|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt hạ độ cao, mã STB vẫn hút dòng tiền ngoại

16:59 | 24/06/2022
Chia sẻ
Các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt hạ độ cao sau phiên sáng dẫn dắt chỉ số, đơn cử như VIB và BID. Một số cổ phiếu thậm chí còn chuyển màu từ xanh sang đỏ, điển hình nhất là LPB, HDB, CTG, TPB, MBB, TCB, VCB...

Trong phiên giao dịch cuối tuần, mặc dù sắc xanh bao phủ trên toàn thị trường nhưng hầu hết các cổ phiếu chỉ tăng trong biên độ hẹp. Sau nhịp giằng co đầu phiên chiều, áp lực bán gia tăng trong phiên khớp lệnh ATC đã khiến chỉ số lùi xuống mốc tham chiếu. Bên cạnh đó, thanh khoản tiếp tục ở mức thấp, chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng trên sàn HOSE. 

Đồng thuận với xu hướng chung của thị trường, các cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt hạ độ cao sau thời gian dẫn dắt chỉ số, đơn cử như VIB đã có lúc tăng hơn 4% nhưng kết phiên chỉ còn tăng 1,2%. Tương tự, BID, mã tăng tốt nhất rổ VN30 phiên sáng, cũng thu hẹp đà tăng từ 3,9% xuống còn 0,6%.

Một số cổ phiếu thậm chí còn chuyển màu từ xanh sang đỏ, điển hình nhất là LPB (tỷ lệ giảm 2,2%), HDB (2,1%), CTG (2%), TPB (1,9%), MBB (1,5%), TCB (1,3%), VCB (1,2%)...

Tính chung phiên giao dịch hôm nay, ngân hàng là nhóm gia tăng gánh nặng cho thị trường và lấy đi 0,24 điểm phần trăm của VN-Index. Thanh khoản toàn ngành qua kênh khớp lệnh giảm mạnh xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, sau chuỗi phiên đột biến, giao dịch qua kênh thoả thuận cũng chỉ còn khoảng 1.500 tỷ đồng.

Lực cung - cầu của khối ngoại tại nhóm này khá cân bằng với quy mô mua ròng chỉ hơn 1,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu STB dẫn đầu danh sách mua ròng trên toàn thị trường với giá trị 65 tỷ đồng, tương đương 3 triệu đơn vị. Ngược lại, lực cung đáng kể xuất hiện tại các mã HDB (26 tỷ đồng), VCB (23,5 tỷ đồng), OCB (12,5 tỷ đồng)...

 

Trong báo cáo đánh giá công bố mới đây, VNDirect nhận định việc thị trường điều chỉnh gần đây đã đưa định giá ngành ngân hàng xuống 1,46 lần P/BV dự phóng năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 3 năm là 2 lần.

Ngành ngân hàng đã phải đối mặt với không ít khó khăn do lo ngại về lạm phát, NIM thu hẹp và nợ xấu gia tăng khi Thông tư 14 kết thúc. Hơn nữa, tâm lý dè chừng đối với cổ phiếu ngân hàng còn đến từ việc chính phủ có những động thái quản lý và giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường vốn và bất động sản, dù việc này sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường trong dài hạn.

Tuy vậy, những sự kiện nói trên sẽ không đem lại hệ quả nghiêm trọng lên toàn ngành và khối phân tích tự tin rằng ngân hàng sẽ có thể vượt qua rủi ro chất lượng tài sản nhờ vào bộ đệm dự phòng dày dặn và sự kiểm soát chặt chẽ khi giải ngân vào phân khúc bất động sản có rủi ro cao và đợt bán tháo ồ ạt trên thị trường vừa qua đã đưa định giá của các ngân hàng về mức rất hấp dẫn.

Bảo Ngọc