|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ đông đồng hành với ‘bầu’ Đức tăng gấp đôi lên hơn 54.000, sắp tới còn thêm DOJI và VPBank cùng HAGL ‘trồng cây gì, nuôi con gì’?

16:50 | 15/04/2022
Chia sẻ
Vòng xoáy “nợ” đeo đẳng “bầu” Đức gần một thập kỷ. Vị chủ tịch của Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) vẫn đang tìm đáp án cho câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì” để vực dậy. Những phép thử từ cao su, nuôi bò, trồng chuối, rồi đến nuôi heo ăn chuối liên tiếp được đưa ra. Song để thành công, đầu tiên có lẽ vẫn phải là tiền đâu?

Không thể huy động tiền từ hơn 54.000 cổ đông, HAGL sẽ phát hành riêng lẻ

Tiền sẽ giúp Hoàng Anh Gia Lai trả nợ, giảm gánh nặng về chi phí lãi vay. Những đợt trái phiếu phát hành “gối đầu, đảo nợ” dường như sẽ không hiệu quả. Huy động tiền từ thị trường nợ được chuyển qua thị trường vốn.

Quan sát hoạt động của HAGL cho thấy, công ty đang quan tâm cổ đông nhiều hơn với các hoạt động như thăm doanh nghiệp, mô hình sản xuất, tặng thịt heo cho cổ đông ăn thử, cho đến việc di chuyển địa điểm tổ chức đại hội từ “đại bản doanh” Gia Lai xuống TP HCM.

Những động thái trên khá dễ hiểu khi HAGL đang có một lượng cổ đông kỷ lục với 54.114 cá nhân và tổ chức tại ngày 15/3/2022. Trong khi ngày 29/5/2020 chỉ là 21.366 người. Trong khi khối tự doanh của nhiều công ty chứng khoán cắt lỗ giảm sở hữu từ 4,46% xuống còn 0,82%, cá nhân trong nước mua vào đẩy số lượng tăng từ 20.706 người lên 53.457 người.

Lượng cổ đông trên là lớn hay nhỏ? Để dễ hình dung, con số trên gấp hơn 4 lần sức chứa 12.000 khán giả của sân vận động Pleiku nơi câu lạc bộ bóng đá của “bầu” Đức đóng quân. Ngay cả Hòa Phát (Mã: HPG) được coi là doanh nghiệp “quốc dân” và đang thời kỳ kinh doanh đỉnh cao đang sở có 62.861 cổ đông tại tháng 3/2021, không chênh lệch nhiều với số cổ đông của HAGL.

 Bầu Đức đưa cổ đông, nhà đầu tư thăm quan hoạt động của HAGL đầu năm 2022. Ảnh: HAGL.

Dù có một lượng nhà đầu tư đông đảo đang đồng hành với “bầu” Đức, HAGL vẫn không thể phát hành cho cổ đông hiện hữu như thời hoàng kim 2013 bởi lỗ lũy kế. Phương án được lựa chọn là chào bán cổ phần riêng lẻ. Ngay sau đại hội, HAGL đã công bố kế hoạch.

Theo đó, công ty sẽ chào bán hơn 161,9 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cp. Mức giá trên thấp hơn không nhiều so với mức giá đóng cửa 11.300 đồng/cp tại phiên 14/4.

Phương án sử dụng vốn đưa ra, HAGL sẽ dùng 500 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai, cho vay 700 tỷ đồng hai công ty con là CTCP Chăn nuôi Gia Lai và CTCP Gia súc Lơ Pang. 500 tỷ đồng còn lại được dùng đẻ trả nợ gốc trái phiếu do công ty phát hành năm 2016.

Thời gian chào bán trong năm 2022 sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. HAGL dự kiến sẽ chào bán lô cổ phần này cho dưới 100 nhà đầu tư. Nhưng trong danh sách cụ thể, công ty đưa vào 3 nhà nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm Công ty TNHH Glory Land, CTCP Quản lý quỹ Việt Cát và ông Nguyễn Đức Quân Tùng. Chân dung ba nhà đầu tư này được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Danh sách cổ đông tham gia mua cổ phần chào bán riêng lẻ của HAGL. Nguồn: HAG.

Nhóm Nova phủ nhận việc đồng hành cùng HAGL

Thông tin của HAGL, Glory Land dự kiến mua vào hơn 95,2 triệu cp, Việt Cát và ông Nguyễn Đức Quân Tùng mua lần lượt 47,6 triệu cp và hơn 19 triệu cp. Sau phát hành, tỷ lệ sở hữu của ba nhà đầu tư trên lần lượt là 8,74%, 4,37% và 1,75% vốn của HAGL.

Theo giới thiệu, Glory Land được thành lập đàu năm 2014 tại TP HCM. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Người đại diện của công ty là bà Bùi Minh Hương.

Trước thông tin “nhóm Nova” có liên quan đến thương vụ này khi bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Bùi Thành Nhơn từng là cổ đông sáng lập, phía NovaGroup lên tiếng phủ nhận khi không còn liên quan Glory Land cũng như cá nhân ông Nhơn.

Trong đại hội cổ đông vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HAGL cho biết nhóm Nova từng đàm phán về việc mua cổ phần của công ty nhưng không đồng quan điểm nên “lắc đầu”. “Bầu” Đức cho biết hai đối tác sẽ đồng hành là Việt Cát và Chứng khoán VPBank.

Việt Cát – cái tên nhiều mối quan hệ với nhóm DOJI, Bamboo Capital

Về Việt Cát, công ty quản lý quỹ này được thành lập vào năm 2008. Ba cổ đông sở hữu cổ phần của Việt Cát là ông Nguyễn Anh Vũ (58%), bà Hồ Thị Thùy Giang (24%) và bà Nguyễn Anh Hương (18%). Cả ba cá nhân không tham gia điều hành công ty.

Vốn điều lệ của công ty tính đến cuối năm 2021 là 25 tỷ đồng, tổng tài sản 27,6 tỷ đồng. Mặc dù khá khiêm tốn về quy mô vốn và tài sản, song Việt Cát cho thấy năng lực tài chính khi quản lý danh mục ủy thác của nhà đầu tư hơn 800 tỷ đồng vào cuối năm 2021, 1.131 tỷ đồng cuối 2020. Hoạt động của Việt Cát có nhiều mối liên hệ với nhóm DOJI.

Trụ sở của Việt Cát đặt tại Tầng 11 Tòa nhà DOJI Tower số 5 Lê Duẩn, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Một cá nhân cùng tên Nguyễn Anh Vũ hiện giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BĐS DOJILAND, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Vàng bạc Đá Quý DOJI.

Trong năm 2021, danh mục của nhà đầu tư ủy thác của Việt Cát đã mua bán hàng nghìn tỷ đồng cổ phần và trái phiếu của hai nhóm liên quan là Bamboo Capital (Tracodi, CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang) và Sunshine Group (Sunshine Tech, Sunshine AM, Xây dựng Phú Thượng, Xây dựng Xuân Đỉnh, Bất động sản Wonderland). Thời điểm cuối năm 2021, trái phiếu của nhóm Sunshine đã được tất toán.

Tại ngày 31/12/2021, danh mục ủy thác của Việt Cát đang nắm giữ 55,5 triệu cổ phần của BCG Energy với giá trị 555 tỷ đồng. Bên cạnh đó là 147,7 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang, thành viên của Bamboo Capital.

Nói thêm về mối quan hệ giữa Tập đoàn DOJI và Bamboo Capital, công ty của doanh nhân Đỗ Minh Phú từng là cổ đông chiến lược sở hữu 10% vốn của Bamboo Capital năm 2017. Năm 2020, DOJI thoái vốn và không còn là cổ đông lớn. Mặc dù vậy, hai hệ sinh thái này vẫn có nhiều mối quan hệ. Cuối năm 2021, nhóm Bamboo Capital chi 990 tỷ đồng mua 30 triệu cổ phiếu hành riêng lẻ của TPBank.

Về phần HAGL, doanh nghiệp này đang nợ TPBank khoảng 492 tỷ đồng trong đó có 300 tỷ đồng trái phiếu và 192 tỷ đồng vay dài hạn tại ngày 31/12/2021. Khoản trái phiếu được thế chấp bằng 50 triệu cổ phiếu HAG của “bầu” Đức và 14 triệu cp HAG của ông Nguyên Văn Quý cùng với nhiều tài sản khác.

VPBank Securites sẽ đồng hành cùng HAGL?

Như thông tin đã nêu trên, chủ tịch HAGL chia sẻ trong đại hội rằng đối tác thứ hai đồng hành cùng lần phát hành riêng lẻ này là Chứng khoán VPBank. Đây là công ty chứng khoán mới trong hệ sinh thái của VPBank. Cuối năm 2021, nhà băng này đã mua lại Chứng khoán ASC và đổi tên thành VPBank Securities. Năm nay VPBank Securities kế hoạch tăng vốn lên 8.920 tỷ đồng.

Dù không xuất hiện trên danh nghĩa tổ chức, VPBank Securites lại có mối quan hệ với cá nhân ông Nguyễn Đức Quân Tùng. Thông tin của người viết, ông Nguyễn Đức Quân Tùng sinh năm 1985, hiện giữ vai trò Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và Môi giới chứng khoán Miền Nam của VPBank Securities.

Ông Tùng có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán khi kinh qua các vị trí như Giám đốc Khối khách hàng chiến lược của VNDirect, Giám đốc tư vấn tài chính doanh nghiệp OCB, Phó Giám đốc đầu tư OCB.

Với sự đồng hành của Việt Cát và VPBank Securities lần này, liệu bức tranh tài chính của HAGL sẽ sáng hơn với phép thử "heo ăn chuối"?

Lợi Hoàng