|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu của công ty chuyên sản xuất đồ inox liên tục tăng trần

06:40 | 10/01/2024
Chia sẻ
Kết phiên 9/1, cổ phiếu TKG tăng trần phiên thứ ba liên tiếp lên 13.300 đồng/cp, với tổng khối lượng khớp lệnh hơn 832.000 đơn vị trong phiên.

Từ ngày 26/12/2023 đến nay, giá cổ phiếu TKG của CTCP Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh có nhịp tăng mạnh mẽ khi ghi nhận 8/10 phiên tăng điểm, trong đó có 6 phiên tăng hết biên độ. Giá theo đó tăng 92,8% sau 10 phiên, từ 6.900 đồng/cp (kết phiên 25/12/2023) lên 13.300 đồng/cp (kết phiên 9/1).

Cùng chiều đà tăng, thanh khoản trung bình 10 phiên vừa qua của TKG tăng 3,5 lần so với trung bình 10 phiên liền trước đó, đạt gần 820.000 đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên.

Diễn biến giá cổ phiếu TKG từ đầu tháng 12/2023 đến nay. (Nguồn: VPS).

Nhịp tăng mạnh của cổ phiếu TKG diễn ra sau khi cơ cấu cổ đông Tùng Khánh có nhiều biến động. Cụ thể, hai cá nhân cùng trở thành cổ đông lớn của công ty từ ngày 27/12/2023 sau khi mua vào hàng trăm nghìn cổ phiếu TKG. Đó là bà Vũ Khánh Hòa với số lượng mua 262.000 đơn vị, nâng sở hữu từ 84.400 cổ phiếu (tỷ lệ 1,34%) lên 346.400 cổ phiếu (tỷ lệ 5,49%); và bà Đinh Thị Thùy mua 380.000 cổ phiếu TKG đầu tiên, tương đương tỷ lệ 6,02%.

Bên cạnh đó, nhân sự Tùng Khánh cũng có thay đổi. Cụ thể, công ty đã bổ nhiệm ông Đặng Minh Khôi giữ chức phó giám đốc từ ngày 1/11/2023, trước đó, ông Khôi không giữ chức vụ nào tại công ty. Đồng thời, công ty bổ nhiệm bà Lê Thị Trà My giữ chức giám đốc thay cho ông Nguyễn Hữu Phú từ ngày 16/10/2023.

Theo tìm hiểu, CTCP Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh được thành lập vào tháng 3/2000, lĩnh vực hoạt động chính của công ty là sản xuất đồ inox và kinh doanh đệm cao cấp trên thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm như phụ kiện trang trí nội, ngoại thất, đệm Hàn Quốc cao cấp, đồ gia dụng và thiết bị nhà bếp inox.

Về kết quả kinh doanh quý III/2023, Tùng Khánh ghi nhận doanh thu thuần 4,7 tỷ đồng, giảm 87,7% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế 113,7 tỷ đồng, giảm 62,5%. Công ty cho biết do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm (đặc biệt hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn) có xu hướng tiếp tục giảm, dẫn đến doanh thu quý giảm mạnh so với cùng kỳ, trong khi đó công ty vẫn phải duy trì các loại chi phí phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là nguyên nhân dẫn đến lãi sau thuế quý III/2023 giảm mạnh.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Tùng Khánh đạt 57,1 tỷ đồng, giảm 40,2% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế 298,3 triệu đồng, giảm 83,4%.

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ các BCTC).

Diệu Nhi

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.