|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu 'ăn theo' giá cao su

18:36 | 05/03/2017
Chia sẻ
Cuối tháng 2-2017 giá cao su thiên nhiên trên sàn Tokyo đã giảm về 270 yen/ki lô gam, tương đương 2.400 đô la Mỹ/tấn, trước đó mức cao nhất của đợt lên giá lần này là 320 yen/ki lô gam, tức 2.850 đô la Mỹ/tấn. 

Theo Bloomberg, sự phục hồi của giá hàng hóa nguyên liệu nói chung, giá nông sản nói riêng trong đó có cao su cần phải được minh chứng bằng sức cầu cải thiện rõ rệt. Một số hàng hóa như cao su vừa qua tăng giá còn do một số quốc gia sản xuất tạm ngưng khai thác và hạn chế bán ra để thu hẹp nguồn cung. Tuy nhiên mới đây do giá tăng quá nhanh, Thái Lan, một trong số các quốc gia xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới, đã công bố bán ra 95.000 tấn cao su dự trữ. Đây là nguồn cung lớn trong bối cảnh sự phục hồi của giá vàng trắng đang chịu sự thử thách của cả phía các nước tiêu thụ chính cũng như các nước xuất khẩu chủ yếu.

co phieu an theo gia cao su

Ở Việt Nam, hầu hết các thành viên của Tổng công ty Cao su đã tranh thủ giá lên bán ra theo hai đường tiểu ngạch và chính ngạch lượng cao su tồn kho, đồng thời kéo dài thời gian cạo mủ của quí 4 năm ngoái. Giá xuất khẩu của cao su Việt Nam, theo các công ty, đã tăng khoảng 80% so với cùng kỳ.

Diễn biến giá cao su tới đây như thế nào là điều không dễ dự đoán. Để tăng tiếp, giá cao su thế giới cần nhận được sự hậu thuẫn của sức cầu trong khi hàng tồn kho mặt hàng này của Trung Quốc đã tăng cao hơn so với cùng kỳ và so với nhu cầu được dự báo sẽ tăng. Các nhà môi giới quốc tế thậm chí cho rằng giá cao su cần giảm trở lại ở mức 2.000 đô la Mỹ/tấn để cân bằng cung cầu.

Trên sàn TPHCM giá cổ phiếu cao su đã biến động rất mạnh kể từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu Công ty Cao su Phước Hòa (PHR) đã tăng từ 25.000 đồng lên 32.000 đồng, cao nhất kể từ khi niêm yết năm 2009, trước khi giảm trở lại 29.400 đồng cuối tuần qua do nhà đầu tư chốt lời. Cổ phiếu của Công ty Cao su Tây Ninh (TRC) ghi nhận mức tăng 28% trong tám tuần, và hiện đứng ở mức 31.650 đồng/cổ phiếu. Tốc độ tăng cùng thời gian trên của cổ phiếu cao su Đồng Phú (DPR) khoảng 26% và DPR hiện là cổ phiếu cao su có thị giá cao nhất trên sàn là 44.400 đồng (giá đóng cửa ngày 24-2-2017).

HAG dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi nợ. Đây là cách thức chuyển nợ, nói đúng hơn là chuyển rủi ro về nợ, từ phía chủ nợ sang phía cổ đông, nhà đầu tư.

Nổi bật về mức độ điều chỉnh trong thời gian qua là cổ phiếu của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG). Sau khi rơi về mức 5.000 đồng/cổ phiếu cách đây bốn tuần, HAG đã leo một mạch lên 8.400 đồng, tăng 68%, và hiện đã điều chỉnh về 7.580 đồng do nhà đầu tư phản ứng trước khả năng doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi nợ. Cổ phiếu được hoán đổi là HNG và như vậy nhà đầu tư phải đối mặt với nguy cơ pha loãng cổ phiếu, đồng thời tỷ lệ sở hữu của HAG tại HNG giảm xuống.

Phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ không còn là giải pháp mới để tái cơ cấu đối với doanh nghiệp. Về bản chất, đây là cách thức chuyển nợ (nói đúng hơn là chuyển rủi ro về nợ) từ phía chủ nợ sang phía cổ đông, nhà đầu tư. Chủ nợ nhận giá trị cổ phiếu phát hành mới đúng bằng số nợ sẽ giảm. Chủ nợ sau đó chờ đợi để thị giá cổ phiếu biến động về mức bằng hoặc cao hơn giá phát hành, họ sẽ bán ra trên sàn hoặc giao dịch thỏa thuận để thu hồi nợ.

Vừa qua HAG đã được các chủ nợ gia hạn 12.000 tỉ đồng, và số nợ còn lại vẫn cao hơn nhiều số đã được gia hạn. HAG chưa công bố sẽ phát hành bao nhiêu cổ phiếu để hoán đổi nợ và cho ai, nhưng nhu cầu chuyển nợ thành cổ phiếu có thể cao trong trường hợp thị giá HAG được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản như giá cao su quốc tế tăng và sự đầu cơ theo câu chuyện giá cao su của thị trường.

HAG hiện là một trong những cổ phiếu có thanh khoản tốt, thường xuyên nằm trong tốp đầu của Hose về khối lượng khớp lệnh với bình quân 12,5 triệu đơn vị/ngày. HAG thu hút dòng tiền đầu cơ và nhiều công ty chứng khoán vẫn cung cấp dịch vụ ký quỹ cho cổ phiếu này theo tỷ lệ margin từ 30-50%. Sự hội tụ của cả hai yếu tố đầu tư và đầu cơ khiến HAG phản ứng ngay lập tức với tin tức chính thức và tin đồn trên thị trường, nhất là tin tức liên quan đến các chủ nợ.

Cổ phiếu cao su xét trên các thông số cơ bản hiện không còn rẻ với PE dao động trong khoảng 12-14 lần. PE của HAG và HNG cao hơn nhiều do cả hai đều báo lỗ năm 2016. Ngoài ra nhóm cổ phiếu cao su, cũng như các nhóm chứng khoán khác, đang cạnh tranh với cổ phiếu bất động sản về san sẻ dòng tiền. Lợi nhuận của nhóm cổ phiếu bất động sản nhìn chung đã được cải thiện từ mức thấp của các năm trước và thị giá nhóm này đã giảm quá sâu. Bất động sản là nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chứng khoán niêm yết, nhưng lại thất bại trước VN-Index khi tăng trưởng âm trong năm ngoái.

Cùng với việc theo dõi sự lên xuống của giá cao su thế giới, nhà đầu tư đang có ý chờ kết quả kinh doanh quí 1-2017 của các công ty cao su. Liệu sự phục hồi của giá cao su quốc tế có phản ánh vào kết quả kinh doanh quí đầu tiên của năm? Các công ty DPR, PHR, TRC vay nợ ngân hàng không lớn và chi phí tài chính thấp, do đó có thể kỳ vọng ở họ một kết quả doanh thu, lợi nhuận khả quan hơn cùng kỳ. Với HAG và HNG, cổ đông nên cân đong đo đếm chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng như biến số dư nợ và quy mô vườn cây đưa vào khai thác.

Thành Nam