|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng: Hàng loạt con số kỉ lục được thiết lập

16:28 | 19/10/2020
Chia sẻ
Cổ phiếu nhiều ngân hàng ghi nhận một loạt kỉ lục về giá và thanh khoản trong những ngày vừa qua. Sự bùng nổ được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực về vĩ mô và ngành, đi cùng câu chuyện riêng của mỗi nhà băng.
Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng: Hàng loạt con số kỉ lục được thiết lập - Ảnh 1.

Một điểm giao dịch của VietinBank. (Nguồn: VietinBank)

Những con số kỉ lục được ghi nhận

Tuần vừa qua ghi nhận hơn 666,3 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 14.479 tỉ đồng, mức thanh khoản theo tuần cao nhất trong nhiều năm trở lại đây của nhóm ngành này.

Trong đó, TCB gây chú ý với khối lượng giao dịch đạt gần 170 triệu đơn vị, mức kỉ lục kể từ khi cổ phiếu này lên niêm yết tại HOSE. Thanh khoản TCB tăng mạnh nhờ sự bùng nổ trong ba ngày giao dịch cuối tuần, đặc biệt là phiên 14/10 với khối lượng đạt gần 75 triệu đơn vị.

Cùng với thanh khoản, giá của TCB cũng bất ngờ tăng trần vào ngày 14/10 sau một thời gian khá dài ở trạng thái lình xình giảm trước đó.

Các giao dịch đột biến tại TCB diễn ra trong bối cảnh thị trường không ghi nhận thông tin nào đáng chú ý liên quan đến hoạt động kinh doanh của Techcombank. Đồng thời, cũng chưa có tổ chức hay cá nhân nào thông báo giao dịch liên quan đến cổ phiếu này.

Tuần qua, cổ phiếu CTG của VietinBank cũng ghi nhận mức tăng giá 12,7%, đánh dấu tuần tăng giá mạnh nhất của cổ phiếu này kể từ đầu năm. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch đạt hơn 67,6 triệu cp, mức cao nhất từ tháng 3/2018.

Không bất ngờ như TCB, sự bùng nổ của CTG xuất hiện sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lí, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Việc sửa đổi nghị định đã tạo cơ sở pháp lí, giúp VietinBank có thể tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng: Hàng loạt con số kỉ lục được thiết lập - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu CTG. (Nguồn: VnDirect)

Trên HNX, ACB cũng "tạo sóng" khi liên tục sở hữu mức thanh khoản "khủng" với khối lượng khối lượng giao dịch trong 10 phiên gần nhất đạt gần 171 triêu đơn vị, tương đương 17,1 triệu cp/phiên.

Đỉnh điểm nhất vào ngày 9/10, thanh khoản ACB đạt hơn 48,7 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch ở mức gần 1.165 tỉ đồng. Trong đó, khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt xấp xỉ 40 triệu cổ phiếu, chiếm hơn 82%. Đáng chú ý, toàn bộ gần lượng cổ phiếu này được trao tay tại mức giá 24.000 đồng/cổ phiếu và là giao dịch nội khối của nhà đầu tư nước ngoài.

Thanh khoản ACB tăng đột biến trong thời gian hai quĩ đầu tư của Dragon Capital đăng kí bán tổng cộng hơn 46,6 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, ACB cũng đang hoàn tất những bước cuối cùng chuyển niêm yết cổ phiếu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).

Mới đây, HOSE cho biết đã nhận được hồ sơ đăng kí niêm yết hơn 2,16 tỉ cổ phiếu của ACB. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo ACB, việc chuyển sàn dự kiến được thực hiện trong tháng 11-12.

Tại UPCoM, hai cổ phiếu LPB và VIB cũng là tâm điểm của thị trường với những diễn biến giao dịch đáng chú ý.

Kết phiên ngày 16/10, thị giá VIB dừng ở 33.200 đồng/cp, tăng hơn 92% so với cuối năm 2019 với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt gần 2,7 triệu đơn vị, chiếm khoảng 6% toàn thị trường UPCoM.

Trong khi đó, LPB cũng ghi nhận mức tăng 79,5%, lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2018 tại 12.600 đồng/cp. 

Cùng với giá, thanh khoản của LPB cũng liên tục duy trì ở mức cao. Từ giữa tháng 9, khối lương giao dịch cổ phiếu này thường xuyên vượt 15 triệu đơn vị/phiên. Theo thống kê của HNX, trong tháng 9, khối lượng giao dịch cổ phiếu LPB chiếm 25% toàn sàn UPCoM, dẫn đầu các mã trên thị trường này.

Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng: Hàng loạt con số kỉ lục được thiết lập - Ảnh 2.

Thay đổi giá của các cổ phiếu ngân hàng kể từ đầu năm.(Nguồn: QT tổng hợp theo giá điều chỉnh).(*: Tính theo giá tham chiếu khi lên UPCoM).

Động lực của cổ phiếu ngân hàng

Xu hướng tăng giá mạnh của nhiều cổ phiếu ngân hàng diễn ra trong bối cảnh đà hưng phấn của thị trường liên tục được duy trì suốt hai tháng qua. 

Tính từ cuối tháng 7, chỉ số VN-Index tăng tổng cộng gần 145 điểm, tương ứng tăng hơn 18%. Trong khi HNX -Index tăng 30% và UPCoM – Index tăng khoảng 17%

Chứng Khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, môi trường lãi suất thấp cùng với một loạt các tín hiệu vĩ mô bắt đầu chuyển sang gam màu tích cực hơn đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nối dài chuỗi tăng điểm trong tháng 8 và tháng 9. 

Ngoài ra, số ca lây lan trong cộng đồng đã nhanh chóng được dập tắt kể từ đầu tháng 9 cũng đã củng cố cho tâm lí nhà đầu tư. Theo đó, VN-Index không hề giảm sâu dù chứng khoán Mỹ có những phiên điều chỉnh mạnh, hay thống kê khối ngoại bán ròng liên tục.

Sang tháng 10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm một loạt các lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất tiền gửi. Mặc dù tác động thực tế của đợt giảm lãi suất lần này được cho là hạn chế khi mà thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn đang rất dồi dào nhưng động thái từ NHNN lần này củng cố thêm tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán so với các kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản.

Ngoài các yếu tố vĩ mô, bản thân ngành ngân hàng cũng liên tục đón nhận nhiều thông tin tích cực trong thời gian qua, đặc biệt là làn sóng chuyển sàn từ HNX và UPCoM lên HOSE của ACB, VIB, LienVietPostBank và SHB.

Theo giới phân tích, việc niêm yết tại HOSE sẽ giúp các ngân hàng nâng cao hình ảnh, tiếp cận với nhiều nhà đầu tư nhờ các tiêu chuẩn khắt khe hơn về tình minh bạch và thanh khoản cổ phiếu. Qua đó, ngân hàng sẽ có thêm cơ hội tìm kiếm đối tác chiến lược, thực hiện các thương vụ chào bán cổ phần hoặc bán công ty con… huy động thêm nguồn lực cho hoạt động kinh doanh.

"Làn sóng chuyển sàn giúp đánh giá lại giá trị cổ phiếu. Theo đó, việc chuyển sang sàn HOSE từ HNX và UPCoM sẽ giúp các cổ phiếu có mức định giá cao hơn do minh bạch hơn về thông tin và thanh khoản cao", Chứng khoán BIDV nhận định.

Một yếu tố khác giúp nhà đầu tư gia tăng kì vọng đối với cổ phiếu ngân hàng là khả năng kết quả kinh doanh trong quí III nói riêng và cả năm 2020 không xấu như dự đoán.

Vừa qua, một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với lợi nhuận tăng trưởng mạnh, thậm chí vượt kế hoạch cả năm 2020. Cụ thể, LienVietPostBank và MSB đều đã vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm trong khi VIB và MB cũng hoàn thành 90% kế hoạch chỉ sau ba quí.

Quốc Thụy

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.