|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bầu Đức: 'HAGL bán con bò nào ngân hàng siết nợ con bò đó, công ty không thể xoay vòng vốn để tái đàn'

08:00 | 15/04/2022
Chia sẻ
Cú "ngã ngựa" của "Bầu" Đức với mảng nuôi bò đến từ việc ngân hàng siết nợ. HAGL bán được con bò nào, ngân hàng siết nợ luôn con bò đó khiến công ty không thể xoay vòng vốn tái đàn.

 

Nhắc lại câu chuyện từng thất bại ở mảng nuôi bò tại ĐHĐCĐ hôm 9/4 vừa qua Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đoàn Nguyên Đức phân trần nguyên nhân cho cú "ngã ngựa" của mình.

Mặc dù đem lại khoản lợi nhuận to lớn nhưng do nợ ngân hàng quá nhiều và mất thanh khoản ở mảng cao su nên HAGL gặp khó khăn trong xoay vòng vốn. 

"Hồi đó nuôi bò lời dữ lắm. Thậm chí bán phân bò cũng đủ tiền trả cho nhân công. Nhưng lúc đó HAGL bị mất thanh khoản mảng cao su nên ngân hàng họ "khoá sổ", cứ bán được con bò nào là họ thu luôn tiền con đấy. HAGL không xoay vòng vốn được, không thể tái đàn nổi và tê liệt đến tận bây giờ", ông Đức trần tình.

 

Quay trở lại năm 2014, HAGL gây bất ngờ khi công bố dự án nuôi bò công nghệ cao với tổng vốn khoảng 6.300 tỉ đồng nhập 43.500 con bò Australia. Thời điểm đó, HAGL tự tin với hệ sinh thái nông nghiệp với chuỗi từ trồng trọt và chăn nuôi đan xen, bổ trợ cho nhau, tối ưu chi phí nuôi bò.

Theo đó, các sản phẩm phụ của ngành trồng trọt như cây bắp, bã mía, mật rỉ đường, bẹ lá cọ dầu, bã cọ dầu là nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho bò. Nhờ vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi bò(chiếm tới 80% cấu thành tổng chi phí) sẽ rất thấp. 

Như thế, việc đầu tư chăn nuôi này giúp HAGL phân hóa rủi ro, hạn chế được các ảnh hưởng tiêu cực gây ra bởi những biến động trên thị trường, hỗ trợ mạnh mẽ cho các lĩnh vực kinh doanh dài hạn khác của tập đoàn.

Bên cạnh đó, nguồn phân bò có thể tạo ra khí đốt để chạy nhà máy điện. Nguồn điện này sẽ được sử dụng để vận hành hệ thống tưới cho cây trồng và thắp sáng chuồng trại chăn nuôi, vận hành thiết bị phục vụ chăn nuôi. Phân bò còn được sử dụng để bón cho cây, giúp cây phát triển tốt.

Năm đầu tiên, hoạt động nuôi bò có vẻ khá thuận lợi khi năm 2015, lợi nhuận mảng chăn nuôi bò của HAGL được ghi nhận cao nhất khi doanh thu đạt 2.542 tỉ đồng, lợi nhuận gộp đạt 743 tỉ đồng và tỉ suất lợi nhuận gộp đạt 29%. 

Đáng chú ý, riêng quý III, doanh thu mảng nuôi bò chiếm tới 63% tổng doanh thu các mảng và đây từng được xem là bệ đỡ giúp HAGL thoát khỏi cơn khủng hoảng tài chính, nợ nần.

Đàn bò nhanh chóng được nâng lên gần 250.000 con. Thậm chí ông Đức cũng đã từng thừa nhận: “Không có bò chắc chúng tôi cũng sẽ “bò” luôn”. 

Tuy nhiên, các năm tiếp đó, kết quả kinh doanh mảng này càng giảm sút khi năm 2016 lợi nhuận giảm tới 40% còn 440 tỷ đồng và năm 2017 lao dốc còn 37 tỷ đồng. Trong năm 2017, đàn bò của “Bầu” Đức chỉ còn khoảng 13.000 con.

HAGL cho biết tuy biên lợi nhuận của mảng chăn nuôi bò không còn cao, nhưng đây là một lợi thế quan trọng để hợp thành chuỗi nông nghiệp khép kín của công ty khi cung cấp lượng phân hữu cơ rất lớn cho vườn cây ăn trái đạt hiệu quả cao và tuân thủ tiêu chuẩn GlobalGAP.

Tuy nhiên, đến năm 2020 kết quả kinh doanh mảng nuôi bò còn xuất hiện trên báo cáo thường niên của công ty. 

“Tất cả công ty đều có thể ngã ngựa, đó là quy luật trong kinh doanh, không ông nào có thể vỗ ngực khẳng định là tồn tại mãi mãi được. Nhưng HAGL đã ngã rồi và biết đau rồi, đúc kết được nhiều kinh nghiệm, không chủ quan nữa. Và HAGL sẽ không ngã ngựa lần nữa”, “Bầu” Đức khẳng định.

 

 

Quay trở lại với mảng chăn nuôi nhưng lần này là con heo, ông Đức tiếp tục áp dụng mô hình chuỗi giá trị, tận dụng chuối hỏng để làm thức ăn cho heo, tương tự những gì ông đã làm với bò. 

Theo ông Đức, chi phí nuôi heo của HAGL chỉ 35.000 đồng/kg. Đây được xem là mức chi phí rất thấp so với mặt bằng các doanh nghiệp chăn nuôi hiện tại (khoảng trên 50.000 đồng/kg) trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi (cấu thành 75% tổng chi phí nuôi heo) đang tăng mạnh như hiện nay. 

Bên cạnh đó, thời gian tới HAGL xây dựng hệ sinh thái từ lò mổ, chuỗi cửa hàng phân phối thịt và nhà máy chế biến xúc xích, dăm bông để tiêu thụ khoảng 1 triệu con heo theo kế hoạch năm 2022 đề ra. 

Với việc nợ ngân hàng - nguyên nhân chính khiến mảng nuôi bò thất bại - HAGL hồi đầu năm nay đăng ký bán 48,1 triệu cổ phiếu HNG, giảm tỷ lệ sở hữu tại HAGL Agrico xuống 11,73% nhằm trả nợ. 

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2022 công bố mới đây, nhiệm vụ trọng tâm được HAGL đề ra là tăng cường tái cơ cấu tài chính nhằm phấn đấu giảm số dư nợ phải trả ngân hàng xuống còn 5.000 tỷ đồng.

Đồng thời để thực hiện hoá kế hoạch mở rộng chuỗi nuôi heo, HAGL cần có thêm vốn. Mới đây, ĐHĐCĐ của công ty đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp để huy động 1.700 tỷ đồng.

Số cổ phiếu dự kiến phát hành là 161.904.760 cổ phiếu và giá chào bán là 10.500 đồng/cp.

"Tôi phát hành cổ phiếu thành công là điều mừng. Một số người tin tôi nhưng đa số người không tin tôi vì mình từng thất bại, phải nói thẳng thắn như thế. Có thời điểm, ngân hàng còn từ chối khéo. Do đó, thời điểm này, 1.700 tỷ đồng với HAGL là điều cực kỳ quý. Chúng tôi sẽ khảo sát và mời chào những đối tác đã quen thân và biết HAGL mới dám đầu tư", Bầu Đức chia sẻ.

H.Mĩ