|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng khởi sắc trước kỳ vọng nới 'room'

16:00 | 06/09/2022
Chia sẻ
Trái ngược với phiên giao dịch đầu tuần, phần lớn các bluechip nhà băng đều đảo chiều tăng mạnh, trong đó có BID (1,4%), CTG (1,1%), HDB (1,1%), MSB (1,1%), ACB (0,6%), SHB (0,3%), VPB (0,3%)...

Sau những phút giao dịch hưng phấn trong phiên sáng và có thời điểm vượt qua ngưỡng 1.285 điểm, thị trường chứng khoán quay lại trạng thái ảm đạm trong phiên chiều khi VN-Index dần hạ nhiệt và kết phiên với mức tăng vỏn vẹn 0,05 điểm. 

Cổ phiếu ngân hàng đã trở lại dẫn dắt thị trường sau chuỗi phiên điều chỉnh khi đóng góp tới 0,14 điểm phần trăm cho chỉ số, cân lại sắc đỏ tại các nhóm ngành khác và duy trì sắc xanh cho thị trường.

Trái ngược với phiên giao dịch đầu tuần, phần lớn các bluechip nhà băng đều đảo chiều tăng mạnh, điển hình nhất là BID. Mã này đã có thời điểm tăng gần 2%, nhưng sau đó chịu áp lực bán cuối phiên nên hạ độ cao xuống còn 1,4% và dừng chân tại 40.050 đồng/cp. Theo đó, BID là cổ phiếu đứng đầu danh sách các mã ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index.

Kế đến là hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn khác như CTG (1,1%), HDB (1,1%), MSB (1,1%), LPB (1%), ACB (0,6%), SHB (0,3%), VPB (0,3%), MBB (0,2%), TCB (0,1%), VCB (0,1%)... Mặc dù biên độ tăng không quá đáng kể nhưng những mã này vẫn nỗ lực duy trì được sắc xanh trước áp lực bán dâng cao về cuối phiên.

Ngược lại, chiều giảm chỉ ghi nhận 4 mã, đều giao dịch trên sàn HNX và thị trường UPCoM, trong khi có 8 mã đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản nhóm ngân hàng cải thiện 20% so với phiên trước lên 1.560 tỷ đồng nhưng vẫn ở mức thấp. Để dòng tiền lớn có thể nhập cuộc có lẽ cần có thông tin chính thức về việc nới "room" tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước.

Xét về dòng tiền, khối ngoại trở lại bán ròng nhẹ hơn 40 tỷ đồng nhóm này, trong đó xả chính STB (22 tỷ đồng), BID (16 tỷ đồng), VCB (15 tỷ đồng)... trong khi tiếp tục mua ròng mã HDB (24 tỷ đồng)...

 

NHNN: Thông tin về thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá là không chính xác
Đại diện NHNN cho rằng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay đã đủ dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt. Một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường.