Tín dụng bất động sản tăng hơn 9%, đạt 3,15 triệu tỷ đồng
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 9,15% so với cuối năm 2023, đạt 3,15 triệu tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng ở mức 1,88 triệu tỷ đồng, tăng 4,62% và dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản là hơn 1,26 triệu tỷ, tăng hơn 16%.
Tốc độ cho vay bất động sản ghi nhận tăng nhanh trong quý III vừa qua, đặc biệt là cho vay tiêu dùng, chứng tỏ nhu cầu vay mua nhà đất của người dân đang có sự hồi phục. Số liệu trước đó của nhà điều hành chính sách tiền tệ cho thấy, dư nợ tín dụng bất động sản tính đến hết tháng 6/2024 tăng 4,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng là 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% còn dư nợ cho vay chủ đầu tư đạt 1,21 triệu tỷ, tăng 10,3%.
Tín dụng vào lĩnh vực địa ốc tăng trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường có sự phục hồi, và lãi suất cho vay mua nhà ở mức thấp.
Theo dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý III/2024, thị trường bất động sản nhà ở tiếp tục ghi nhận nguồn cung đạt mức 22.412 sản phẩm được chào bán, với khoảng 14.750 sản phẩm mở bán mới, giảm 25% so với quý trước, nhưng đã tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù có sự sụt giảm về số lượng theo thống kê, nhưng nguồn cung quý III vẫn cho thấy sự tăng trưởng khi xuất hiện một số dự án mới, đặc biệt có sự góp mặt của dự án quy mô lớn bắt đầu triển khai chạy rumor (giá không chính thức) thị trường, giúp thị trường trở nên náo nhiệt hơn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận 38.797 sản phẩm mới được chào bán.
Về khu vực, miền Bắc dẫn đầu nguồn cung mới với 46%, theo sau là miền Trung với 29% và miền Nam là 25%.
Dữ liệu nghiên cứu của VARS cũng cho thấy, mặc dù nguồn cung chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, toàn thị trường ghi nhận khoảng 10.400 giao dịch thành công trong quý III, tương đương với tỷ lệ hấp thụ đạt 51%. Điều này phản ánh sự quan tâm của thị trường đối với các sản phẩm bất động sản mới, mặc dù phần lớn nguồn cung mới được hoàn thiện với tiêu chuẩn cao và chi phí đầu tư gia tăng.
Lượng giao dịch căn hộ chung cư áp đảo, chiếm 71% tổng lượng giao dịch nhà ở trong quý III, với các dự án căn hộ chung mới ghi nhận tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 75%. Thậm chí, các dự án căn hộ tại Hà Nội còn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ lên tới 90% ngay sau thời gian ngắn mở bán.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, VARS cho biết, thị trường ghi nhận 30.589 giao dịch thành công, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều dự án mới ra mắt vào cuối tháng 9, bắt đầu nhận booking giữ chỗ cũng ghi nhận lượng quan tâm và xuống tiền cọc “khủng".
Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, trong giai đoạn vừa qua, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát rất chặt chẽ, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
“Mặc dù tỷ lệ cho vay/tổng dư nợ không quá lớn nhưng vốn vào bất động sản là vốn trung dài hạn. Trong khi đó, các ngân hàng thường huy động nguồn vốn ngắn hạn, do đó, sự chênh lệch giữa kỳ hạn này tạo nên rủi ro", ông cho hay.
Dù kiểm soát tín dụng vào bất động sản nhưng ông Hiển cho rằng từ trước đến nay, NHNN không hề có động thái siết cho vay lĩnh vực này.
Chuyên gia cũng nêu quan điểm, chủ trương của NHNN là không siết dòng tín dụng vào bất động sản, có chăng là việc ngân hàng cho vay được hay không. Trên thực tế, ngay cả trong năm 2022, khi các doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn lớn thì tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực này vẫn ở mức 24,3%.
Ngoài ra, theo ông Hiển, dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản cũng thúc đẩy hoạt động khác của nền kinh tế. Cho vay bất động sản không chỉ bó hẹp ở chủ đầu tư hay người mua nhà, mà dòng vốn còn được dùng để trả cho các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu….