Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Vốn hóa toàn ngành tăng gần 110.000 tỷ đồng
Toàn bộ cổ phiếu ngân hàng tăng giá
Tuần giao dịch vừa qua (24/5 - 28/5) ghi nhận sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tiếp nối xu hướng các tuần trước, toàn bộ 26/26 mã cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá trong tuần.
Trong đó, nhóm nhà băng vừa và nhỏ được niêm yết trên HNX và giao dịch trên UPCoM chiếm áp đảo top những cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất.
Cụ thể, cổ phiếu VBB của Vietbank là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành (tăng 30,6%) với một phiên tăng trần và hai phiên tăng trên 12%.
Ngoài ra, cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt và SGB của Saigonbank cũng có mức tăng lần lượt là 34,5% và 38,5%. Thậm chí, nếu tính từ ngày 20/5, cổ phiếu BVB đã tăng tới gần 60%; VBB tăng hơn 53% và SGB tăng gần 50%.
Trong khi đó, nếu so với những cổ phiếu trên, nhóm những ngân hàng lớn lại có mức tăng tương đối khiêm tốn. Sau 5 ngày giao dịch, giá cổ phiếu VPB tăng 1,2%, thấp nhất trong ngành. Một số mã khác như VCB, HDB, ACB, TCB,... cũng có mức tăng chưa tới 5% trong tuần.
Vốn hóa ngành tăng thêm gần 110.000 tỷ đồng
Sau diễn biến giá tích cực của tất cả các mã trong ngành, kết thúc phiên 28/5, giá trị vốn hóa của 26 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt hơn 1,83 triệu tỷ đồng, tăng 108.230 tỷ đồng so với mức chốt tuần trước, tương ứng tăng 6,3%.
Trong đó, vốn hóa VietinBank tăng thêm gần 11.000 tỷ đồng lên 190.638 tỷ đồng, vốn hóa BIDV tăng gần 10.000 tỷ đồng lên mức 189.638 tỷ đồng; vốn hóa MB và Techcombank tăng lần lượt hơn 8.500 tỷ đồng và hơn 7.700 tỷ đồng lên 105.513 tỷ và 185.760 tỷ đồng;...
Kết thúc tuần qua, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường với 369.404 tỷ đồng. Vị trí thứ hai thuộc về VietinBank, tuy nhiên có sự đuổi sát phía sau của BIDV và Techcombank.
Saigonbank, PGBank và Ngân hàng Bản Việt là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 6.098 tỷ đồng, 6.240 tỷ đồng và 7.293 tỷ đồng. Mặt khác, những con số này đã tăng đáng kể so với tuần trước đó.
STB tiếp tục dẫn đầu về thanh khoản
Tuần qua có tổng cộng hơn 1,49 tỷ cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 55.975 tỷ đồng, giảm 8%% về khối lượng và tăng gần 11% về giá trị so với tuần trước.
STB tiếp tục sở hữu khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với gần hơn 211 triệu đơn vị, chiếm hơn 14% tổng số cổ phiếu ngân hàng được giao dịch trong tuần. Phần lớn lượng cổ phiếu STB giao dịch trong tuần qua được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn (chiếm hơn 98%).
Xếp tiếp sau STB lần lượt là VPB với gần 188 triệu cp, SHB với gần 146 triệu cp, MBB gần 134 triệu cp, LPB hơn 126 triệu cp. Ngoài ra, CTG và TCB cũng có khối lượng giao dịch lớn trong tuần.
Mặt khác, VPB lại là mã ngân hàng có giá trị giao dịch cao nhất ngành với gần 12.600 tỷ đồng, cao gấp đôi của STB (6.312 tỷ đồng). MBB và CTG đứng kế sau với giá trị giao dịch đạt lần lượt 4.865 tỷ đồng và 4.771 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SHB và TCB cũng sở hữu mức thanh khoản vượt 4.000 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận "khủng" tại SGB, PGB
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 1,36 tỷ cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 51.992 tỷ đồng, chiếm 91% về khối lượng và gần 93% về giá trị.
Gần 137 triệu cổ phiếu còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt hơn 3.984 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu SGB của Saigonbank có khối lượng giao dịch thỏa thuận đột biến trong tuần với gần hơn 30 triệu cổ phiếu được trao tay theo phương thức này, cao gấp gần 10 lần khối lượng cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh.
Vào tháng 3/2021, cổ phiếu SGB cũng đã gây chú ý trên thị trường khi hàng chục triệu cổ phiếu được trao tay theo hình thức thỏa thuận chỉ trong vài tuần.
Bên cạnh đó, trong tuần vừa qua, cổ phiếu PGB của PG Bank có khối lượng giao dịch thỏa thuận khủng với gần gần 29,4 triệu cổ phiếu được trao tay, cao gấp 6 lần khối lượng của phương thức khớp lệnh.
Thỏa thuận đột biến của cổ phiếu PGB diễn ra trong bối cảnh ngân hàng vừa có thông báo về việc tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường dự kiến vào ngày 21/7. Ngoài ra, ngân hàng còn có kế hoạch bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị.
Ngoài ra, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra nhộn nhịp tại nhiều mã ngân hàng khác như VIB (hơn 17,9 triệu cp), KLB ( hơn16,1 triệu cp), TCB (gần 9,4 triệu cp)...