|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Có hay không việc thất thoát vốn và tài sản Nhà nước tại Vinamed?

20:30 | 08/02/2018
Chia sẻ
Vụ sáp nhập CtyCP Nhựa Y tế Mediplast (Mediplast) vào Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed) thời gian qua gây xôn xao dư luận về nhiều dấu hiệu vi phạm, đặc biệt việc giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại Vinamed từ 20% xuống 14% tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát vốn và tài sản Nhà nước.
co hay khong viec that thoat von va tai san nha nuoc tai vinamed SCIC nhận quản lý vốn Vinamed, Biopharco và DK pharma từ Bộ Y tế
co hay khong viec that thoat von va tai san nha nuoc tai vinamed Ai đứng sau thương vụ sáp nhập Mediplast – Vinamed?

Để hiểu thêm vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Huy An, Trưởng Văn phòng Luật sư Huy An xung quanh vụ việc này.

Về vấn đề công khai minh bạch, nếu xác định được phần tài sản nhà nước thì người đại diện phải làm tất cả những gì tốt nhất để đem lại lợi ích cao nhất cho cổ đông nhà nước

Luật sư Nguyễn Huy An

* PV: Trước hết, xin ông cho biết, mô hình hoạt động của CtyCP Mediplast và Vinamed như hiện nay thì cần phải tuân thủ những quy định pháp luật nào?

Luật sư Huy An: Tất cả các doanh nghiệp (DN) đều phải tuân thủ Luật DN, tuy nhiên trường hợp 2 doanh nghiệp Mediplast và Vinamed còn cần phải tuân thủ theo cả Luật Chứng khoán và nhiều luật chuyên ngành khác.

Ví dụ như quy định Bộ luật Dân sự liên quan đến tài sản pháp nhân. Đặc biệt là, do Vinamed có vốn đầu tư của nhà nước nên Vinamed là đối tượng được quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật 69/2014/QH13 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, và phải tuân thủ luật này.

* P.V: Có một số ý kiến cho rằng, việc sáp nhập Mediplast và Vinamed khiến cho tỷ lệ vốn nhà nước tại Vinamed giảm từ 20% xuống còn 14% (giảm 6%) là trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Huy An: Đối với vấn đề này, tôi khẳng định việc sáp nhập Vinamed và Mediplast khiến cho tỷ lệ vốn nhà nước tại Vinamed giảm từ 20% xuống còn 14% (giảm 6%) là trái với hai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2265/QĐ-TTg và số 1232/QĐ-TTg.

Cụ thể, tại Mục b, Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 2265/QĐ-TTg ngày 15/12/2015 về Phê duyệt Phương án cổ phần hóa Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam đã nêu rõ “Nhà nước nắm giữ 1.760.000 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ”.

Đồng thời Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt danh mục DN có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 thì Vinamed nằm trong danh mục chuyển giao vốn nhà nước về SCIC, với tỷ lệ vốn nhà nước được ghi rõ là 20% (để SCIC thoái vốn).

Quyết định 1232/QĐ-TTg đã một lần nữa khẳng định và yêu cầu bảo toàn, duy trì tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước là 20% vốn điều lệ tại Vinamed và Bộ Y tế có trách nhiệm bàn giao đầy đủ cho SCIC với tỷ lệ vốn nhà nước là 20%.

Tại Văn bản của Bộ Tài chính gửi Bộ Y tế số 13261/BTC-TCDN ngày 4/10/2017 về việc đơn kiến nghị của cổ đông Cty CP Nhựa Y tế cũng có nhắc lại nội dung của Quyết định số 2265/QĐ-TTg và Quyết định 1232/QĐ-TTg, đồng thời nêu rõ: “theo đó thực hiện chuyển giao Vinamed về SCIC vào năm 2018 và thoái vốn với tỷ lệ vốn nhà nước là 20%”.

Vì vậy, việc sáp nhập 2 công ty làm cho tỷ lệ vốn nhà nước tại Vinamed giảm từ 20% xuống 14% là trái với các văn bản nói trên.

Mặc dù khi sáp nhập 2 DN, số lượng cổ phần giữ nguyên không thay đổi nhưng tỷ lệ nắm giữ của nhà nước tại Vinamed giảm đi 6% đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và quyền lực của Nhà nước trong việc quản lý, giám sát nguồn vốn đầu tư vào DN.

Việc giảm tỷ lệ nắm giữ của nhà nước từ 20% xuống 14% ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền biểu quyết của cổ đông nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân quyền lực giữa cổ đông nhà nước với các cổ đông tư nhân, giảm số lượng thành viên HĐQT do cổ đông nhà nước có thể bầu ra…

Để thay đổi tỷ lệ vốn Nhà nước sở hữu tại Vinamed khác với tỷ lệ 20% (đã được nêu rõ trong các văn bản nói trên), công ty Vinamed và Người đại diện vốn nhà nước tại Vinamed cần phải xin phép và phải có được sự phê duyệt đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý vốn nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện việc thay đổi tỷ lệ, nhưng ban lãnh đạo hai công ty trong trường hợp này đã cố ý thực hiện việc sáp nhập, khiến cho tỷ lệ vốn nhà nước giảm xuống (thậm chí ngay sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 được ban hành) là có dấu hiệu của hành vi “Cố ý làm trái”.

* P.V: Liên quan đến vấn đề về quản lý, sử dụng vốn đầu tư Nhà nước tại Vinamed, cụ thể là việc bán 750.000 cổ phần Mediplast khiến cho tỷ lệ sở hữu của Vinamed tại Mediplast giảm từ 69,3% xuống còn 23,8% mà không đấu giá công khai. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Luật sư Huy An: Theo tôi, việc HĐQT Vinamed bán 750.000 cổ phần Mediplast (tương đương 45,5% vốn điều lệ Mediplast), từ đó giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Vinamed tại Mediplast từ 69,3% xuống còn 23,8%, nhưng Vinamed và Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinamed chưa tuân thủ nguyên tắc “Công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN”, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo toàn, phát triển nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại DN.

Quan điểm về mặt pháp lý của tôi, thì theo Điều 81 Bộ luật Dân sự 2015 về tài sản pháp nhân: “Tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”, và Điều 200 Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được đầu tư vào doanh nghiệp. Đây là những điều luật gốc để điều chỉnh.

Điều này khẳng định Vinamed là DN có vốn đầu tư của nhà nước, tỷ lệ là 20% vốn điều lệ, như vậy về bản chất toàn bộ tài sản của Vinamed (tài sản cố định, vốn đầu tư...), Nhà nước đều có quyền sở hữu tương ứng với số vốn góp 20%.

Do vậy mọi hoạt động của Vinamed và của Người đại diện vốn nhà nước tại Vinamed phải tuân theo Luật 69/2014/QH13 về Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đặc biệt đối tượng áp dụng của Luật 69/2014/QH13 được quy định rõ tại Khoản 3 Điều 2 của Luật này: “Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại Cty cổ phần, Cty TNHH hai thành viên trở lên” và Khoản 4 Điều 2: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Phạm vi điều chỉnh đã xác định rõ trường hợp này là Vinamed và Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinamed phải chịu sự điều chỉnh của Luật 69/2014/QH13.

Về vấn đề công khai minh bạch, nếu xác định được phần tài sản nhà nước thì người đại diện phải làm tất cả những gì tốt nhất để đem lại lợi ích cao nhất cho cổ đông nhà nước. Ví dụ bán tài sản phải công khai: Thông qua 1 cơ quan thẩm định giá độc lập, thông qua bán đấu giá, làm sao cho nhiều người biết nhất và khả năng thu lại lợi ích tối đa cho nhà nước…

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên