|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cỗ máy in tiền của Google và Apple

17:14 | 20/12/2023
Chia sẻ
Tỷ suất sinh lời trên các chợ ứng dụng của Google và Apple cao gấp nhiều lần so với siêu thị thực tế.

Một bồi thẩm đoàn ở California đã chẳng mấy hào hứng với Google trong tuần này. Sau phiên tòa kéo dài 4 tuần, họ chỉ mất chưa đầy 4 giờ để kết luận rằng công ty đã vi phạm luật chống độc quyền để kiếm hàng tỷ đô từ cửa hàng ứng dụng Google Play. 

"Tôi nghĩ họ cần xem lại một chút về đạo đức" một bồi thẩm sau đó chia sẻ. Phán quyết từ phiên tòa liên bang này là một cú giáng mạnh vào cỗ máy kiếm tiền của Google.

Khi Apple tung ra cửa hàng ứng dụng đầu tiên cho iPhone cách đây 15 năm, họ đã tạo ra một mô hình bán lẻ phần mềm hoàn toàn mới, không chỉ ảo mà còn sinh lợi hơn nhiều so với siêu thị. Các tòa án và cơ quan quản lý chống độc quyền đang dần nhận ra mức độ béo bở của sáng kiến này. 

Và người liên tục nhắc nhở họ chính là Tim Sweeney, CEO của Epic Games, nhà phát triển trò chơi Fortnite. Epic đã thua một vụ kiện tương tự chống lại Apple vào năm 2021, khi thẩm phán phần lớn ủng hộ Apple, mặc dù thừa nhận rằng công ty Tim Cook kiếm được lợi nhuận "cực cao" từ cửa hàng ứng dụng. 

Chiến thắng của Epic trong tuần này là minh chứng cho sự kiên trì của Sweeney.

 Tim Cook của Apple. (Đồ hoạ: Źródło zdjęć).

Việc người dùng iPhone chỉ có thể tải xuống ứng dụng từ cửa hàng của Apple, trong khi 90% ứng dụng trên điện thoại Android được tải xuống thông qua Google Play, đã mang lại cho cả hai công ty sức mạnh to lớn. 

Giờ đây sức mạnh đó đang bị lung lay, mặc dù Google đã kháng cáo.

”Phán quyết này đã đục một lỗ hổng lớn trong khu vườn kín cổng cao tường”, Mark Lemley, một Giáo sư luật tại Đại học Stanford, nhận định.

Mark Zuckerberg, CEO của Meta (công ty cũng có riêng một cửa hàng ứng dụng thực tế ảo), từng nhận xét rằng những người sáng lập Twitter đã lái một chiếc xe hề (ô tô nhỏ, màu sắc sặc sỡ, thường được sử dụng trong các rạp xiếc) vào một mỏ vàng rồi ngã xuống.

Steve Jobs lái chiếc Mercedes-Benz sang trọng, nhưng cách Apple đưa ra chính sách thu phí ban đầu 30% cho các nhà phát triển bán ứng dụng trong cửa hàng của họ cũng mang tính ngẫu nhiên không kém. 

Khi đó, khái niệm ứng dụng phần mềm còn mới mẻ, iPhone mới ra mắt một năm, và việc Apple thu phí tương tự như biên độ bán hàng tại các cửa hàng vật lý không có gì quá quắt.

Chẳng hạn, Walmart năm nay thu được lợi nhuận gộp 24% trên các sản phẩm bán tại siêu thị, mặc dù họ nổi tiếng với giá cả “vô cùng rẻ”.

Android Market, sau này trở thành Google Play, cũng theo chân Apple.

Apple đánh giá cao cửa hàng của mình vì giúp các nhà phát triển bán phần mềm dễ dàng và rẻ hơn, không hạn chế "diện tích kệ hàng" như siêu thị. Các nhà phát triển có thể trưng bày miễn phí ứng dụng miễn phí của họ (chỉ trả Apple phí thường niên 99 USD) và chỉ bị tính phí khi bán ứng dụng trả phí. Nghe có vẻ hợp lý. 

Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa cửa hàng ứng dụng và siêu thị thực tế: Siêu thị phải xây dựng và vận hành cửa hàng, trung tâm phân phối, thuê nhân viên thu ngân và nhân viên xếp kệ, quảng cáo rộng rãi,… 

Sau khi tính đến tất cả chi phí này, biên độ lợi nhuận của họ thường giảm xuống chỉ còn một chữ số. Biên độ hoạt động của Walmart năm nay chỉ khoảng 4%. 

Cửa hàng ứng dụng thì dễ dàng hơn.

Cửa hàng ứng dụng hoạt động ít tốn kém hơn nhiều so với siêu thị, và với sức mạnh thị trường như Apple và Google, chúng càng ngày càng sinh lợi khi có thêm nhiều ứng dụng xuất hiện. 

Cửa hàng của Apple có đến 1,8 triệu ứng dụng, và mặc dù hơn 80% trong số đó là miễn phí, nhưng thẩm phán trong vụ kiện năm 2021 đã đồng ý với ước tính rằng biên độ hoạt động của nó vượt quá 70%. 

Không chỉ lợi nhuận cao hơn Walmart nhiều lần, cửa hàng ứng dụng còn có một lợi thế khác.

Khách hàng có thể dễ dàng chuyển từ siêu thị này sang siêu thị khác nếu giá cả chênh lệch, nhưng việc chuyển từ iPhone sang Android chỉ vì một ứng dụng quá đắt lại khá rắc rối. 

Google Play còn có một số đối thủ cạnh tranh trong cửa hàng ứng dụng trên Android, nhưng Apple thì độc chiếm thị trường với iOS. Thẩm phán xử vụ Apple cho rằng cửa hàng ứng dụng của họ rất thành công, nhưng "thành công không phải là bất hợp pháp". 

Google thì không may mắn như vậy trong tuần này.

Bồi thẩm đoàn không hề ấn tượng với việc Google trả tiền cho một số nhà phát triển để giữ chân họ trên Google Play. Google còn tự khiến mình dễ bị kiện bằng cách kiềm chế sự cạnh tranh và duy trì độc quyền (cùng với việc tự động xóa một số tin nhắn nội bộ). 

Một khó khăn của Google là phải trình bày trước bồi thẩm đoàn, chứ không chỉ trước thẩm phán. Dù tranh luận pháp lý hay đến đâu, kiếm được quá nhiều tiền thì chẳng bao giờ đẹp mặt. 

Google và Apple ngầm thừa nhận điều này bằng cách giảm phí cho các nhà phát triển nhỏ. Phí 30% ban đầu đã giảm đáng kể: gần như tất cả các nhà phát triển ứng dụng Google Play hiện trả 15% hoặc thấp hơn.

Google cũng gặp phải đối thủ kiên cường là CEO Sweeney. Ứng dụng trò chơi chiếm hơn 70% doanh thu của cửa hàng ứng dụng, phần lớn thông qua thanh toán trong ứng dụng cho các vật phẩm ảo và bổ sung. 

Nếu đang trong tình thế rắc rối về luật chống độc quyền, việc đổ dồn gánh nặng phí lên các nhà phát triển thế giới ảo như Fortnite là rất nguy hiểm. 

Vấn đề cuối cùng là tài chính. Apple có thể không biết phát minh của họ sẽ thành công đến vậy, nhưng cả Apple và Google đã trở thành hai trong những cửa hàng sinh lợi nhất lịch sử. Dù họ tìm ra mỏ vàng như thế nào, thì bây giờ họ đang sở hữu nó.

Đức Huy (theo FT)