|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu liên quan Tập đoàn Hoành Sơn tăng 8 phiên liên tiếp

17:00 | 06/10/2023
Chia sẻ
Cổ phiếu SRC của Cao su Sao Vàng có chuỗi tăng giá 8 phiên liên tiếp với tỷ lệ gần 31%. Mới đây thị trường xuất hiện thông tin cổ đông lớn của công ty là Tập đoàn Hoành Sơn muốn thực hiện dự án tỷ USD tại Hà Tĩnh khi Vinhomes và một đơn vị rút lui cách đó không lâu.

Theo dõi giao dịch, cổ phiếu SRC của CTCP Cao su Sao Vàng đi ngược xu hướng thị trường chung. Thị giá cổ phiếu SRC tăng từ 18.000 đồng lên 23.500 đồng/cp sau 8 phiên tăng, tương ứng tỷ lệ gần 31%.

Trong phiên hôm nay (6/10), mã cổ phiếu này tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh 52.900 cp, đột biến so với giai đoạn trước đó. Trong nhiều tháng trở lại đây, SRC có thanh khoản rất thấp, chỉ khớp lệnh vài nghìn đơn vị mỗi phiên. Nhiều phiên mã này không có giao dịch.

Với nhịp tăng giá mạnh gần đây, cổ phiếu SRC đang trở về vùng đỉnh giá được thiết lập vào tháng 5/2019.

 Cổ phiếu SRC đang có nhịp tăng giá mạnh trở lại vùng đỉnh cũ. Nguồn: TradingView.

Cổ phiếu SRC tăng trần trong thời điểm thị trường đón nhận thông tin cổ đông lớn của Cao su Sao Vàng là Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh khảo sát, thực hiện dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại thành phố Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà. Tuy nhiên, UBND tỉnh Hà Tĩnh không xem xét đề nghị này của tập đoàn.

Dự án tại Hà Tĩnh này có quy mô 150 ha với tổng vốn đầu tư 23.545 tỷ đồng. Hai đơn vị là Vinhomes và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và Phát triển thương mại Việt An trúng sơ tuyển nhưng sau đó xác nhận không tham gia dự thầu dự án.

Trở lại với Cao su Sao Vàng, công ty săm lốp này và Hoành Sơn thiết lập mối quan hệ trước khi đại gia Hà Tĩnh lộ diện tại đơn vị sở hữu đất vàng mặt tiền đường Nguyễn Trãi (Hà Nội).Năm 2016, Hoành Sơn cùng Cao su Sao Vàng thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn để đầu tư xây dựng dự án bất động sản cao cấp trên khu đất vàng rộng 6,3 ha tại số 231 Nguyễn Trãi. Đồng thời, Hoành Sơn cam kết hỗ trợ 435 tỷ đồng để SRC di dời nhà máy về khu công nghiệp Châu Sơn, Phủ Lý, Hà Nam.

Năm 2019 khi Vinachem thoái một phần vốn tại Cao su Sao Vàng (giảm sở hữu từ 51% còn 36%), nhóm cổ đông liên quan đến Hoành Sơn liên tục mua vào với tổng khối lượng 6,9 triệu cp. Cùng năm, ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Hoành Sơn được bầu làm Chủ tịch Cao Su Sao Vàng. Tháng 7/2020, Tập đoàn Hoành Sơn thông báo mua 6,9 tr cp và duy trì tỷ lệ sở hữu 24,5% tại Cao su Sao Vàng cho tới nay.

Tuy nhiên, như đã đề cập trên, giá cổ phiếu SRC đang trở lại vùng đỉnh vào tháng 5/2019, thời điểm nhóm Hoành Sơn xuất hiện tại Cao su Sao Vàng. Do đó, khoản đầu tư vào SRC này gần như chưa mang lại lợi nhuận cho tập đoàn có trụ sở tại Hà Tĩnh.

Cơ cấu cổ đông của Cao su Sao Vàng. Nguồn: BCTC quý II/2023.

Thông tin thêm về Hoành Sơn, đây là tập đoàn đa ngành, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như vận tải, quản lý đội tàu biển, cho thuê tàu và các dịch vụ vận tải biển, giao thương và xây dựng đầu tư. Một số dự án do tập đoàn này đầu tư như Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (Hà Tĩnh), cảng Phước An (Đồng Nai), Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa, Nhà máy bia Hà Nội – Hà Tĩnh.

Hoàng Linh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.