|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Cỗ máy' cho vay qua app lãi suất tới 2.190% vận hành thế nào

19:37 | 23/08/2024
Chia sẻ
Hà NộiNăm 2017, Li Zhao Qiang đến Việt Nam dựng lên "đế chế tín dụng đen" cho vay qua app, siết nợ bằng thủ đoạn côn đồ... đã thu hơn 700 tỷ đồng.

135 đồng bọn của Qiang đang bị TAND Hà Nội xét xử trong phiên tòa dự kiến kéo dài 10 ngày, về 3 tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, Cưỡng đoạt tài sản Trốn thuế.

Ông trùm Qiang đã trốn khỏi Việt Nam, đang bị truy nã quốc tế.

135 bị cáo trong vụ án liên quan ông trùm Li Zhao Qiang, đang bị TAND Hà Nội xét xử. Ảnh: Danh Lam

Cáo trạng xác định tháng 10/2017 đến Việt Nam, Li Zhao Qiang khi đó 29 tuổi, trú thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc thuê máy chủ đặt tại Hong Kong và tạo lập các App điện thoại di động như vaynhanhpro, cashvn... cho vay nặng lãi, 43.000-60.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương lãi suất 1.570-2.190% một năm. Thị trường chính ở Hà Nội.

Qiang rủ hai đồng hương Zhang Min (Trương Mẫn) 38 tuổi, và Liu Dan Yang (Lưu Đơn Dương), 32 tuổi cùng sang Việt Nam mở rộng hệ thống và móc nối với Nguyễn Quang Vũ, 37 tuổi, trú Hà Nội. Cả nhóm tuyển nhân viên ở Việt Nam phục vụ cho 3 mục đích chính: mời chào vay nợ, nhắc nợ và đòi nợ thuê.

Vũ thay mặt chủ mưu Qiang phụ trách hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Trương Mẫn phụ trách bộ phận nhắc, truy thu, đòi nợ; còn Lưu Đơn Dương đảm nhận giải ngân và thu tiền của khách vay thông qua các công ty thanh toán trung gian.

Ba người mở một số công ty để phục vụ cho đường dây phi pháp của mình. Trong đó, Công ty TNHH Công nghệ Newstar Việt Nam là công ty tổng, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Ngôi Sao Việt trực tiếp giao dịch tiền cho vay qua công ty trung gian thanh toán điện tử, chủ yếu là Công ty TNHH Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam.

Công ty TNHH phát triển tầm nhìn Metag, với 91 bị cáo bị xét xử trong vụ án, phụ trách chào mời, nhắc nợ và đòi nợ. Cuối cùng, Công ty TNHH Dịch vụ CSKH DCS, với 40 bị cáo, chủ yếu làm nhiệm vụ đòi nợ thuê bằng thủ đoạn "bẩn".

Mời chào vay nợ

VKS xác định tiền nguồn tiền Ngôi Sao Việt cho vay qua các App đều của ông trùm Qiang. Do là thân cận của Qiang tại Việt Nam, bị cáo Vũ được giao mật khẩu đăng nhập và quản lý các App.

Vũ giao bị cáo Trần Thị Hằng (31 tuổi, trú tỉnh Hòa Bình) tuyển dụng đào tạo và quản lý 28 nhân viên Telesale để gọi điện, mời chào khách vay. Nhân viên mới được cung cấp máy tính cố định có cài phần mềm gọi miễn phí và file hướng dẫn trả lời từng tình huống có thể xảy ra, phải học thuộc các kịch bản này.

Các bị cáo được tại ngoại có mặt tại tòa hôm 22/8. Ảnh: Danh Lam

Khi khách đồng ý vay tiền, nhân viên Telesale hướng dẫn tải App Cashvn hoặc vaynhanhpro về điện thoại di động và đăng ký tạo tài khoản.

Khi truy cập App, hệ thống sẽ yêu cầu khách hàng cấp quyền truy cập để lấy các thông tin trong điện thoại, điền đầy đủ thông tin cá nhân theo yêu cầu. Thực hiện xong các bước trên, thông tin của khách sẽ được chuyển bộ phận thẩm định để duyệt vay.

Bộ phận thẩm định sẽ gọi điện vào số điện thoại của khách, người thân của khách để xác thực thông tin. Khách được vay hạn mức 500.000-10 triệu đồng; thời hạn 7, 14 hoặc 21 ngày và yêu cầu khách vay cung cấp vào App số tài khoản ngân hàng.

Lúc này, hệ thống sẽ duyệt lệnh chuyển cho YooPay Việt Nam (do bị cáo Lưu Đơn Dương làm Giám đốc quản lý, điều hành) để thực hiện việc chuyển tiền vay. Khách sẽ bị cắt trước số tiền lãi suất và tính lãi 43.000-60.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương lãi suất 1.570-2.190%/năm.

Nhà chức trách xác định, YooPay Việt Nam không được cấp phép hoạt động thanh toán trung gian tại Việt Nam. Đây là đơn vị do Qiang thành lập, đầu tư tiền rồi thuê người Trung Quốc phụ trách kỹ thuật lập trình hệ thống thanh toán điện tử, trong đó có hệ thống giải pháp "Chi hộ" và "Thu hộ" cho khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty.

Công ty YooPay Việt Nam có nhiệm vụ là giải ngân và thu tiền của khách vay. Sau khi thu được tiền, YooPay chuyển cho Công ty Ngôi Sao Việt. Dòng tiền từ đây chuyển cho Công ty Newstar Việt Nam.

Sơ đồ dòng tiền cho vay. Nguồn: Cáo trạng

Từ năm 2019 đến tháng 4/2022, khi vụ việc bị phát giác, nhà chức trách xác định, các bị cáo đã cho 120.780 người vay nặng lãi, với tổng số tiền khoảng 1.600 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 730 tỷ đồng.

Trong số này mới có 67 bị hại xác định được danh tính. Người vay nhiều nhất là người đàn ông trú quận Hà Đông, Hà Nội, vay tổng 183 lần trong vòng hai tháng giữa năm 2020 và 4 tháng cuối năm 2021. Anh này vay 485 triệu đồng song thực nhận chỉ 345 triệu, còn lại là lãi bị trừ ngay từ lúc giải ngân.

Đòi nợ kiểu "giang hồ"

Để truy thu tiền của khách vay chậm trả, ông trùm Qiang chỉ đạo, phân công Trương Mẫn và "tay sai" Nghiêm Đức Giang (37 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Phạm Quang Yên (40 tuổi, trú huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) phân chia khách vay thành 5 nhóm theo 5 cấp độ thời gian quá hạn trả nợ, để có biện pháp đòi nợ tương ứng như sau:

Nhóm Thời gian nợ quá hạn Biện pháp
M0 1-3 ngày Gọi điện trực tiếp cho khách để yêu cầu trả nợ
M1 4-9 ngày

Gọi điện chửi bới, lăng mạ, đe dọa yêu cầu khách hàng phải trả tiền.

Gọi điện cho số người thân của khách (bố, mẹ, vợ/ chồng... có trong danh bạ điện thoại của khách vay) để yêu cầu thông báo cho khách trả nợ

M2 10-17 ngày

Dùng ảnh của khách hàng comment vào các bài đăng có liên quan đến tài khoản facebook của khách hàng kèm nội dung nhắc trả nợ.

Ghép ảnh mặt khách hàng với các hình ảnh phản cảm như khỏa thân, quan tài, làm tình, truy nã...

Gửi cho khách hàng để đe dọa sẽ phát tán các hình ảnh kèm thông tin của khách lên các mạng xã hội, tại khu vực khách hàng đang sinh sống, mục đích nhằm bôi xấu danh dự của khách, gây áp lực buộc khách hàng phải trả tiền

M3 18-25 ngày

Đăng ảnh đã cắt ghép của khách hàng lên các trang mạng xã hội, tại khu vực quanh nhà của khách hàng.

Trực tiếp đến địa chỉ nhà riêng của khách hàng để đe dọa gây thương tích buộc khách hàng phải trả tiền.

Các trưởng nhóm đòi nợ thường xuyên gây áp lực, yêu cầu các nhân viên truy thu nợ phải làm việc có hiệu quả, đòi được nhiều tiền của khách vay nợ, khuyến khích việc "nhân viên" dùng các thủ đoạn truy thu nợ trên với khách hàng.

M4 trên 26 ngày

Nhân viên đòi nợ, theo cáo trạng, được hưởng lương 3,9 triệu đồng/tháng và hoa hồng 5-9% số tiền đòi được.

Ngày 25/4/2022, khám trụ sở các công ty, cơ quan điều tra thu hơn 200 bộ máy tính để bàn và hơn 200 điện thoại, đều là công cụ được sử dụng để lấy danh sách khách hàng, mời chào vay nợ và đòi nợ. 25 tài khoản ngân hàng bị phong tỏa với tổng số dư khoảng 85 tỷ đồng.

Một số nhân viên làm việc ở các công ty dưới một tháng, hoặc làm việc tại các bộ phận hành chính, kế toán... không liên quan trực tiếp việc cho vay nặng lãi, nhà chức trách không xử lý.

Trong vụ án, 3 bị cáo Trương Mẫn, Nguyễn Quang Vũ, Nghiêm Đức Giang và 25 nhân viên các công ty trong hệ thống bị truy tố về hai tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự Cưỡng đoạt tài sản.

Bị cáo Lưu Đơn Dương, Giám đốc YooPay Việt Nam, bị truy tố về tội Trốn thuếCho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Kế toán trưởng Lê Thu Trang bị truy tố tội Trốn thuế.

105 người còn lại đối mặt tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Thanh Lam