Có hay không mối tương quan đồng biến giữa bitcoin và Nasdaq?
Theo giới chuyên gia, đồng tiền kỹ thuật số bitcoin và chỉ số chứng khoán Nasdaq đã chuyển động song song trong những tháng gần đây, khi cùng tăng và rồi trải qua những đợt bán tháo trong cùng khoảng thời gian. Nhưng mối quan hệ tương quan giữa hai kênh đầu tư này không rõ ràng và khó nắm bắt.
Bà Amber Ghaddar, nhà đồng sáng lập nền tảng chuyên dành cho tài sản kỹ thuật số AllianceBlock, cho biết mối tương quan đồng biến giữa bitcoin và các tài sản có rủi ro - đặc biệt là cổ phiếu công nghệ đã ngày càng rõ ràng kể từ giữa năm 2020.
Đó là điều hiển nhiên khi giá của đồng tiền điện tử này được tính toán dựa trên chỉ số Nasdaq, mặc dù không rõ liệu Nasdaq khiến bitcoin giảm hay bitcoin làm Nasdaq giảm.
Tuy nhiên, bà Ghaddar có một lời giải thích hợp lý cho mối tương quan đồng biến giữa giá bitcoin và hiệu suất của Nasdaq: Sự xuất hiện của những nhà đầu tư tổ chức trên thị trường tiền điện tử.
Theo chuyên gia này, những biến động của chỉ số Nasdaq có thể đóng vai trò như chỉ báo cho những biến động giá của bitcoin, trừ khi có những động lực bất ngờ - như tin tức cách đây hai tuần về việc một trong những nhà kiểm toán hàng đầu thế giới là KPMG quyết định thêm tiền điện tử vào bảng cân đối kế toán là một ví dụ điển hình.
Ông Arpit Agrawal, một doanh nhân đồng thời là nhà đồng sáng lập và giám đốc kỹ thuật của nền tảng blockchain Cion Digital, cũng cung cấp thêm thông tin chi tiết về cách các đợt bán tháo cổ phiếu thuộc Nasdaq đang kéo bitcoin đi xuống.
Theo ông, nhiều người tiếp xúc với cả nhóm cổ phiếu Nasdaq và bitcoin. Khi họ bán những cổ phiếu này và khiến chỉ số Nasdaq đi xuống, tỷ lệ phần trăm bitcoin trong danh mục của họ sẽ tăng lên.
Vì vậy, để cân bằng lại danh mục đầu tư, nhiều người thường thích bán bitcoin theo tỷ lệ tương đương với lượng cổ phiếu Nasdaq bán ra và khiến giá bitcoin giảm. Do đó, có thể nói rằng Nasdaq đang kéo bitcoin đi xuống kể từ tháng 11/2021.
Chia sẻ quan điểm trên, ông James Wo, Giám đốc điều hành (CEO) và người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Digital Finance Group (DFG), cho hay yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy thị trường tiền điện tử phát triển trong vài năm qua là sự gia nhập của các nhà đầu tư tổ chức.
Đây là những người tiếp xúc nhiều với thị trường tài chính truyền thống, đồng nghĩa họ có xu hướng bán đi các tài sản rủi ro như như tiền điện tử ngay trong thời điểm xảy ra suy thoái đáng kể.
Tuy nhiên, ông Kunal Sawhney, CEO của công ty nghiên cứu thị trường tài chính Kalkine Group, cho rằng có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến bitcoin, chẳng hạn như việc nới lỏng chính sách tài chính và tiền tệ chưa từng có trong cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ông nhận định việc các ngân hàng trung ương giữ lãi suất ở mức gần bằng 0 cùng các khoản hỗ trợ của chính phủ giúp đảm bảo người dân Mỹ đều có tiền mặt. Điều này nhìn chung là điềm báo tốt cho các công cụ đầu tư rủi ro như cổ phiếu và tiền điện tử, vốn đã mang lại lợi nhuận cao hơn các công cụ hoàn vốn cố định.
Nói một cách đơn giản, các chính sách tiền tệ nới lỏng đã giúp nâng đỡ tất cả các loại tài sản, bao gồm cả những tài sản có tính đầu cơ cao nhất như tiền điện tử và cổ phiếu của các công ty nhỏ hơn không có lợi nhuận được niêm yết trên Nasdaq.
Bằng chứng về điều này là thực tế rằng các chỉ số Nasdaq, Dow Jones và S&P 500 đều đã phá vỡ kỷ lục cao nhất mọi thời đại của chúng nhiều lần trong nửa cuối năm 2021. Trong khi đó, Giáo sư kinh tế học Udayan Roy tại đại học Long Island (LIU Post) cho rằng gần như không thể so sánh diễn biến của bitcoin và Nasdaq để tìm ra bất kỳ mô hình nào.
Vị giáo sư chỉ ra rằng Nasdaq đã tăng từ 4.654,85 điểm lên 13.716,72 điểm trong giai đoạn từ đầu năm 2015 đến tháng 2/2022, tương đương mức tăng 2,95 lần. Vào cùng giai đoạn, bitcoin đã tăng từ 218 USD/bitcoin lên 40.553,82/bitcoin – tương đương mức tăng tới 186,03 lần. Vì lý do này, khó có thể tìm thấy bất kỳ loại liên kết nào giữa cả hai.
Ngoài ra, khi các chính sách tiền tệ nới lỏng đang dần tới hồi kết và sắp được thay thế bằng các chính sách tiền tệ thắt chặt như tăng lãi suất, giới đầu tư đang tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro.
Do đó, các đợt bán tháo đã xuất hiện thường xuyên trên cả thị trường tiền điện tử và Nasdaq. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn bởi những rủi ro địa chính trị như sự bất đồng giữa Nga và Mỹ về tình hình Ukraine.
Đồng bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng qua sau khi quân đội Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine. Việc đồng tiền này lao dốc đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và ồ ạt bán tháo các tài sản rủi ro hơn.
Cụ thể, trong ngày 24/2, đồng bitcoin giao dịch ở mức 34.324 USD/bitcoin, giảm 7,9% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/1 vừa qua.
Bitcoin và các đồng tiền số lớn khác đang chịu sức ép trong tuần này, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang và các nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro.
Riêng bitcoin đã giảm xuống dưới mức 40.000 USD/bitcoin vào cuối tuần trước và tiếp tục mất giá khi cuộc khủng hoảng Ukraine "nóng lên". Các chuyên gia nhận định đà giảm giá của đồng tiền này có thể sẽ không sớm kết thúc.
Bitcoin đã mất gần một nửa giá trị kể từ khi đạt mức kỷ lục 68.990 USD/bitcoin vào tháng 11/2021, do những căng thẳng địa chính trị, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và những biện pháp hạn chế của một số nền kinh tế lớn đối với các tài sản kỹ thuật số.