|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cơ hội vượt rào cản nới room

08:45 | 26/08/2016
Chia sẻ
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, định hướng mới tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh đang tạo ra cơ hội tốt để vượt qua các rào cản nhằm tháo gỡ vướng mắc cho triển khai quy định nới room áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài.

Thưa ông, việc áp dụng quy định nới room tại Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán tiếp tục bộc lộ nhiều vướng mắc?

Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) rất muốn tạo cú hích về thu hút vốn nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc triển khai quy định nới room tại Nghị định 60/2015 vẫn bộc lộ một số vướng mắc.

Đầu tiên là liên quan đến ngành nghề kinh doanh của DN. Trên thực tế, một DN thường đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh; trong đó có những ngành nghề chưa hoạt động. Vì tỷ lệ sở hữu tối đa áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài có sự khác nhau giữa các ngành nghề hoạt động tại một DN, nên việc chốt tỷ lệ room nào để áp dụng đang gặp khó khăn. Đó là chưa kể có những ngành nghề hiện chưa quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài, nên càng gây khó khăn trong chốt room cho DN triển khai.

Vướng mắc thứ hai lớn hơn là khi bên nước ngoài sở hữu tỷ lệ vốn điều lệ tại DN niêm yết đến bao nhiêu thì được coi là nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp DN niêm yết trở thành nhà đầu tư nước ngoài, sẽ có những thay đổi lớn về phương thức hoạt động đầu tư, kinh doanh. Nhiều DN niêm yết Việt Nam đang đầu tư đa ngành, chẳng hạn vào điện, bất động sản…, nếu xuất hiện bên nước ngoài sở hữu từ trên 51% vốn điều lệ trở lên thì theo quy định hiện hành được coi là nhà đầu tư nước ngoài. Muốn không bị đối xử là nhà đầu tư nước ngoài, các DN phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư, nên sẽ tác động không tích cực đến thị trường.

Một điểm vướng mắc khác khá phức tạp là trên thị trường chứng khoán, hoạt động mua, bán cổ phiếu diễn ra hàng giờ, hàng ngày, dẫn đến tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài biến động thường xuyên, nên việc căn cứ vào đâu để chốt khi nào trở thành nhà đầu tư nước ngoài, khi nào trở lại là nhà đầu tư trong nước là rất khó khăn. Nếu xử lý vấn đề này không tốt sẽ dẫn đến nguy cơ bên nước ngoài đầu tư sai luật. Vì vậy, trách nhiệm của UBCK cũng như các bên liên quan là phải tính toán triển khai các giải pháp chặt chẽ, khả thi, để vừa gỡ khó khi áp dụng quy định nới room, vừa đảm bảo quản lý nhà nước hiệu quả.

tin nhap 20160826083851

Ông Vũ Bằng

UBCK đã làm gì để giải tỏa những vướng mắc trên, thưa ông?

Để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến ngành nghề kinh doanh, UBCK đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như với các bộ, ngành khác triển khai nhiều giải pháp. Thậm chí, UBCK tổ chức họp riêng với từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho họ trong quá trình triển khai quy định nới room…

Chẳng hạn, để đi đến quyết định chấp thuận cho CTCP Sữa Việt Nam (VNM) nới room tối đa lên 100%, trong khi VNM có rất nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có vận tải hàng hóa, bất động sản (bên nước ngoài được sở hữu tối đa 49%), UBCK phải xin ý kiến và được sự chấp thuận của nhiều bộ ngành.

Sau khi được chấp thuận nới room, VNM phải rà soát các ngành nghề kinh doanh để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Cách làm này gỡ khó cho doanh nghiệp, mặc dù nhà quản lý phải đối mặt với không ít trăn trở. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý cứ ngồi “kẻ chỉ”, thì không làm tròn trách nhiệm với DN, không tạo thuận lợi tối đa cho DN trong chủ trương chung về xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Việc áp dụng cơ chế nới room cho một lĩnh vực “nóng” là dược phẩm được nhà đầu tư rất quan tâm, khi một số DN rất muốn nới, nhưng pháp lý lại quá chặt. Có hướng nào để khắc phục tình trạng này không, thưa ông?

Việc gỡ vướng cho áp dụng quy định nới room đối với các DN ngành dược khá phức tạp, vì theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần sở hữu 1 cổ phiếu thôi, DN sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài, không được thực hiện chức năng phân phối dược phẩm.

Tuy Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cách nhìn cởi mở theo hướng gỡ khó cho DN là nếu phân phối thuốc do DN sản xuất thì không phạm vào các cam kết WTO, nhưng để cụ thể hóa quan điểm này thành quy định pháp lý để triển khai thì còn khó. Hệ quả là các DN dược đối mặt với bế tắc trong huy động vốn, nhất là chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài để hiện đại hóa công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như trình độ quản trị.

Để gỡ khó cho việc nới room đối với các DN ngành dược, chúng tôi đã có nhiều cuộc họp và nhìn chung, các ý kiến đều thống nhất là nên tách bạch thành 2 trường hợp, để có hướng ứng xử phù hợp. Thứ nhất là các DN thuần túy nhập khẩu thuốc từ nước ngoài về rồi phân phối tại Việt Nam.

Thứ hai là các DN dược trong nước sản xuất dược phẩm, đồng thời có hoạt động về phân phối. Với các DN chỉ thuần túy nhập khẩu và phân phối, nên hạn chế sở hữu nước ngoài. Còn đã là DN sản xuất thì nên tạo thuận lợi cho DN thu hút vốn nước ngoài để hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua cơ chế nới room.

Các bộ, ngành cũng thống nhất hướng xử lý trên, nhưng để đi đến một quy định pháp lý cụ thể, tạo thuận lợi cho DN thì hiện chưa có. Một DN dược chào bán cổ phiếu cho bên nước ngoài vẫn đang bị tắc. Để tháo gỡ khó khăn cho trường hợp này, UBCK đã lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Công thương…

Hầu hết các bộ đều ủng hộ việc tạo thuận lợi cho DN được huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, nên cuối cùng, UBCK chấp thuận cho DN phát hành. Tuy nhiên, DN phải làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế để chốt tỷ lệ sở hữu tối đa áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài, cũng như khi có vốn ngoại rồi thì DN có tiếp tục được phân phối dược phẩm hay không…

Để tháo gỡ căn cơ hơn cho các DN ngành dược áp dụng quy định nới room, sắp tới, các bộ ngành cần đề xuất Chính phủ ban hành nghị định để quy định chi tiết các nội dung: thế nào là phân phối dược phẩm (thuần túy nhập khẩu rồi về phân phối tại Việt Nam hay các DN sản xuất dược có hoạt động phân phối); bên nước ngoài sở hữu bao nhiêu vốn điều lệ của DN dược thì được coi là nhà đầu tư nước ngoài.

Tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, có đề xuất phương án trao quyền cho pháp luật chứng khoán quy định bên nước ngoài sở hữu tỷ lệ vốn điều lệ của DN niêm yết đến bao nhiêu thì được coi là nhà đầu tư nước ngoài. Phương án này nếu được triển khai có tháo gỡ việc nới room được không, thưa ông?

Định hướng chính sách mới tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh là rất tốt, mang lại cơ hội vượt qua các rào cản để áp dụng quy định nới room đạt hiệu quả cao, mặc dù việc hướng dẫn chi tiết, cũng như triển khai thực thi là không đơn giản.

Về cơ bản, quy định nới room sẽ vẫn áp dụng theo Nghị định 60/2015. Tuy nhiên, sau khi luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh được ban hành, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 60/2015 theo hướng bổ sung nội dung mới là bên nước ngoài sở hữu tỷ lệ vốn điều lệ bao nhiêu tại DN niêm yết Việt Nam thì DN này được coi là nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi đang cân nhắc hai phương án.

Đầu tiên là cho phép bên nước ngoài sở hữu đến 100% vốn điều lệ tại DN, nhưng DN vẫn được coi là nhà đầu tư trong nước. Phương án này đơn giản, triển khai có tính khả thi cao, đồng thời tạo hiệu ứng mạnh trong thu hút vốn ngoại. Tuy nhiên, nếu mở quá rộng, thì nhà đầu tư nước ngoài sau khi sở hữu đến 100% vốn điều lệ tại DN niêm yết Việt Nam, do vẫn được coi là đầu tư trong nước, nên họ sẽ đầu tư vào các lĩnh vực hạn chế bên nước ngoài đầu tư, chẳng hạn như: phân phối, tài chính, ngân hàng…, thì sẽ phá vỡ các nguyên tắc về kiểm soát hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đối với danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thứ hai, việc đưa ra một tỷ lệ vốn điều lệ mà bên nước ngoài sở hữu để trên cơ sở đó phân định DN là nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước là không đơn giản, vì tỷ lệ này biến động hàng giờ, hàng ngày. Tuy nhiên, nếu mở từng bước theo hướng nới từ 51% lên 60%, 63% chẳng hạn, thì vừa tránh gây sốc, vừa tạo thuận lợi trong giám sát hoạt động đầu tư của bên nước ngoài.

Một số chỉ tiêu nổi bật trên thị trường chứng khoán 8 tháng năm 2016

* Đến ngày 23/8, chỉ số VN-Index tăng 13,8%, HNX-Index tăng 4% so với cuối năm 2015; mức vốn hóa thị trường đạt 1.590.000 tỷ đồng, tương đương 38% GDP (tăng 17% so với cuối năm 2015). Thanh khoản thị trường tăng mạnh, giao dịch bình quân đạt gần 6.200 tỷ đồng/phiên, tăng 25% so với năm trước.

* Huy động vốn 7 tháng đầu năm nay ước tăng tới 81%, đạt gần 254.500 tỷ đồng. Đấu giá cổ phần hóa cho 58 doanh nghiệp nhà nước, với tổng giá trị đạt 5.291 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thành công đạt 66%; 21 đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước với tổng giá trị 1.899 tỷ đồng, tăng 112%, tỷ lệ thành công đạt 73%.

* 6 tháng đầu năm nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thuần tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 772 triệu USD. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đến tháng 6/2016, đạt trên 16 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Nguồn: UBCK

Theo Hữu Hòe

Đầu tư chứng khoán