|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Có bao nhiêu 'Sói già phố Wall' trên thị trường chứng khoán Việt?

14:49 | 23/08/2016
Chia sẻ
Đã là nhà đầu tư chứng khoán, hẳn không mấy người chưa từng xem phim “Sói già phố Wall”. Ngoài những thủ thuật điện ảnh câu khách, “Sói già phố Wall” hé lộ những mánh khóe thực tế trên thị trường chứng khoán, vốn chưa bao giờ là cũ…

Nếu có nhà đầu tư nào tự hỏi, những vị chủ tịch với đồng lương “còm cõi”, lấy tiền đâu để sắm du thuyền, mua siêu xe, máy bay, đắm chìm vào những bữa tiệc xa hoa, “Sói già phố Wall” sẽ là câu trả lời.

“Quay tay” cổ phiếu, mánh khóe cổ điển

Đầu cơ cổ phiếu của chính mình là một mánh khóe có từ trăm năm qua và gắn liền với tội giao dịch nội gián. Trải qua một thời gian dài, hệ thống pháp lý đã dựng lên hàng loạt rào cản để ngăn chặn tệ nạn này. Chỉ có điều, “đạo cao một thước, ma cao một trượng”, có vô vàn cách thức, mánh khóe để vô hiệu hóa những rào cản ấy.

Các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn luôn bị ràng buộc và điều chỉnh bởi hàng loạt yếu tố pháp lý nhằm ngăn chặn khả năng giao dịch nội gián. Công bố thông tin mọi động thái giao dịch có thể khiến công chúng theo vết được.

“Sói già phố Wall” có một thuật ngữ mới: “lỗ chuột cống”, hay nôm na hơn là “chân gỗ”, những người sẵn sàng đứng tên sở hữu hộ một lượng cổ phiếu lớn và giao dịch theo lệnh của những ông chủ thật sự.

Cái thời sử dụng người thân trong gia đình làm “chân gỗ” đã qua từ lâu. Thậm chí như Việt Nam vừa rồi cũng định nghĩa lại và mở rộng hơn khái niệm “người có liên quan”. Tuy nhiên nếu đó là những “chân gỗ” chẳng có liên hệ “máu mủ” gì với ông chủ, chỉ có liên hệ bằng luật rừng.

Những “chân gỗ” này bản chất là không sở hữu cổ phiếu, nhưng có được hưởng lợi từ quá trình đầu cơ theo lệnh và tuân thủ “luật im lặng”. “Luật im lặng” là điều được “Sói già phố Wall” nhắc đến nhiều nhất và tìm mọi cách để đảm bảo thực thi. Chỉ đến cuối cùng, khi các “chân gỗ” hay “lỗ chuột cống” chịu sức ép và phải chấp nhận hợp tác với cơ quan điều tra, “Sói già phố Wall” mới bị bại lộ.

Một trong những chiến thuật “nâng cấp” đối với “lỗ chuột cống” của “Sói già phố Wall” là sử dụng “lỗ chuột cống” với quốc tịch khác. Thụy Sỹ - trung tâm tài chính lớn thứ hai châu Âu – có hẳn dịch vụ này. Những mối quan hệ tư pháp quốc tế liên quan tới Mỹ đều được nghiên cứu kỹ lưỡng và vỏ bọc hai lớp làm tăng độ an toàn của các giao dịch.

Bản chất của các “lỗ chuột” này không thay đổi do vẫn được điều khiển từ xa. Các cổ đông nội bộ luôn là đối tượng nắm rõ nhất thông tin, biết thông tin sớm nhất. Những giao dịch nội gián từ các “lỗ chuột” không khác gì những giao dịch thông thường của công chúng đầu tư, chỉ khác là lợi thế thông tin giúp các giao dịch này luôn thắng.

Một trong những khó khăn lớn nhất mà “Sói già phố Wall” gặp phải khi sử dụng các “lỗ chuột cống” là điều chuyển tiền như thế nào để không gặp rắc rối pháp lý. Đó là do khả năng truy vết dòng tiền rất hiệu quả của hệ thống ngân hàng.

Đối với Việt Nam, chẳng có gì dễ dàng hơn trong việc thu hồi lợi nhuận từ các “lỗ chuột”, vì không ai nhọc sức đi tìm kiếm nguồn gốc của lượng tiền đó.

"Mông má" công ty, "tống" lên sàn niêm yết

Các giao dịch nội gián có thể đem lại hàng triệu đô la mỗi tuần cho “Sói già phố Wall”, nhưng các giao dịch niêm yết mới (IPO) thì đem lại hàng chục triệu đô la, thậm chí là hàng chục triệu trong vòng vài chục phút. Mông má doanh nghiệp rồi đưa lên sàn là nghiệp vụ đem lại lợi nhuận lớn nhất cho “sói già”.

Công thức kinh điển được thực hiện là mua trước cổ phần của doanh nghiệp, tự thưởng bằng cổ phiếu hay chia tách, tăng vốn gấp thếp từ khi chưa phải là doanh nghiệp đại chúng. Sau khi lên sàn, lượng cổ phiếu giá rẻ khi góp vốn, thậm chí là 0 đồng được tống ra.

Không dễ để biết được trò chơi này được thực hiện ở cấp độ nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên có một sự khác biệt rất lớn giữa một công ty cổ phần có vài thành viên và một công ty đại chúng thật sự. Việc kiểm toán trước khi niêm yết đơn thuần chỉ là trên giấy tờ, những con số có thể đã được làm đẹp.

Giá trị công ty hay vốn góp thực tế khi chưa đại chúng hóa có thể được phân bổ vào tài sản cố định – một hộp đen không thể nào định giá chính xác. Đó là máy móc, nhà xưởng hay bất kỳ thứ gì khác có thể "xào nấu" giá trị. Nếu là một công ty đại chúng, quá trình tăng vốn và sử dụng vốn được giám sát chặt chẽ. Đối với một công ty cổ phần thành viên, đó lại là chuyện nội bộ.

Điểm khác biệt chỉ trong một cái phẩy tay là để biến thành công ty đại chúng, doanh nghiệp cổ phần ban đầu chỉ cần có đủ 100 cổ đông. Thật sự dễ dàng để phân phát cổ phần cho 100 người khi mọi giao dịch đều do chính công ty thực hiện.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có nhiều công ty cổ phần, chỉ sau vài tháng đã biến thành công ty đại chúng rồi lên niêm yết. Có những doanh nghiệp đã niêm yết có hàng tá công ty con mà quá trình tăng vốn cực nhanh chỉ trong vài năm, sau đó được đưa lên sàn. Thay vì một công ty chứng khoán như “Sói già phố Wall” thực hiện thì ở đây là công ty mẹ. Vẫn là sân khấu cũ, kịch bản cũ, chỉ khác diễn viên.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có nhiều công ty cổ phần, chỉ sau vài tháng đã biến thành công ty đại chúng rồi lên niêm yết. Có những doanh nghiệp đã niêm yết có hàng tá công ty con mà quá trình tăng vốn cực nhanh chỉ trong vài năm, sau đó được đưa lên sàn. Thay vì một công ty chứng khoán như “Sói già phố Wall” thực hiện thì ở đây là công ty mẹ. Vẫn là sân khấu cũ, kịch bản cũ, chỉ khác diễn viên.

Biến doanh nghiệp thành máy ATM

Trục lợi từ chính doanh nghiệp mình làm chủ, nghe có vẻ phi lý vì ai lại đi rút ruột chính công ty của mình? Thế nhưng vẫn có điểm khác: Với một công ty đại chúng thật sự thì chủ tịch Hội đồng quản trị cũng không phải là chủ sở hữu công ty, mà là tất cả các cổ đông.

“Sói già phố Wall” thành lập nhiều công ty, giao cho các cá nhân đứng tên sở hữu, nhưng đều đặn đóng tiền “hồ”. Một ví dụ kinh điển là một đại diện của “Sói già” làm chủ công ty cổ phần sản xuất quần áo, đã tự rút ruột mỗi sản phẩm 5 USD để “cống nạp” bằng tiền mặt cho ông chủ thật sự.

Doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị biến thành một cái máy ATM để rút ra tiền mặt. Mẹo kinh điển là biến các chi tiêu cá nhân thành chi tiêu của doanh nghiệp. Hợp thức hóa các chi tiêu của giới lãnh đạo doanh nghiệp là một nghệ thuật và kế toán trưởng là người nghệ sĩ thực thụ.

Tuy nhiên đó chỉ là các khoản “tham nhũng” lặt vặt. Trò chơi lớn hơn mà “Sói già" thực hiện là điều chuyển dòng tiền mặt thông qua các giao dịch với công ty con, công ty nội bộ. Một phi vụ mua lại một lô sản phẩm lỗi sẽ là một giao dịch ngu xuẩn, nhưng là cần thiết để chuyển tiền mặt sang một công ty khác.

Chính lúc này mạng lưới các công ty nội bộ có vai trò thực sự hữu ích. Công ty càng có nhiều giao dịch nội bộ càng có nguy cơ thất thoát tài sản. Nếu như các giao dịch thông thường đã có hoa hồng, lại quả cho đối tác - một văn hóa không thể thiếu trong kinh doanh – thì việc giao dịch thật sự với các công ty lại càng dễ dàng biến báo hợp đồng.

Công ty càng có nhiều giao dịch nội bộ càng có nguy cơ thất thoát tài sản. Nếu như các giao dịch thông thường đã có hoa hồng, lại quả cho đối tác - một văn hóa không thể thiếu trong kinh doanh – thì việc giao dịch thật sự với các công ty lại càng dễ dàng biến báo hợp đồng.

Hãy tưởng tượng một vòng tròn khép kín các dịch vụ giữa một công ty mẹ và hàng tá công ty con theo chỉ đạo của một ông chủ. Rủi ro xuất hiện các giao dịch ngu xuất đối với doanh nghiệp lớn đến mức nào, nhưng đó lại là các giao dịch thông minh cho các cá nhân. Những thiệt hại đó được ghi nhận vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp, trong khi một phần lớn tiền chảy vào túi cá nhân.

Các hợp đồng càng lớn, hoạt động càng đa dạng là những công cụ in tiền miễn phí suốt đời cho các ông chủ. Nói cho cùng, việc thu hồi khoản đầu tư ban đầu có gì là sai? Đừng bao giờ băn khoăn giá cổ phiếu trên thị trường tại sao lại thấp như vậy, phải chăng các “ông chủ” đang lỗ? Trong khi thực tế, họ đã rút sạch khoản đầu tư ban đầu và cổ phiếu chẳng qua chỉ còn là tờ giấy, chưa kể cỗ máy ATM vẫn đang hoạt động hoàn hảo.

Ở Việt Nam, cũng đã có những công ty có tới hàng chục công ty con, công ty liên kết, tạo ra một "trận đồ đầu tư tài chính" cho mô hình hoạt động của họ. Họ liên tục tăng vốn kiểu "gấp thếp" và chỉ trong vòng dăm năm đã đưa số vốn của họ tăng lên hàng chục lần, thậm chí cả trăm lần so với mức vốn khi thành lập. Cùng với đó, là triển khai đầu tư hàng tá các dự án với mức kinh phí dự án lớn hơn cả nghìn lần số vốn mà doanh nghiệp có...

“Sói già phố Wall” là một bộ phim, nhưng đã phơi bày những mánh khóe thực tế trên thị trường chứng khoán và dường như trên thực tế “Sói già phố Wall” vẫn là câu chuyện chưa bao giờ cũ.

Theo Kim Văn Tiền

Thời báo tài chính