Cổ phiếu SMT của Sametel đã tăng hơn 200% kể từ khi cổ đông lớn đồng loạt bán ra
Ngày 15/9 vừa qua, CTCP Dây và Cáp Sacom, tổ chức có liên quan Tổng Giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT tại CTCP Sametel báo cáo đã bán ra toàn bộ 1.364.000 cp SMT trong ngày 26/8, qua đó chấm dứt tư cách cổ đông tại Sametel.
Cùng ngày, ông Trần Đăng Thức, cổ đông lớn sở hữu 8,78% vốn điều lệ (tương đương 479.939 đơn vị cũng báo cáo đã hoàn tất giao dịch bán toàn bộ số cổ phần SMT đang sở hữu.
Trong phiên 26/8, sàn HNX ghi nhận hơn 3 triệu cp SMT được "sang tay" với tổng giá trị đạt gần 35 tỷ đồng, tương đương với mức giá trần 11.300 đồng/cp trên kênh khớp lệnh. Ước tính tại mức giá này, CTCP Dây và Cáp Sacom đã thu về 15,4 tỷ đồng, còn ông Thức thu về 5,4 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn khỏi Sametel.
Cũng trong phiên 26/8, CTCP Louis Capital (Mã: TGG) đã chi hơn 14 tỷ đồng để sở hữu 22,84% cổ phần SMT, tương đương khối lượng 1,24 triệu cp của công ty này. Động thái này nằm trong kế hoạch thâu tóm 51% số cổ phần tại Sametel nhằm tận dụng lĩnh vực điện và viễn thông của SMT cho các kho bãi và khu công nghiệp của hệ sinh thái Louis.
Sau thông báo từ Louis Capital, giá cổ phiếu SMT đã tăng "phi mã" trên thị trường. Đà xuất hiện từ phiên 23/8 và kéo dài liên tục với 16 phiên tăng trần liên tiếp. Tính đến hết phiên sáng 16/9, giá cổ phiếu SMT tiếp tục tăng kịch trần 37.700 đồng/cp, tổng cộng tăng hơn 377% so với ngày 23/8.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu liên tục tăng cao, ông Nguyễn Lê Văn - thành viên HĐQT đã có động thái "lướt sóng" cổ phiếu.
Cụ thể, ông Văn mua vào 100.000 đơn vị trong hai ngày 26/8 và 27/8 với mức giá trung bình 11.350 đồng/cp, sau đó tiếp tục đăng ký bán thỏa thuận 80,000 cp từ ngày 10 - 20/9.
Tạm tính tại vùng giá hiện tại là 37.700 đồng/cp, ông Văn sẽ lãi khoảng 232%, tương đương 2,1 tỷ đồng chỉ sau chưa đầy 1 tháng nắm giữ cổ phiếu.
Một cổ đông khác là bà Nguyễn Thị Thanh - người có liên quan đến Phó Tổng Giám đốc cũng đăng ký bán ra 19.770 đơn vị để giải quyết tài chính cá nhân từ ngày 16/9 đến 14/10. Sau giao dịch, bà Thanh sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 27.985 đơn vị (khoảng 0,51% vốn).