‘Cò’ đất lúng túng khi Khánh Hòa tạm dừng giải quyết thủ tục đất đai ở Bắc Vân Phong
Chiều ngày 9/5, văn phòng đăng ký đất đai Khánh Hòa chi nhánh tại huyện Vạn Ninh thưa người giao dịch sau khi Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản chỉ đạo tạm dừng giao dịch đất đai tại địa phương này. (Ảnh: Khải An) |
Xuống cọc nửa tỷ đồng mới hay bị tạm dừng giao dịch
Sáng ngày 9/5, tức ngày thứ 3 sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn khẩn gửi Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong và UBND huyện Vạn Ninh tham mưu, dự thảo văn bản cho UBND tỉnh chỉ đạo tạm ngừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh mọi hoạt động giao dịch đất đai tại huyện này trở nên trầm lắng.
Tuấn – Giám đốc một sàn giao dịch đất đai tại thị trấn Vạn Giã – Vạn Ninh cho biết, trước ngày có công văn của Chủ tịch tỉnh mỗi ngày anh dắt 4-5 đoàn khách mỗi đoàn từ 3 – 5 người, chủ yếu là người ngoại tỉnh đi xem đất tại đặc khu Bắc Vân Phong.
“Sau ngày văn bản chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh và báo chí phản ánh không một đoàn hay một cá nhân nào liên hệ với chúng tôi. Đây cũng là tình trạng chung của anh em môi giới bất động sản tại địa phương”, Tuấn cho biết.
Tuấn còn cho biết thêm, từ ngày sốt đất, nhiều người tay ngang như thợ sửa xe, thợ rửa xe đã trở thành những cò đất làm việc cho các sàn như anh và thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng giờ đang ngón tin về việc tạm dừng giao dịch đất từng ngày.
Tại các quán cà phê nằm dọc bãi biển của thị trấn Vạn Giã, hầu hết mọi câu chuyện đều xoay quanh chuyện tạm dừng giao dịch đất. Cò Kha – cho biết vừa xuống 500 triệu tiền cọc cho lô đất gần 300m2 (có 120m2 đất thổ) có giá 8 tỷ đồng nằm trên đường Trần Hưng Đạo nối dài thì địa phương tạm dừng giao dịch đất đai nên chưa biết sao.
Đất dọc đường Trần Hưng Đạo thị trấn Vạn Giã có giá dao động từ 80- 100 triệu đồng/m2 (Ảnh: Khải An) |
“Tôi lướt nhiều lần, chỉ đặt cọc rồi kiếm khách sang tay nhanh có thể lời trăm đến vài trăm triệu đồng cho một phi vụ. Giờ còn hơn tuần là đến ngày chồng tiền đợt 2 tôi chưa biết tính sao. Thực tâm, tôi cũng muốn xin chủ đất lấy lại tiền cọc nhưng nếu đó cũng là một cò lướt đất xuống cọc như tôi thì rất khó”, cò Kha chia sẻ.
Được sự giới thiệu của cò Kha, chúng tôi gặp chị H. - người Hà Nội đã mua nhiều lô đất tại huyện Vạn Ninh. Chị này cho biết có 7 lô đất giao động từ 3-5 tỷ đồng/lô.
“Giờ mọi giao dịch chết đứng nên tôi đang nghe ngóng tình hình. Nhưng với tình hình chặn giao dịch như hiện nay có thể giá đất thổ vẫn sẽ tăng cao, do đây là đất vẫn nằm trong diện giao dịch được”, chị H. cho biết.
Liệu có hạ nhiệt?
Theo ông Võ Lục Phẩm – PCT huyện Vạn Ninh, tình hình mua bán đất tại địa phương thời gian qua rất phức tạp và giá đất tăng cao với thực tế rất nhiều lần.
Cụ thể, một lô đất hơn 1.000m2 (350m2 thổ cư) thuộc khu Cổ Mã xã Vạn Thọ trước tháng 10/2017 (trước thời điểm Khánh Hòa chọn toàn huyện Vạn Ninh làm dự án đặc khu Bắc Vân Phong) nằm giá 200 triệu đồng nhưng nay đã trên 3 tỷ đồng. Theo các cò đất, giá đất tại Vạn Ninh lên "thẳng đứng" từ vài chục đến vài trăm lần tùy khu vực.
Giá cao nhưng giao dịch đất đai tại địa phương này vô cùng sôi nổi, chỉ riêng tháng 4/2018 toàn huyện có 2.452 hồ sơ giao dịch đất đai và chuyển nhượng thành công 1.120 hồ sơ. Riêng từ ngày 7/5 đến 15h ngày 9/5 đã có trên 500 hồ sơ chuyển nhượng đất đai.
“Chính tình trạng cò đẩy giá đất lên cao làm nảy sinh tình trạng lấn chiến dọc các tuyến quốc lộ xuống Đầm Môn và một số đảo. Tổ liên ngành do huyện lập đã xử lý nhiều trường hợp khai hoang, lấn chiếm và đã giao cho cơ quan công an 5 trường hợp tiến hành điều tra. Đặc biệt sau khi Chủ tịch tỉnh đến thị xác và chỉ đạo đến nay không có trường hợp nào lấn chiếm nào xảy ra”, ông Phẩm cho biết.
Khánh Hòa quyết chống sốt đất tại huyện Vạn Ninh (Ảnh: Khải An) |
Cũng theo ông Phẩm, huyện Vạn Ninh đã nhận được văn bản khẩn do Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND huyện phối hợp các sở: TN&MT, Xây dựng, Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong cùng các cơ quan liên quan triển khai cụ thể, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh.
“Huyện sẽ thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh. Trước đó, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, lãnh đạo các xã phải tăng cường kiểm tra và thực hiện đúng qui định pháp luật khi giao dịch đất đai. Đồng thời thành lập đội liên ngành liên tục kiểm tra, rà soát các tình trạng lấn chiếm trên địa bàn”, ông Phẩm thông tin.
Được biết, trong tháng 1 và tháng 4/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành hai chỉ thị tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Hiện Quốc hội đang xem xét thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (có khu vực huyện Vạn Ninh).
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đang triển khai công tác lập quy hoạch khu vực huyện Vạn Ninh để đáp ứng yêu cầu phát triển khi Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt có hiệu lực.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng tại huyện Vạn Ninh vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, phức tạp nhất là tình trạng chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, tách thửa… của các tổ chức, cá nhân nhằm thu gom đất, đẩy giá đất lên cao.
Tình hình này sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai khi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có hiệu lực thi hành.