[Cổ phiếu nổi bật tuần] PLX – cổ phiếu có sức tăng gần 30% sau 1 tháng
Diễn biến giá cổ phiếu PLX trong thời gian gần đây
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên có mặt trên sàn, PLX đóng cửa ở mức giá 48.700 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 4,8 triệu đơn vị. Giảm mạnh trong 3 phiên giao dịch tiếp theo, có những thời điểm PLX về sát mức giá 43.100 đồng/cổ phiếu.
Nhưng ngay sau đó giá cổ phiếu đã phục hồi về quanh vùng 47.000 đồng. Tạo nền và tích lũy ngắn hạn, PLX bắt đầu bứt phá, có những thời điểm, PLX đã vượt lên trên cả mức giá 64.000 đồng/cổ phiếu.
Trong thời gian đó, PLX cũng đã bán ra thành công 20 triệu cổ phiếu quỹ. Theo mục đích của công ty công bố, việc này là nhằm tạo thanh khoản cho cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện trực tiếp qua sàn, nhưng với lực cung “khủng” như vậy thì ai đã mua vào?
Đóng góp chính trong lực cầu đến từ khối ngoại, sau 29 ngày giao dịch, khối này đã bỏ ra tới hơn 785 tỷ đồng để mua vào gần 15 triệu cổ phiếu trực tiếp qua sàn. Trong khi đó, tổng khối lượng khớp lệnh trong 29 phiên vừa qua là 56 triệu đơn vị, như vậy, lực cầu nội cũng rất lớn lên tới 41 triệu cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, PLX đóng cửa ở mức giá 59.700 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 27% trong 1 tháng. Thanh khoản có xu hướng giảm mạnh trong tuần qua, khi chỉ đạt hơn 900 nghìn đơn vị/phiên. Trong khi trung bình tháng là 1,9 triệu đơn vị/phiên.
Đường giá cũng có xu hướng tích lũy khi điều chỉnh nhẹ trong tuần qua. Mức hỗ trợ gần nhất được xem là vùng 58, và vùng kháng cự là 62.
Cơ cấu cổ đông cô đặc
Tuy niêm yết tới gần 1,3 tỷ cổ phiếu, có cơ cấu sở hữu khá cô đặc. Trong đó, phần lớn sở hữu PLX vẫn nằm trong tay Nhà nước với đại diện vốn là Bộ Công thương với 75,87%.
Tiếp đó là nhà đầu tư chiến lược JX Nippon Oil & Energy với 8% sở hữu. Đây cũng là nhà đầu tư nước ngoài duy nhất nắm giữ cổ phiếu PLX. Trừ đi 2 cổ đông trên, PLX còn lại 208,6 triệu cổ phiếu trên thị trường.
Nhưng sau khi hoàn thành thương vụ bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, PLX đã mua lại 155 triệu cổ phiếu quỹ. Và sau khi bán ra thị trường 20 triệu trong thời gian vừa qua, thì còn lại cũng là 135 triệu. Như vậy, số lượng cổ phiếu lưu hành tự do trên thị trường (free-float shares) chỉ là 73.7 triệu cổ phiếu.
Sản phẩm có lợi thế cạnh tranh
Các nhà đầu tư theo trường phái cơ bản cho rằng tìm kiếm được các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững sẽ giúp họ trở nên giàu có. Tổng kết từ kinh nghiệm của quá trình các nhà đầu tư này chỉ ra rằng các công ty siêu sao này xuất hiện dưới ba mô hình kinh doanh cơ bản: (1) họ cung cấp một sản phẩm hay dịch vụ độc đáo, duy nhất, (2) họ là những người có thể mua nguyên liệu đầu vào với chi phí thấp và cuối cùng, họ là nhà cung cấp sản phẩm hay dịch vụ mà công chúng luôn cần.
Trong đó, trường phái này đặc biệt thích các công ty đã sở hữu một phần tâm trí người tiêu dùng. PLX đang sở hữu điều này, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – PLX) được thành lập năm 1956. Lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam chủ yếu là xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Theo đánh giá của các nhà phân tích chứng khoán VCBS, PLX là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam với vị thế dẫn đầu lĩnh vực phân phối xăng dầu, có nhiều lợi thế cạnh tranh về hệ thống cơ sở hạ tầng, mạng lưới vận tải, phân phối.
Với những lợi thế nhất định từ quá trình hình thành là doanh nghiệp nhà nước. Cộng thêm các trạm bán xăng của PLX luôn được đảm bảo bằng giá bán và chất lượng của mình, thì điều này đã giúp công ty gia tăng mạnh thị phầm trong thời gian qua.
Hiện Petrolimex hiện đang chiếm lĩnh khoảng 48 - 50% thị phần trong nước, cung cấp ra thị trường nội địa khoảng 11,5 triệu m3 (tấn) trong năm 2016, tăng trưởng 8.4% so với cùng kỳ. Tập đoàn sở hữu 2.400 cửa hàng và 4.000 đại lý và sức chứa hơn 1.7 triệu m3 xăng dầu.
Số lượng trạm xăng của PLX |
Trong năm 2016, mảng kinh doanh xăng dầu chiếm tới hơn 86% trong tổng doanh thu, đứng ở vị trí thứ 2 là mảng dịch vụ vận tải với 3,03%. Tiếp theo là các mảng như sản phẩm hóa dầu (2,9%), dịch vụ bảo hiểm (1,99%) và sản phẩm gas (1,43%).
Nhiều nhà đầu tư quan tâm tới PLX nhận xét, Petrolimex là một trong doanh nghiệp hiếm hoi có sản phẩm chiếm lĩnh tới gần 50% thị phần toàn quốc. Ưu thế của PLX là có mặt bằng đẹp ở các vị trí thuận lợi do thâm nhập thị trường sớm. Đây được xem là lợi thế khó có thể tìm kiếm được từ rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường.
Trong điều kiện để thành lập thêm một trạm xăng mới cần rất nhiều thủ thục pháp lý, cũng như các yêu cầu khắt khe về phòng cháy, diện tích, quản lý, môi trường…
Thì kể từ khi cổ phần hóa, tốc độ mở cửa hàng xăng dầu của tập đoàn khoảng 60 trạm/năm và trong trung hạn 3 – 5 năm tới dự kiến tốc độ mở rộng nhanh hơn khoảng 100 – 150 trạm/năm sau khi lên sàn.
Cùng với đó, J. Water Thompson tư vấn xây dựng thương hiệu cho PLX với định vị Petrolimex sẽ sở hữu một phần tâm trí người tiêu dùng. Khi trả lời báo chí, Ông Bùi Ngọc Bảo nói “Thương hiệu chính là mục tiêu để cạnh tranh. Những đơn vị có thương hiệu mạnh thì đấy chính là “vũ khí” hết sức hữu ích để cạnh tranh”. Vì vậy, Petrolimex không quảng cáo thì khách hàng vẫn hiểu được rằng cái thương hiệu Petrolimex, địa chỉ Petrolimex, cửa hàng Petrolimex, kho tàng Petrolimex là những nơi mà có tổ chức và cung ứng các hàng hóa, dịch vụ tốt nhất.