|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu GEX giảm giá quá nửa trong 4 tháng, CEO Nguyễn Văn Tuấn cam kết sẽ nắm giữ lâu dài

12:20 | 12/05/2022
Chia sẻ
Tổng Giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn cho biết ông đang mua thêm 10 triệu cổ phiếu GEX với cam kết đầu tư lâu dài cùng các cổ đông khác.

Giá cổ phiếu GEX hiện nay thấp hơn 52% so với đỉnh 4 tháng trước.

Băn khoăn về cổ phiếu, trái phiếu Gelex

Từ đầu năm 2022 đến nay, cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex đã leo lên đỉnh lịch sử 49.350 đồng/cp vào ngày 11/1 nhưng sau đó liên tục trượt dốc, đến sáng 12/5 chỉ còn khoảng 23.500 đồng/cp. Trong 4 tháng qua, cổ phiếu GEX đã mất quá nửa giá trị và khiến cho cổ đông bất an.

Phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 tổ chức sáng 12/5, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn cho biết ban lãnh đạo tập đoàn luôn cố gắng hoàn thành các mục tiêu mà đại hội cổ đông giao phó.

“Sau khi hợp nhất Viglacera, quy mô tổng tài sản tăng lên, doanh số và lợi nhuận cũng đã tăng. Năm 2021, Gelex đã đạt tất cả mục tiêu mà đại hội đề ra. Năm 2022, chúng tôi cũng phán đấu hoàn thành kế hoạch”, ông Tuấn chia sẻ.

Tổng Giám đốc Gelex cho biết tập đoàn có 56.000 cổ đông, tức là một doanh nghiệp rất đại chúng. Thời gian gần đây đã xuất hiện một số tin đồn thất thiệt về Gelex, “chúng tôi đã công bố thông tin trên website và làm việc với cơ quan báo chí để đưa ra các thông tin chính thống”, ông Tuấn cho hay.

“Bản thân tôi đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu để đầu tư lâu dài cùng các cổ đông khác”, Tổng Giám đốc Gelex nói thêm.

Về vấn đề phát hành trái phiếu, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định Gelex luôn làm đúng quy trình. Đối tác phát hành của Gelex là các định chế tài chính lớn như Maritimebank, Techcombank, Shinhan, ... “nên chúng tôi tuân thủ đầy đủ quy định về phát hành trái phiếu”.

Về việc mua lại doanh nghiệp nhà nước, khi Chính phủ có chủ trương thoái vốn, “chúng tôi đã tham gia đấu giá, chào mua công khai và khớp lệnh, thỏa thuận trên sàn chứng khoán, theo đúng quy định của luật chứng khoán”, ông Tuấn tuyên bố trước đại hội cổ đông sáng 12/5.

Dự phòng phải thu, tồn kho vì sao tăng mạnh? 

Tại ngày cuối năm 2021, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hợp nhất của Gelex là 537 tỷ USD, cao gấp 2,3 lần ngày đầu năm. Tương tự, dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng lên tới 132 tỷ, cao gấp 6,5 lần đầu năm.

Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Tiếu cho biết Gelex hoàn tất sáp nhập Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) vào tháng 4/2021 và bắt đầu hợp nhất báo cáo tài chính của Viglacera từ quý II/2021 nên giá trị mọi khoản mục đều tăng lên.

Tại ngày 31/3 năm nay, Viglacera có tổng tài sản 22.782 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD; tổng nợ phải trả 13.684 tỷ đồng. Doanh thu thuần quý I đạt 3.833 tỷ, lãi sau thuế 752 tỷ.

Phó Chủ tịch Gelex Nguyễn Trọng Tiếu cho biết giá trị dự phòng tồn kho và dự phòng nợ khó đòi hợp nhất của Gelex tăng lên là do sáp nhập thêm Viglacera.

“Việc trích lập dự phòng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp thuộc Gelex vẫn đang nỗ lực tìm cách đòi nợ. Có khoản đòi được nhanh, có khoản đòi chậm, một số khoản có thể mất chứ không phải cứ trích lập là mất hết tất cả”, ông Tiếu nói.

Kế hoạch kinh doanh, cổ tức, nhân sự

Đại hội cổ đông sáng 12/5 cũng đã thảo luận và thông qua một số nội dung quan trọng khác gồm:

Phê chuẩn kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất năm nay là 36.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 2.618 tỷ, tăng trưởng lần lượt 26% và 27% so với thực hiện năm 2021.

Gelex dự kiến tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).

 

Thông qua chủ trương niêm yết hai công ty con: Tập đoàn dự kiến niêm yết hoặc đăng ký giao dịch UPCoM đối với cổ Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex.

Một công ty con khác là Công ty cổ phần Thiết bị Điện Gelex (Gelex Electric – Mã: GEE) đã bắt đầu giao dịch UPCoM từ ngày 8/3 năm nay. Tập đoàn Gelex dự định sẽ tăng vốn và đăng ký niêm yết với Gelex Electric khi cần thiết trên cơ sở tập đoàn vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối, đồng thời bổ sung nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu đầu tư chiến lược.

Giá cổ phiếu GEE hiện nay là khoảng 35.000 đồng/cp, tăng 40% so với giá chào sàn ngày 8/3 nhưng thấp hơn khoảng 26% so với đỉnh trong phiên 14/3. Vốn hóa của Gelex Electric hiện nay đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Miễn nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Võ Anh Linh kể từ ngày 12/5/2022, bầu bổ sung ông Lê Bá Thọ vào HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Ông Thọ hiện nay còn là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gelex, Thành viên HĐQT Tổng công ty Viglacera. Tổng Giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Viglacera. Giống với GEX, cổ phiếu VGC cũng giảm sâu trong những tuần gần đây.

Cổ phiếu VGC của Viglacera giảm sâu.

Trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, tương đương 500 đồng/cp. Số cổ phiếu GEX đang lưu hành là 851,5 triệu đơn vị nên Gelex sẽ cần chi xấp xỉ 426 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.

Lý do điều chỉnh chính sách cổ tức là “cân đối giữa lợi nhuận phân phối cho cổ đông và lợi nhuận để lại phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, tái đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn”, Gelex cho hay.

Với năm 2022, tập đoàn dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 15%.

Gelex trả cổ tức tiền mặt sau ba năm gián đoạn.

Đức Quyền