Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Đa phần tăng giá, khối ngoại gom mạnh STB
23/27 mã tăng giá, thanh khoản toàn ngành cải thiện
Trong tuần qua (1/8 - 5/8), sắc xanh lan rộng trên nhóm cổ phiếu ngân hàng với 23/27 mã tăng giá và chỉ 4 mã giảm giá.
Trong đó, VCB - cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường, cũng là mã tăng mạnh nhất tuần qua (+9,8%) với 4 phiên tăng và một phiên đứng tham chiếu. Qua đó, VCB kết tuần tại mức giá 82.000 đồng/cp. Đây cũng là một trong những mã có tác động tích cực nhất tới VN-Index trong tuần qua.
Hai "ông lớn" còn lại là CTG và BID có cùng diễn biến khả quan với mức tăng lần lượt là 6,6% và 4,6%. Nhiều cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn khác như MBB, SHB, HDB, VPB, STB, ... đều ghi nhận đà tăng trên 2% trong tuần qua.
Ở chiều ngược lại, VIB là mã giảm mạnh nhất ngành, song mức giảm chỉ là 2,4%, kết tuần tại 25.950 đồng/cp. Dù vậy, VIB vẫn là mã ảnh hưởng tiêu cực thứ hai toàn thị trường, chỉ đứng sau cổ phiếu MSN của Masan.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua đã tăng vọt lên với sự "bùng nổ" từ cổ phiếu SHB. Cụ thể, tuần qua có hơn 610 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tăng 25% so với tuần trước đó, giá trị giao dịch tương đương đạt 15.104 tỷ đồng, tăng 26%.
Trong đó, khối lượng giao dịch của SHB tăng vọt lên 110 triệu đơn vị, cao gấp đôi tuần trước và đứng đầu toàn ngành. Song, một phần cũng đến từ những giao dịch thỏa thuận lớn. Mặt khác, "quán quân" thanh khoản tuần trước đó là STB lại có sự giảm nhẹ trong tuần, xuống còn hơn 78 triệu đơn vị.
Các mã xếp sau đó là VPB, MBB, LPB, TCB có khối lượng giao dịch dao động từ 30 - 76 triệu cổ phiếu, tăng trong khoảng 10 - 30% so với tuần trước đó.
Cũng trong tuần, STB là tâm điểm của các nhà đầu tư nước ngoài khi được nhóm này mua ròng hơn 332 tỷ đồng, cao thứ hai toàn thị trường, sau SSI. Đà tăng của VCB cũng đến từ giao dịch sôi động của khối ngoại, khi nhóm này mua ròng 288 tỷ đồng. CTG và BID đứng sau đó với giá trị lần lượt là 215 tỷ đồng và 100 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài không có động thái bán bớt các cổ phiếu ngân hàng.
Trong khi đó, ở nhóm tự doanh, VPB và MBB lại là 2 mã được yêu thích khi được gom ròng 62 tỷ và 39 tỷ đồng. Cùng lúc, nhóm này bán ròng 173 tỷ đồng TCB và 91 tỷ đồng ACB.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua
Techcombank sẽ phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu TCB cho người lao động với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với thị giá hiện nay. Dự kiến sau đợt phát hành ESOP này, Techcombank sẽ thu về hơn 63 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên thành 35.172 tỷ đồng, đứng thứ 6 toàn ngành ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT SeABank đã mua vào 2,8 triệu cổ phiếu SBB tăng tỷ lệ sở hữu lên hơn 3,4%.
SeABank dự kiến phát hành 59,4 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 15.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện trong quý III hoặc quý IV/2022.
NHNN chỉ định ông Nguyễn Thanh Tùng, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á thay ông Võ Minh Tuấn, người vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM.
HĐQT NCB miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Giám đốc Công ty AMC với bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương và miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản trị tài chính với và Lê Kim Chi.
SCIC đang nghiên cứu dự án đầu tư mua cổ phần tăng vốn Vietinbank. Tính tới cuối năm ngoái, trong danh mục đầu tư công bố của SCIC chỉ có duy nhất một ngân hàng là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - Mã: MBB) với tỷ lệ sở hữu 9,42%.