|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ đông lớn chây ì không thanh toán công nợ, Ricons cho biết sẽ dùng biện pháp mạnh

11:09 | 28/06/2023
Chia sẻ
Ricons cho biết đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán, sắp xếp cuộc họp thảo luận với một cổ đông lớn chưa thanh toán công nợ nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan. Song, công ty khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp để thu hồi nợ, thậm chí là nhờ cơ quan chức năng vào cuộc.

Ngày 23/6, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Năm nay, công ty đặt mục tiêu 6.000 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 50 tỷ đồng, lần lượt giảm 47% và 45% so với năm 2022.

Theo lãnh đạo công ty, trong bối cảnh thị trường khó khăn, công ty ưu tiên đặt mục tiêu an toàn tài chính lên hàng đầu và thận trọng trong việc tìm kiếm dự án, không chấp nhận các rủi ro để nhận dự án bằng mọi giá nên doanh thu năm 2023 dự kiến thấp hơn so với cùng kỳ.

Ricons cũng dự báo thị trường có thể tăng trở lại cuối năm nên đây chính là thời điểm để công ty quay trở lại.

 Kết quả kinh doanh và kế hoạch của Ricons. (Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp).

Trong thời gian qua, để cải thiện nguồn thu thay vì chỉ tập trung vào các dự án bất động sản tư nhân, Ricons đã và đang tham gia vào các dự án đầu tư công, cơ sở hạ tầng và mở rộng các dự án nhà công nghiệp với nguồn vốn FDI. Theo đánh giá, đây là những dự án có tiến độ nhanh, đặc biệt là nguồn tiền tốt.

Gần đây nhất, Ricons đã trúng thầu dự án tại Bắc Giang với giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Trong thời gian tới, công ty dự kiến sẽ tham gia một số dự án nhà xưởng và hy vọng trúng thầu để bù đắp sự thiếu hụt nguồn công việc từ các dự án bất động sản.

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu, doanh thu Ricons ước đạt 3.400 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 57% kế hoạch năm đề ra.

Quyết liệt thu hồi công nợ

Ngoài ra, tại đại hội, một vấn đề nóng được cổ đông quan tâm là việc một cổ đông lớn sở hữu nhiều cổ phần nhưng không thực hiện thanh toán công nợ. Ricons cho biết đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán và sắp xếp cuộc họp thảo luận với cổ đông này nhưng chưa có kết quả khả quan.

Ban lãnh đạo công ty khẳng định, khi đối tác không có thiện chí và sự hợp tác, không tôn trọng cam kết dẫn đến khoản công nợ kéo dài thì công ty sẽ có biện pháp lý mạnh mẽ hơn để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng. Vì đây chính là cách đảm bảo an toàn tài chính cho công ty và đảm bảo lợi ích cho cổ đông.

Song, Ricons cũng thừa nhận, việc thu hồi công nợ từ các chủ đầu tư đang là thách thức lớn nhất của đội ngũ điều hành. 

Bao giờ Ricons niêm yết?

Về kế hoạch niêm yết cổ phiếu, công ty cho biết, HĐQT công ty vẫn đang thực hiện các thủ tục để hoàn tất việc niêm yết như kế hoạch đã đề ra từ các năm trước.

Tuy nhiên, cũng có nhóm cổ đông có kiến nghị hoãn niêm yết. Theo công ty, kiến nghị này không phải là không có sơ sở nhưng hoãn niêm yết hay tiếp tục niêm yết cổ phiếu Ricons là phụ thuộc vào toàn quyền quyết định của ĐHĐCĐ.

Về việc này, HĐQT trên cơ sở thừa uỷ quyền của ĐHĐCĐ và dựa trên ý chí, nguyện vọng của đa số cổ đông sẽ luôn hành động vì mục tiêu đem lại lợi ích cao nhất và hài hoà nhất cho đa số cổ đông của Ricons.

Bên cạnh đó, công ty cũng chỉ ra một thực trạng là các nhà thầu có quy mô tương tự như Ricons đã niêm yết nhưng giá cổ phiếu không tương xứng như giá trị thực của công ty trong giai đoạn hiện tại. “Vậy Ricons có nên đi theo con đường của họ hay không”, lãnh đạo Ricon nêu quan điểm.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, công ty dự kiến trả cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu nhận được 500 đồng). Hiện tại, vốn điều lệ của Ricons là hơn 396 tỷ đồng, tương ứng với 39,6 triệu cố phiếu có quyền biểu quyết. Do đó, công ty sẽ phải chi 20 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Lâm Anh

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).