|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Sắc đỏ bao trùm, VPB và SGB ngược dòng tăng điểm

14:42 | 30/09/2023
Chia sẻ
Sắc đổ tiếp tục bao trùm nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần này với 25/27 mã giảm giá. EIB tiếp tục là mã giảm mạnh nhất toàn ngành trong khi VPB và SGB là hai mã duy nhất tăng giá trong tuần.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm giá

Không nằm ngoài diễn biến chung của thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng có tuần giao dịch tiêu cực thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, tuần qua (25 - 29/9), có tất cả 25/27 mã cổ phiếu của các nhà băng giảm giá.

Trong đó, EIB tiếp tục là mã giảm mạnh nhất toàn ngành với mức 8,7%, xuống còn 17.950 đồng/cp khi ngay trong phiên đầu tiên của tuần đã giảm sàn. Như vậy, chỉ trong nửa tháng, cổ phiếu EIB đã mất 17% giá trị, quay trở lại vùng giá của hồi tháng 6, 7 vừa qua.

STB, cổ phiếu luôn được giao dịch nhộn nhịp thời gian qua, sau khi trải qua 4/5 phiên giảm giá, nay điều chỉnh còn 30.650 đồng/cp, thấp hơn gần 7% so với tuần trước đó. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác như SHB, OCB, KLB, NVB, ... giảm hơn 5% tuần qua. Kể cả những ngân hàng quốc doanh có vốn hóa lớn như CTG, BID hay VCB cũng không phải ngoại lệ khi mức điều chỉnh ít nhất là 2%.

Hai mã duy nhất tăng giá trong tuần qua là VPB và SGB. Trong đó, VPB đứng đầu với mức tăng 2,1% lên mức 21.700 đồng/cp. Cổ phiếu VPB cũng chịu áp lực bán mạnh trong phiên đầu tuần nhưng sau đó đã dần hồi phục trong 4 phiên còn lại.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu "vua" giảm gần 15% so với tuần trước đó khi có tổng cộng 875 triệu cp được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị giao dịch là 17.311 tỷ đồng. STB tiếp tục là mã dẫn đầu về thanh khoản với mức gần 3.700 tỷ đồng, bỏ xa mức gần 2.000 tỷ của SHB đứng kế sau.

Ngoài ra, chỉ còn 2 mã là VPB (1.483 tỷ đồng) và HDB (1.430 tỷ đồng) có giá trị giao dịch tuần qua đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Đà giảm của cổ phiếu STB một phần đến từ áp lực của các nhà đầu tư nước ngoài khi nhóm này đã bán ròng hơn 184 tỷ đồng trong 5 phiên giao dịch, mức cao nhất toàn thị trường tuần qua. Bên cạnh đó, khối ngoại còn bán ròng 144 tỷ đồng CTG và ở chiều ngược lại, mua ròng 113 tỷ đồng VCB.

Có động thái trái ngược, nhóm tự doanh các công ty chứng khoán tuần qua có xu hướng gom cổ phiếu ngân hàng, mua ròng 112 tỷ đồng MBB, 81 tỷ đồng STB, 43 tỷ đồng VPB và 35 tỷ CTG. 

 (Nguồn: Lê Huy tổng hợp). 

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua

Ông Ngô Chí Trung Johnny, con trai ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank đã đăng ký mua 70 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,04%. Ước tính con trai Chủ tịch VPBank phải bỏ ra số tiền khoảng gần 1.500 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc của SeABank đã bán ra hơn 2,74 triệu cổ phiếu của ngân hàng, giảm số lượng cổ phiếu sở hữu từ 7,46 triệu cổ phiếu xuống 4,72 triệu.

Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu Ngân hàng MB, dự chi hơn 50 tỷ đồng. Hiện SIC đang sở hữu 1,38 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng với tỷ lệ 0,0265%. 

Ngân hàng OCB đã hoàn thành việc phát hành 685 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 50% cho 18.488 cổ đông, giúp nâng vốn điều lệ lên 20.548 tỷ đồng.

Trong 7 ngày liên tiếp, NHNN đã hút 93.795 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích, động thái bán tín phiếu của NHNN là hoạt động thông thường của các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc đảo chiều chính sách tiền tệ. 

Sacombank tái bổ nhiệm hai Phó Tổng Giám đốc  là ông Đào Nguyên Vũ và ông Nguyễn Bá Trị. Tính đến thời điểm hiện tại, ban Tổng Giám đốc của Sacombank gồm một Tổng Giám đốc là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm và 10 Phó Tổng phụ trách các mảng khác nhau. 

Lê Huy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.