|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 12/18 mã giảm giá, thanh khoản toàn ngành hồi phục nhờ giao dịch đột biến tại EIB

16:11 | 05/07/2020
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch vừa qua có tới 12/18 cổ phiếu ngân hàng giảm giá với mức sụt giảm vốn hóa hơn 13.000 tỉ đồng. Thanh khoản toàn ngành đạt hơn 266,8 triệu cổ phiếu, tăng 20,3% so với tuần trước nhờ các giao dịch thỏa thuận 'khủng' tại cổ phiếu EIB.
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 12/18 mã giảm giá, thanh khoản toàn ngành hồi phục nhờ giao dịch đột biến tại EIB - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Eximbank)

Xu hướng giảm giá vẫn chiếm ưu thế

Tính chung trong 5 ngày giao dịch tuần qua (29/6 - 3/7), số lượng cổ phiếu ngân hàng giảm giá chiếm vẫn áp đảo với 12/18 mã. Trong đó, SHB là cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất ngành (8,6%) với 4 phiên giảm và duy nhất một phiên tăng giá. 

Ngoài SHB, giá một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm khá mạnh trong tuần như HDB (5,4%), LPB (6,8%), VPB (3,2%), MBB (2,9%), TCB và STB cùng giảm 2,7%...

Ở chiều ngược lại, chỉ có 6 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần qua với VBB là mã tăng mạnh nhất (10%). Thị giá VBB bật tăng trở lại sau khi lao dốc mạnh vào tuần trước khi giảm 7,8%.

Xu hướng giảm giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng diễn ra trong bối cảnh thị trường chung diễn biến thiếu tích cực với các chỉ số chính đều suy yếu. Theo đó, tính chung cả tuần qua, VN-Index giảm 4,37 điểm (-0,51%), xuống 847,61 điểm, trong khi HNX-Index giảm 1,899 điểm (-1,67%), xuống 111,55 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 12/18 mã giảm giá, thanh khoản toàn ngành hồi phục nhờ giao dịch đột biến tại EIB - Ảnh 2.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 29/6 - 3/7. (Nguồn: QT tổng hợp)

Vốn hóa toàn ngành giảm hơn 13.000 tỉ đồng

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá trị vốn hóa của 18 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM dừng ở 902.541 tỉ đồng, giảm 13.084 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước, tương ứng giảm 1,4%.

Đây là tuần thứ tư liên tiếp vốn hóa toàn ngành sụt giảm. Tính chung trong 4 tuần giao dịch vừa qua, vốn hóa ngành ngân hàng đã "bốc hơi" gần 69.000 tỉ đồng, tương đương giảm 7%.

Đóng cửa ngày 3/7, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường, ở mức 307.837 tỉ đồng và bỏ xa hai ngân hàng đứng kế sau là BIDV (vốn hóa 157.261 tỉ đồng) và VietinBank (vốn hóa 83.032 tỉ đồng).

Ngược lại, VietBank, NCB và Kienlongbank là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 5.992 tỉ đồng, 3.568 tỉ đồng và 3.075 tỉ đồng.

Trong tuần tới, hơn 317 triệu cổ phiếu của ngân hàng Bản Việt sẽ chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM với mã giao dịch BVB.

Với giá tham chiếu 10.700 đồng/cp, cổ phiếu Vietcapital Bank sẽ có giá tương đương với nhóm ngân hàng như STB (Sacombank) 11.000 đồng; KLB (Kienlongbank) 9.500 đồng; VBB (VietBank) 14.300 đồng, hay NVB (Ngân hàng Quốc Dân) 8.700 đồng…

Theo giá tham chiếu này, Vietcapital Bank định giá vốn hóa ngân hàng vào khoảng 3.400 tỉ, tương đương NCB và KienLongBank.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 12/18 mã giảm giá, thanh khoản toàn ngành hồi phục nhờ giao dịch đột biến tại EIB - Ảnh 3.

Vốn hóa 18 ngân hàng chốt ngày 3/7 (Nguồn: QT tổng hợp)

Thanh khoản toàn ngành tăng hơn 20%

Xét về thanh khoản, trong tuần qua có tổng cộng hơn 266,8 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 4.577 tỉ đồng; tăng 20,3% về khối lượng và tăng 15% về giá trị so với tuần trước.

Tuần qua, EIB là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với hơn 75,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 603 tỉ đồng. Trong đó, 75,2 triệu cp EIB (tương đương 99,6%) được giao dịch theo phương thức thỏa thuận.

Như vậy, riêng khối lượng giao dịch của EIB đã chiếm hơn 1/4 thanh khoản toàn ngành tuần qua. Sự bùng nổ của EIB là động lực chính giúp thanh khoản ngành ngân hàng tăng trở lại sau khi giảm 37% trong tuần trước.

Xếp tiếp sau EIB về thanh khoản lần lượt là STB với gần 42 triệu cp, MBB gần 25,5 triệu cp, TCB hơn 17,9 triệu cp, LPB gần 16,4 triệu cp, CTG gần 13,9 triệu cp...

Ở chiều ngược lại, BAB, TPB và VBB là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 2,6 triệu cp, 1,9 triệu cp và 1.370 cp.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 12/18 mã giảm giá, thanh khoản toàn ngành hồi phục nhờ giao dịch đột biến tại EIB - Ảnh 4.

Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch 29/6 - 3/7 (Nguồn: QT tổng hợp)

Thanh khoản nhiều cổ phiếu tăng đột biến

Tuần giao dịch vừa qua có 10/18 cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thanh khoản. Trong đó, khối lượng giao dịch TPB giảm mạnh nhất với chỉ hơn 1,9 triệu cp được trao tay, giảm 69,5% so với tuần trước.

Cùng với TPB, thanh khoản của hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm trên 20% như SHB (giảm 42,5%), VPB (giảm 39,2%), VBB (giảm 31,5%), VCB (giảm 26,3%) và LPB (giảm 20,2%).

Ngược lại, chỉ 8 cổ phiếu ngân hàng có khổi lượng giao dịch tăng. Trong đó, thanh khoản của nhiều cổ phiếu tăng đột biến như KLB (hơn 6 triệu cp, gấp gần 330 lần tuần trước), BAB (hơn 2,6 triệu cp, gấp 193 lần tuần trước), EIB (hơn 75,5 triệu cp, gấp 4,5 lần tuần trước)....Ngoài ra, TCB và HDB cũng có khối lượng giao dịch tăng hơn 50%.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 12/18 mã giảm giá, thanh khoản toàn ngành hồi phục nhờ giao dịch đột biến tại EIB - Ảnh 5.

Thay đổi khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)

Giao dịch thỏa thuận "khủng" tại EIB

Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có gần 153,5 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 2.574 tỉ đồng, chiếm gần 56% về khối lượng và hơn 56% về giá trị.

Hơn 113,3 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 2.003 tỉ đồng. Trong đó, EIB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với hơn 75,5 triệu đơn vị được trao tay theo hình thức này.

Bên cạnh EIB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "sôi động" tại nhiều cổ phiếu ngân hàng khác như TCB (hơn 12,7 triệu cp), MBB (gần 11,2 triệu cp), KLB (6 triệu cp), BAB (gần 2,6 triệu cp)...

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 12/18 mã giảm giá, thanh khoản toàn ngành hồi phục nhờ giao dịch đột biến tại EIB - Ảnh 6.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng. (Nguồn: QT tổng hợp)


Quốc Thụy