đường trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thi giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục biến động trong biên độ hẹp hoặc xuất hiện các nhịp tăng giảm đan xen ở những phiên giao dịch tới.

Yuanta Việt Nam đã khuyến nghị mua cổ phiếu DGC vào phiên 21/2 với lợi nhuận tạm tính là 47,49% cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét nắm giữ cổ phiếu DGC.

 

  Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu DGC. (Nguồn: VNDirect).

 

 

FRT - Đợt tăng giá mạnh gần đây thu hẹp khả năng sinh lời

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Phân tích:

Trong báo cáo cập nhật mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt áp dụng phương pháp tổng hợp từng phần, bao gồm chuỗi FPT Shop và chuỗi Nhà thuốc Long Châu để định giá cổ phiếu FRT của FPT Retail. Giá mục tiêu là 155.200 đồng/cổ phiếu.

Trong khi tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của động lực chủ chốt Long Châu, nhóm phân tích cho rằng giá cổ phiếu đã tăng quá nhanh sau thông tin lợi nhuận quý IV/2021 cao đột biến, và quan trọng hơn, là kỳ vọng vào của thị trường vào mức tăng trưởng cao của kết quả kinh doanh quý I/2022 từ nền thấp năm ngoái.

Kết quả là, giá thị trường tại ngày 8/4 đang hàm ý mức P/E 2022F vào mức 20,1 lần, tiệm cận mức P/E mục tiêu của VDSC cho FRT. Do đó, việc chốt lời có thể được cân nhắc trong những phiên giá tăng mạnh ở trên mức giá mục tiêu mà công ty chứng khoán này đưa ra.

 (Ảnh: Thu Thảo).

SZC - Quỹ đất BĐS dân cư đang được khai thác nhanh chóng

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Phân tích:

Quý IV/2021, SZC có mức tăng trưởng vượt bậc với doanh thu đạt 145 tỷ đồng, tăng 198% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 68 tỷ đồng, tăng 187%.

Lũy kế năm 2021, doanh thu và lãi sau thuế đạt 713 tỷ và 324 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và 74% so với kết quả thực hiện năm 2020 nhờ ghi nhận 60,8 ha đất cho thuê tại khu công nghiệp Châu Đức với ước tính giá cho thuê ròng bình quân tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 54% lên 63%, nhờ giá cho thuê ròng (đã loại trừ tiền sử dụng đất) tăng mạnh.

Năm 2022, SZC sẽ tiếp tục tăng trưởng với dự phóng doanh thu và lãi sau thuế đạt lần lượt 1.169 tỷ đồng (+64%) và 365 tỷ đồng (+13%).

Động lực tăng trưởng tới từ mảng bất động sản dân cư, VDSC giả định SZC sẽ bàn giao và ghi nhận hơn 260 lô đất nền, với giá bán ước tính khoảng 1,2 – 1,4 tỷ đồng/lô. Theo đó mảng BĐS dân cư sẽ đóng góp 346 tỷ đồng và 66 tỷ đồng trong doanh thu và lợi nhuận gộp, tương ứng tỷ lệ đóng góp 30% và 12%.

Với mức giá đóng cửa ngày 7/4/2022, forward P/E 2022 và P/B của SZC lần lượt là 20,6x và 3,9x thấp hơn so với định giá hiện tại P/E 23,2x và P/B 4,8x.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.