|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Nam Mỹ sau dịch COVID-19

07:13 | 03/10/2020
Chia sẻ
Sau dịch COVID-19 các quốc gia trong khu vực đều có xu hướng định hình lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là ở các quốc gia giữ được sự ổn định trong dịch bệnh.

Tối ngày 1/10, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chủ trì Hội nghị giao thương trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam – Mercosur 2020. Chương trình do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) phối hợp với Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), Đại sứ quán Việt Nam tại Argentina và Brazil tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mercosur đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. 

Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 2,5 lần, từ 2,45 tỉ USD vào năm 2011 lên 8,68 tỉ USD vào năm 2019, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mercosur đạt 2,7 tỉ USD và nhập khẩu từ khu vực này đạt gần 6 tỉ USD.

“Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Việt Nam và các nước thành viên Khối Mercosur hiện đang trao đổi khả năng đàm phán một Hiệp định thương mại song phương. 

Hiệp định thương mại sẽ giúp nâng tầm quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên, đây cũng là một biểu hiện rõ nét cho chính sách thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, từ đó tạo ra một sân chơi công bằng, bình đẳng và minh bạch cho các doanh nghiệp Việt và các doanh nghiệp nước ngoài”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra những thách thức trong quan hệ thương mại, giữa Việt Nam và khối Mercosur, trong đó có những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, những thách thức trong hợp tác kinh doanh như: khoảng cách địa lí xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ và việc thiếu thông tin về môi trường và cơ hội kinh doanh.

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Nam Mỹ sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương.

Thứ trưởng phụ trách Quan hệ kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Argentina, Đại sứ Jorge Neme chia sẻ Mercosur luôn dành sự ưu tiên đối với quan hệ với Việt Nam và sẽ tiếp tục chính sách này trong 6 tháng đầu năm 2021 khi Argentina là Chủ tịch luân phiên của Mercosur.

“Việt Nam là đối tác nổi bật và tin tưởng của Argentina trên mọi lĩnh vực. Thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng 4 lần trong vòng 1 thập kỉ qua. Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 3,5 tỉ USD và năm nay, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, kim ngạch dự đoán vẫn tiếp tục được duy trì. 

Chúng tôi mong muốn được tiếp tục trở thành đối tác tin cậy cung cấp lương thực chất lượng cho người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời tăng cường thương mại trong các lĩnh vực công nghiệp, dược phẩm và thiết bị y tế”, Đại sứ Jorge Neme cho biết

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Nam Mỹ sau dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mercosur đạt 2,7 tỉ USD và nhập khẩu từ khu vực này đạt gần 6 tỉ USD trong năm 2019. (Ảnh: Như Huỳnh),

Đại sứ Dương Quốc Thanh,  Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Argentina cũng cho biết thêm đối với thị trường Uruguay và Paraguay, mặc dù đây là hai thị trường với qui mô dân số nhỏ, nhưng vẫn còn dư địa cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt một số mặt hàng tiêu dùng, dệt may, da giày

Bên cạnh những thuận lợi trên, cộng đồng doanh nghiệp hai bên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng tới hiệu quả giao thương. 

Đơn cử như tại Brazil, bà Phạm Thị Kim Hoa, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Brazil cho biết, mặc dù Brazil là một thị trường rộng lớn với hơn 200 triệu người với giá trị nhập khẩu hàng năm khoảng 236 tỉ USD (trong đó 30% là từ các nhà cung cấp châu Á). 

Tuy nhiên, ngôn ngữ Bồ Đào Nha là rào cản đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường này, chưa kể, ở đây thủ tục nhập khẩu phức tạp, yêu cầu công chứng…

Các đại sứ, thương vụ Việt Nam tại Mercosur cho rằng, sau dịch COVID-19 các quốc gia trong khu vực đều có xu hướng định hình lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là ở các quốc gia giữ được sự ổn định trong dịch bệnh. 

Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gia tăng sự hiện diện tại khu vực Nam Mỹ nhằm nâng cao thị phần và giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.

Như Huỳnh