Cổ phiếu bất động sản nổi sóng
Khác với diễn biến lình xình trong phiên sáng 17/10 của VN-Index, thanh khoản tăng mạnh về phiên chiều đẩy chỉ số lên kết thúc tại gần 1.287 điểm, tăng 7 điểm. Cùng với đó là sự đồng thuận khởi sắc của đa số các nhóm cổ phiếu trên thị trường, nhất là bất động sản.
Nhóm bất động sản có phiên giao dịch sôi động. Khối lượng giao dịch lớn nhất thuộc về DXG (gần 28 triệu cp), PDR (hơn 12 triệu cp), NVL (gần 12 triệu cp), DIG (gần 11 triệu cp), CEO (gần 8 triệu cp). Ví dụ so với phiên trước, thanh khoản DXG gấp 7 lần, còn PDR gấp rưỡi.
Đây cũng là các mã có mức tăng điểm top đầu trong ngành. Cụ thể, DXG và PDR tăng trần; CEO tăng trên 6%; DIG tăng trên 5%.
Các mã vốn hóa lớn như bộ ba họ Vin gồm VIC, VHM, VRE chỉ nhỉnh trên tham chiếu. Không có đại diện nào của ngành bất động sản lọt vào top 10 kéo tăng thị trường (toàn bộ là cổ phiếu ngân hàng). Đa phần các trường hợp cổ phiếu bật tăng trong phiên đáo hạn sinh tháng 10 (phiên 17/10) diễn ra sau chuỗi giảm hoặc đi ngang trước đó.
Về thị trường bất động sản, theo dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý III, thị trường nhà ở tiếp tục ghi nhận nguồn cung đạt mức 22.412 sản phẩm được chào bán, với khoảng 14.750 sản phẩm mở bán mới, giảm 25% so với quý trước, nhưng đã tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng, thị trường đã ghi nhận 38.797 sản phẩm mới được chào bán. Về khu vực, miền Bắc dẫn đầu nguồn cung mới với 46%, theo sau là miền Trung với 29% và miền Nam là 25%.
Mặc dù nguồn cung chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, toàn thị trường ghi nhận khoảng 10.400 giao dịch thành công trong quý III, tương đương với tỷ lệ hấp thụ đạt 51%.
VARS cũng cho biết, thị trường ghi nhận 30.589 giao dịch thành công trong 9 tháng đầu năm, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều dự án mới ra mắt vào cuối tháng 9, bắt đầu nhận booking giữ chỗ cũng ghi nhận lượng quan tâm và xuống tiền cọc “khủng".