Cơ hội mở rộng xuất khẩu vào Mỹ
Cá tra Việt Nam xóa bỏ rào cản lớn nhất để củng cố xuất khẩu vào Mỹ | |
Thủy sản vào Mỹ: Đến hồi doanh nghiệp khó 'tự bơi' |
Tuy nhiên, cuộc chiến này cũng đặt ra không ít thách thức cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý của Việt Nam.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” do Trường Doanh nhân BizLight tổ chức tại TP HCM, ngày 16/11.
Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Giám đốc Trường Doanh nhân BizLight phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN |
* Cơ hội mở rộng xuất khẩu vào Mỹ
Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Giám đốc Trường Doanh nhân BizLight nhận định, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ tác động tới hai nền kinh tế trong cuộc mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Việt Nam là một trong những nước ngoài cuộc chịu nhiều tác động khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu.
Theo phân tích của Tiến sĩ Bùi Quang Tín, trong đợt đánh thuế đầu tiên của Mỹ lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chỉ có khoảng 550 triệu USD các mặt hàng tương tự sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Nhưng với lần đánh thuế mới nhất của Mỹ lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, giá trị hàng hóa tương đồng với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã lên tới gần 13 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tương đồng với Trung Quốc sẽ có lợi thế cạnh tranh cao, có cơ hội thay thế thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam nhấn mạnh, tác động cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã lan tỏa khắp hệ sinh thái thương mại toàn cầu và ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia; trong đó, có Việt Nam. Nếu nhìn nhận ở góc độ tích cực, nó tạo ra cơ hội mở rộng xuất khẩu cho nhiều mặt hàng của Việt Nam.
Cụ thể, sau khi Mỹ đánh thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và dự kiến sẽ nâng mức thuế này lên 25% từ đầu năm 2019, đồng thời, áp thuế với tất cả các mặt hàng của Trung Quốc thì hàng hóa Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh về giá; trong đó, có nhiều mặt hàng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn như đồ gỗ nội thất, nông – thủy sản, dệt may, vali – túi xách…
Các chuyên gia cho rằng, dệt may Việt Nam là ngành sẽ có nhiều lợi thế từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, hiện nay có tới hơn 60% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam được nhập từ Trung Quốc, trong khi tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc bị mất giá trầm trọng. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ mua được nguyên liệu từ Trung Quốc với giá rẻ hơn trước đây.
Bên cạnh đó, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam (khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam) với mức thuế từ 8 -10%, thấp hơn mức thuế áp dụng cho hàng Trung Quốc từ 15 -17%.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam thông tin về cơ hội của doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến Thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN |
* Thách thức bủa vây
Bên cạnh cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho một số mặt hàng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng đặt ra không ít thách thức cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý của Việt Nam.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương phân tích, nhu cầu tìm kiếm các nguồn hàng thay thế Trung Quốc của Mỹ là rất lớn, nhưng cơ hội đó được chia đều cho nhiều quốc gia chứ không phải dành riêng cho Việt Nam. Trong khi đó, các quốc gia khác trong ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu khá tương đồng với Việt Nam và cũng đang nỗ lực mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ.
Thêm vào đó, khi gặp khó tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và các thị trường lân cận khác. Điều này khiến hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc ở thị trường Trung Quốc, thị trường Việt Nam và cả các thị trường khác trong khu vực ASEAN.
Cùng quan điểm, ông Ngô Võ Minh Hưng, Giám đốc kinh doanh toàn cầu Công ty VIFON cho rằng, so với Trung Quốc hay các quốc gia có cơ cấu hàng xuất khẩu tương đồng trong khu vực thì quy mô sản xuất của Việt Nam còn rất nhỏ mà thị trường Mỹ lại đòi hỏi các tiêu chuẩn rất cao với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, Việt Nam rất khó có khả năng để thay thế Trung Quốc trong việc cung ứng các đơn hàng lớn cho thị trường Mỹ.
Theo ông Ngô Võ Minh Hưng, hầu hết doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp này không những không được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà còn rất dễ bị tổn thương do chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.
Cụ thể, hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam rất dễ dàng và có giá rất rẻ, dễ dàng tiêu thụ ở các vùng nông thôn của Việt Nam. Hơn nữa, nếu cuộc chiến thương mại với Mỹ kéo dài, các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam sẽ cạnh tranh trực tiếp trong việc thu mua nguyên liệu, nhân công và tận dụng các ưu đãi về xuất xứ hàng hóa với doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ trở thành địa điểm chuyển tải của hàng hóa Trung Quốc dưới hình thức tạm nhập tái xuất hoặc chế biến giả để lấy xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu qua Mỹ. Điều này nếu xảy ra và bị Mỹ phát hiện sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các ngành hàng và quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ.
Các chuyên gia khuyến nghị, trước mắt, các doanh nghiệp lớn đã xuất khẩu tại Mỹ cần nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của đối tác, chớp cơ hội để gia tăng đơn hàng hoặc khai thác triệt để các thị trường ngách nhằm chiếm ưu thế về thị trường. Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ cần tăng cường liên kết, tổ chức lại hoạt động sản xuất, để tạo ra sức mạnh chung, thương hiệu chung cho từng ngành hàng.
Về phía Nhà nước, cần có sự định hướng và cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, giá cả cạnh tranh mới có thể tham gia vào thị trường Mỹ một cách bền vững, lâu dài.
Song song với việc hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội xuất khẩu vào Mỹ, cơ quan quản lý của Việt Nam cũng cần có cơ chế để bảo vệ nền kinh tế Việt Nam trước nguy cơ chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam. Cụ thể, cần kiểm soát tốt việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam, đặc biệt là các cửa khẩu trên đất liền; có tiêu chí cụ thể, chặt chẽ trong việc xác nhận hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ để ngăn chặn các rủi ro không đáng có.
Xem thêm |