|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu chạy đua “Nam tiến”

14:52 | 15/11/2016
Chia sẻ
Nhiều cổ phiếu thực hiện chuyển niêm yết từ sàn Hà Nội (HNX) hoặc UpCOM sang sàn TP.HCM (HOSE) với hy vọng có thể tiếp cận được các nhà đầu tư nước ngoài, các dòng vốn lớn hoặc để thực hiện các kế hoạch huy động vốn cho việc kinh doanh…

Ồ ạt “chuyển nhà“

Theo tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), ngày 17-11 tới đây VSD sẽ chốt danh sách cổ đông Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán BHN) để thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chuyển sàn giao dịch cổ phiếu BHN từ UpCOM sang niêm yết tại HOSE. Thời gian thực hiện trong tháng 11 và tháng 12-2016. Toàn bộ 231,8 triệu cổ phần BHN của Habeco mới chính thức giao dịch trên UpCOM từ ngày 28-10 vừa qua với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 39.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi lên sàn, cổ phiếu này đã tăng trần 8 phiên liên tiếp, đạt mức giá 144.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 8-11. Mặc dù đã hạ nhiệt trở lại và hiện ở mức 115.400 đồng/cổ phiếu, nhưng BHN cũng đã lập kỷ lục với mức tăng giá lên tới 300% chỉ trong vòng nửa tháng.

Trước BHN, vào cuối tháng 9-2016, gần 126 triệu cổ phiếu CHP của Công ty CP Thủy điện Miền Trung cũng đã chính thức được chuyển nhà từ HNX sang HOSE. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của CHP là 20.600 đồng/cổ phiếu. Trước đó CHP đang nằm trong top 15 cổ phiếu có khối lượng niêm yết lớn nhất trên sàn Hà Nội. Cũng trong cuối tháng 9-2016, HOSE đã có quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết cho cổ phiếu SHA của Công ty CP Sơn Hà Sài Gòn. Hiện 18 triệu cổ phiếu SHA vẫn đang giao dịch tại HNX với mức giá khoảng 9.000 đồng/cổ phần.

Tương tự, đầu tháng 10-2016, HOSE cũng đã có 2 quyết định chấp thuận niêm yết lần đầu cho 2 cổ phiếu chuyển sàn giao dịch từ HNX sang là SCR của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) và AAA của Công ty CP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (An Phát Plastic). Sacomreal có vốn điều lệ trên 2.170 tỷ đồng tương ứng hơn 217 triệu cổ phần. Đồng thời, An Phát Plastic cũng là doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 520 tỷ đồng. Theo đó, ngày 17-11 sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của AAA tại HNX trước khi chuyển vào HOSE. Tương tự, ngày 18-11 sẽ là ngày giao dịch đầu tiên của SCR trên sàn HOSE với giá tham chiếu là 9.140 đồng/cổ phiếu, không thay đổi nhiều với mức giá giao dịch trên HNX.

Ngoài ra, được biết nhiều DN khác cũng đang lên kế hoạch chuyển sàn từ HNX sang HSX như Công ty CP Vicem Vật tư vận tải xi măng (mã VTV), Tập đoàn Tiến Bộ (mã TTB), Công ty CP PVI (mã PVI), hay như Công ty CP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (mã FID) cũng có kế hoạch hủy niêm yết cổ phiếu FID tại HNX và đăng ký niêm yết tại HOSE vào năm 2017.

Hiệu quả kinh doanh

Đánh giá về hiện tượng “chuyển nhà” của nhiều cổ phiếu trong thời gian qua, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc công ty Chứng khoán SJC cho rằng, để được niêm yết trên HOSE, công ty niêm yết phải đáp ứng những điều kiện cao hơn. Cùng với đó HOSE cũng có những tiêu chuẩn cao hơn về quản trị công ty, công bố thông tin. Vì vậy, khi niêm yết trên HOSE sẽ giúp DN được đánh giá cao hơn, cũng như có cơ hội huy động vốn tốt hơn.

Thực tế, thời gian qua có một số trường hợp DN đã có thể tăng vốn rất nhanh sau khi chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý rằng việc tăng vốn quá nhanh sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Cụ thể, khi vốn điều lệ tăng nhanh nhưng EPS (tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu) không tăng tương ứng, doanh nghiệp sẽ gặp phải hiệu ứng pha loãng cổ phiếu. Trên thực tế, sau khi thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn, một số DN cần có một khoảng thời gian nhất định để triển khai đồng vốn huy động phát huy hiệu quả. Trong thời gian chuyển tiếp đó, các chỉ số tài chính như ROA (tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản), ROE (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) sẽ có thể sụt giảm. Khi đó, nhà đầu tư có thể hiểu rằng, số vốn huy động được từ việc phát hành thêm đã được sử dụng không hiệu quả. Đặc biệt, nếu hoạt động kinh doanh của công ty gặp phải sự cố thì rủi ro mang lại sẽ là rất lớn.

Ngoài ra, hầu hết các DN khi chuyển sang niêm yết tại HOSE đều nhắm tới mục tiêu được lọt vào danh mục của các quỹ ETF hoặc được các nhà đầu tư nước ngoài “để mắt” tới. Bởi lẽ, trước nay các nhà đầu tư nước ngoài vẫn dành sự chú ý nhiều hơn cho các DN niêm yết trên sàn HOSE, mặc dù tại HNX cũng có không ít những DN tốt. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của SCR, HĐQT SCR đã chia sẻ, việc giao dịch trên HOSE sẽ giúp cho thanh khoản cổ phiếu sẽ thuận lợi hơn. Hiện tại, theo giá trị sổ sách của công ty thì giá cổ phiếu SCR là trên 14.000 đồng/cổ phiếu. Điều này có nghĩa là giá thị trường hiện giờ (khoảng trên 9.000 đồng/cổ phiếu) chưa phản ánh giá trị thực của cổ phiếu SCR. HĐQT SCR kỳ vọng, việc chuyển sàn, thông qua thủ tục định giá lại sẽ giúp tất cả cổ đông SCR có thể giao dịch cổ phiếu ở mức tốt hơn.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Anh Tuấn cũng cho rằng không phải cứ niêm yết trên HOSE thì cổ phiếu sẽ được đánh giá cao hơn. Bởi hiện tại trên sàn HOSE cũng có không ít cổ phiếu có giá thấp hơn giá sổ sách, đặc biệt, nhiều cổ phiếu có giá chỉ 2.000 – 3.000 đồng mà vẫn không ai mua. Điều này cho thấy, nếu hoạt động kinh doanh của DN không hiệu quả, thì việc chuyển sàn cũng chỉ là vô nghĩa. Do đó, ông Tuấn khẳng định, hiệu quả kinh doanh và tính minh bạch vẫn luôn là chìa khóa quan trọng nhất để DN có thể thu hút nhà đầu tư một cách hiệu quả và bền vững./.

Nguyễn Hiền

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.