|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phần hóa Vicem: Định giá có thể 'hụt' hơn 4 nghìn tỉ đồng nếu tính theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, hơn 227.000 m2 đất chờ xử lí

07:30 | 09/09/2019
Chia sẻ
Trong các khu đất vàng, đáng chú ý là dự án Trung tâm điều hành với diện tích 8.476 m2, nằm cạnh tòa nhà Kaengnam Hà Nội. Dự án mới được hoàn thiện xong phần thô những đang bị bỏ hoang trong nhiều năm.

Kết quả định giá "thiếu hụt" hàng nghìn tỉ đồng

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố Báo cáo kiểm toán Kết quả tư vấn định giá và xử lí các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của Công ty mẹ - Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem).

Kết quả kiểm toán cho thấy, giá trị phần vốn Nhà nước tại Vicem bị "thiếu hụt" hàng nghìn tỉ đồng dù định giá theo phương pháp tài sản hay chiết khấu dòng cổ tức.

Cụ thể, tổng giá trị tài sản của Vicem sau kiểm toán là 28.227 tỉ đồng; trong đó vốn Nhà nước là 27.803 tỉ đồng, cao hơn 1.170 tỉ đồng so với kết quả của đơn vị tư vấn định giá.

Trong khi đó, nếu tính theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, giá trị phần vốn Nhà nước tại Vicem sau kiểm toán là 25.128 tỉ đồng, cao hơn 1.748 tỉ đồng so với báo cáo trước kiểm toán.

vc

Kết quả định giá Vicem sau kiểm toán. Nguồn: Kiểm toán Nhà nước

Nguyên nhân giá trị định giá doanh nghiệp tăng thêm chủ yếu do tăng tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn tại ba Công ty TNHH do Vicem quản lí trực tiếp với giá trị tổng cộng 1.115 tỉ đồng, bao gồm Vicem Hoàng Thạch (411 tỉ đồng), Vicem Hải Phòng (337,9 tỉ đồng) và Vicem Tam Điệp (366,3 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, kiểm toán cũng cho rằng kết quả định giá của đơn vị tư vấn chưa tính đến lợi thế giá trị quyền khai thác mỏ tại các công ty con.

Theo số liệu của kiểm toán, tại thời điểm 1/10/2018, các công ty TNHH MTV của Vicem đang được cấp tổng cộng 9 giấy phép khai thác khoáng sản là đá vôi và đá sét để sản xuất xi măng, bao gồm Vicem Hoàng Thạch (4 giấy phép), Vicem Hải Phòng (ba giấy phép) và Vicem Tam Điệp (hai giấy phép).

Tổng trữ lượng được phép khai thác hàng năm là 9,57 triệu tấn đá vôi/năm và 1,91 triệu tấn đá set/năm; thời gian được phép khai thác còn lại từ 2-30 năm tuỳ từng giấy cấp phép.

Phần chênh lệch doanh thu, chi phí được qui về thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo tỉ suất chiết khấu chính là lợi thế quyền khai thác mỏ của doanh nghiệp.

Theo kiểm toán, nếu tính lợi thế quyền khai thác mỏ này, giá trị định giá của Vicem có thể tăng thêm 1.193 tỉ đồng, gồm Vicem Hoàng Thạch (325,8 tỉ đồng), Vicem Hải Phòng (523,6 tỉ đồng) và Vicem Tam Điệp (344,4 tỉ đồng).

Ngoài ra, khi xác định giá trị tài sản phi hoạt động là các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty chưa niêm yết (gồm Xi măng Chinfon, Siam City Ciment Việt Nam và Xi măng Nghi Sơn), đơn vị tư vấn mới chỉ căn cứ theo BCTC của đơn vị nhận vốn góp nên chưa đảm bảo xác định được giá trị thị trường của khoản đầu tư.

Căn cứ theo kế hoạch tài chính của Siam City Ciment Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước ước tính giá trị khoản đầu tư của Vicem vào công ty này tại thời điểm 1/10/2018 là 3.660 tỉ đồng, cao hơn so với xác định theo phương pháp tài sản là 2.421 tỉ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nếu khoản đầu tư vào Siam City Ciment Việt Nam được xác định theo phương pháp trên, giá trị phần vốn nhà nước của Vicem theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức sẽ là 27.549 tỉ đồng, chênh lệch tới 4.169 tỉ đồng so với báo cáo trước kiểm toán.

Chưa có phương án xử lí đối với hơn 227.000 m2 đất

Tính đến thời điểm kiểm toán vào tháng 5 năm nay, Vicem vẫn chưa hoàn thành việc xác định phương án sắp xếp, xử lí nhà đất trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt các lô đất với tổng diện tích 227.144 m2.

Lô đầu tiên phải kể đến là 8.476 m2 đất tại Lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để thực hiện dự án đầu tư Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem.

Khu đất có thời hạn 50 năm kể từ ngày 1/11/2010, với chi phí đầu tư thực hiện tính đến thời điểm kết thúc kiểm toán là 770,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá trị được đánh giá lại chỉ là 374 tỉ đồng.

Ngày 20/2 vừa qua, Vicem đã có văn bản trình Bộ Xây dựng đề xuất phương án chuyển nhượng toàn bộ dự án với giá chuyển nhượng không thấp hơn chi phí đầu tư. Hiện tại, Tổng công ty vẫn chưa hoàn thành việc rà soát, cập nhật phương án xử lí nhà đất trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Lô thứ hai là 52.083 m2 tại Ngõ 122 Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội gồm 4 khu được Tổng công ty quản lý và sử dụng từ năm 1959. Trong đó, 5.893 m2 làm trụ sở và nhà để xe; 28.363 m2 được cho thuê; còn lại 15.091 m2 làm kho chứa và bến bãi.

Vicem từng có kế hoạch xây dựng công trình Khu tổng hợp với mục tiêu đầu tư khu nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, do không đủ nguồn vốn để thực hiện đầu tư trong khi dự án không còn phù hợp với mục tiêu phát triển và qui hoạch, Vicem xin được tiếp tục sử dụng theo phương án ban đầu. Đến thời điểm hiện tại Bộ Tài chính vẫn chưa có ý kiến phản hồi.

Lô thứ ba gồm 166.527 m2 tại KCN Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An được UBND tỉnh Nghệ An cho Vicem thuê từ năm 1/10/2012 để xây dựng Nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung với thời hạn thuê đến năm 22/7/2060.

Chi phí đầu tư đã thực hiện theo phương án ban đầu là 45,8 tỉ đồng. Đến ngày 8/4 vừa qua, Vicem đề nghị thay đổi phương án xử lí lô đất trên thành "chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án".

Tuy nhiên, đến tháng 5/2019 Bộ Xây dựng và Ban chỉ đạo cổ phần hoá (CPH) Vicem chưa có ý kiến về phương án của công ty, theo đó Vicem chưa hoàn thành việc rà soát và có phương án xử lí.

Lô thứ tư gồm 58.077 m2 tại xã Ngũ Lão, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng được UBND thành phố giao cho Vicem Hải Phòng để xây dựng khu nhà ở xã hội để bán và cho thuê nhưng đơn vị này không đưa vào để xác định giá trị doanh nghiệp.

Ngày 21/5/2019, Bộ Xây dựng thay đổi phương án từ "giữ lại tiếp tục sử dụng" thành "chuyển giao cho địa phương để quản lý, xử lí" nhưng chưa có ý kiến trả lời của Bộ Tài chính.

Nhiều công ty con vẫn hoạt động kém hiệu quả

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến 31/12/2018, tổng giá trị đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp của Vicem là 13.643 tỉ đồng; số dư trích lập dự phòng là 3.234 tỉ đồng, tăng 412 tỉ đồng so với đầu năm.

Trong đó, chủ yếu là trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư vào Vicem Tam Điệp (1.046 tỉ đồng); Vicem Hải Phòng (198 tỉ đồng); Xi măng Sông Thao (331 tỉ đồng); đặc biệt là Xi măng Hạ Long (1.606 tỉ đồng).

Về tình hình hoạt động của các công ty con, hầu hết các đơn vị đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kì. Trong đó, đáng chú ý có Xi măng Hạ Long tăng trưởng 29%; Vicem Tam Điệp (11%) và Xi măng Sông Thao (10%).

Tuy nhiên, đa số các công ty con vẫn phải đối mặt với tình hình tài chính khó khăn, đặc biệt hệ số thanh toán nợ ngắn hạn đều ở mức thấp. Đơn cử, Xi măng Hải Phòng phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn cho thấy công ty vẫn đang mất cân đối về tài chính.

Trong khi đó, Vicem Tam Điệp có hệ số thanh toán ngắn hạn ở mức 0,25 lần, cho thấy đơn vị này đang mất an toàn về tài chính nghiêm trọng, trong khi hoạt động kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay, chiếm dụng vốn từ công ty mẹ Vicem.

Tương tự, hai đơn vị làm chậm trễ quá trình CPH của Vicem là Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao vẫn đang lỗ lũy kế lần lượt 3.580 tỉ đồng và 410 tỉ đồng.

Thậm chí, hệ số thanh toán nợ đến hạn của hai đơn vị này chỉ ở mức lần lượt là 0,13 lần và 0,17 lần cũng cho thấy tình trạng mất an toàn tài chính nghiêm trọng, thuộc diện phải thực hiện giám sát đặc biệt.

Kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

Từ những sai sót, hạn chế trong công tác định giá và xử lí các vấn đề tài chính của Vicem, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Vicem phối hợp với hãng kiểm toán độc lập AASC điều chỉnh kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và giá trị phần vốn Nhà nước theo qui định.

Đối với phương án sử dụng sau CPH các lô đất tại Hà Nội, Nghệ An, đặc biệt là lô đất 58.077 m2 tại xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, nếu thuộc trường hợp phải xác định giá trị theo qui định, Vicem cần đưa vào để tính giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối với các tài sản cần bàn giao tại Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hải Phòng và Vicem Tam Điệp, nếu bàn giao lại cho các cơ quan khác thì phải thực hiện ghi giảm GTDN tương ứng số tiền 107,66 tỉ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Vicem làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để có hướng xử lí các tài sản không cần dùng. Trong trường hợp không thực hiện việc bàn giao, doanh nghiệp tiếp tục giữ lại sử dụng thì phải thực hiện định giá bổ sung vào giá trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước lưu ý Hãng Kiểm toán AASC cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để sai sót, tồn tại trong công tác xác định GTDN tại Công ty mẹ - Vicem và các đơn vị thành viên.

Sơn Tùng