|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu SZC của Sonadezi Châu Đức tăng kịch trần rồi đóng cửa trong sắc đỏ phiên chào sàn

10:10 | 15/01/2019
Chia sẻ
Trong sáng chào sàn ngày 15/1, cổ phiếu SZC của CTCP Sonadezi Châu Đức nhanh chóng tăng kịch trần 20% lên mức 15.000 đồng/cp. Tuy nhiên kết phiên, cổ phiếu này lại mất 12% giá trị.

Sáng ngày 15/1, CTCP Sonadezi Châu Đức chính thức chào sàn HoSE với mã chứng khoán SZC. Số lượng niêm yết của doanh nghiệp là 100 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu 12.500 đồng/cp, biên độ dao động ngày đầu tiên +/-20% (khoảng 10.000 – 15.000 đồng/cp). Theo đó, Sonadezi Châu Đức được định giá khoảng 1.250 tỉ đồng.

co phieu szc cua sonadezi chau duc tang kich tran phien chao san
CTCP Sonadezi Châu Đức chính thức chào sàn HoSE vào sáng ngày 15/1. (Ảnh: Hiếu Quân)

Mới lên sàn, cổ phiếu SZC lập tức tăng kịch trần lên 15.000 đồng/cp với hơn 46.000 cổ phiếu được khớp lệnh tại mức giá này. Tuy nhiên SZC sau đó đã nhanh chóng hạ nhiệt, đến thời điểm 10h sáng đã quay về mức giá tham chiếu. Tổng khối lượng khớp lệnh sau một giờ giao dịch là hơn 60.000 cp.

co phieu szc cua sonadezi chau duc tang kich tran phien chao san

Kết phiên, giá SZC giảm 12% xuống còn 11.000 đồng/cp.

Doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... tìm đến Sonadezi

Trao đổi với PV, ông Phạm Xuân Bách, Chủ tịch HĐQT Sonadezi Châu Đức cho biết: "SZC đang trong giai đoạn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng nên lượng khách vào thuê đất tại đây mới khoảng hơn 200 ha (chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng diện tích toàn khu). Hiện dòng tiền đổ vào đầu tư cơ sở hạ tầng và đền bù rất lớn nên xét lợi nhuận của năm 2018 dự kiến (vì chưa kiểm toán), cổ tức được chia mới khoảng 8%, nhưng hi vọng các năm sau tình hình tốt hơn".

“Cái khó khăn nhất của Sonadezi nói chung là các khu công nghiệp cũ đã cho thuê hết rồi, trong khi các khu công nghiệp mới hiện Thủ tướng chưa khuyến khích. Nguyên nhân bởi Quốc hội yêu cầu phải cho thuê hết 60% diện tích các khu công nghiệp trên toàn quốc thì mới cấp phép thêm cho các khu mới. Điều này gây khó cho doanh nghiệp vì những khu công nghiệp ở các tỉnh không thuận lợi khó cho thuê được, nên tỉ lệ 60% nói trên khó đạt. Trong khi Sonadezi đã cho thuê hết các khu công nghiệp cũ rồi”, ông Bách nói.

Trước những ý kiến cho rằng bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi các công ty ngoại có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc để né tránh ảnh hưởng của cuộc chiến trang thương mại Mỹ - Trung, Chủ tịch SZC cho rằng: “Năm rồi, các doanh nghiệp ngoại có xu hướng di chuyển vào thuê bất động sản công nghiệp Việt Nam thường là do họ bám theo các công ty lớn để hình thành chuỗi cung ứng khép kín. Họ đến Việt Nam vì mục đích thực sự muốn chọn nước ta là điểm đến đầu tư chứ không phải ‘bỏ chạy khỏi Trung Quốc’ ”.

Vị này cũng thông tin thêm, nhiều nhà đầu tư có nguồn gốc Trung Quốc cũng đến đặt vấn đề thuê đất, nhưng SZC cũng rất quan ngại chuyện có thể có sự tích tụ đất đai. Vì vậy, trong quá trình đàm phán, công ty đã đặt ra điều kiện: trong một năm, nếu không triển khai hoạt động thì sẽ thu hồi lại diện tích cho thuê. Ngoài doanh nghiệp đến từ Trung Quốc thì hiện nay, trong khu công nghiệp này còn có rất nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều quốc tịch khác (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…) đang thuê đất, họ vẫn triển khai hoạt động bình thường.

Sonadezi Châu Đức thành lập tháng 6/2007, tiền thân là CTCP Phát triển hạ tầng Sonadezi. Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 110 tỷ đồng. Đến cuối năm 2014, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên 1.000 tỷ đồng.

Tính đến tháng 12/2018, CTCP Sonadezi Châu Đức có hai cổ đông lớn giữ tổng cộng 56,92% vốn điều lệ của công ty, đó là Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) là cổ đông lớn nhất sở hữu 46,84% vốn và CTCP Sonadezi Long Thành sở hữu 10,08% vốn.

Sonadezi Châu Đức là khu công nghiệp thứ 13, cũng là khu công nghiệp lớn nhất của tổng công ty Sonadezi, diện tích lên tới 2.280 ha đất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu công nghiệp này sở hữu một số lợi thế nhất định như gần cụm cảng Thị Vải - Cái Mép, gần sân bay Long Thành trong tương lai...

Sonadezi đã đầu tư vào mảng bất động sản công nghiệp từ những năm 1990 đến nay, Châu Đức chỉ là một trong những công ty thành viên của tổng công ty. Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định, công ty đặt những mục tiêu tăng trưởng trong phạm vi dự kiến trước của mình – từ 10 – 15% chứ không thúc đẩy cho thuê đất bằng mọi giá.

Xem thêm

Hiếu Quân

ĐHĐCĐ Vinhomes: Tiếp tục phát triển siêu đại dự án, có thể ra mắt dự án tại Đông Anh và Đan Phượng năm nay khi hoàn tất pháp lý
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Vinhomes (Mã: VHM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.