CII hoàn tất giải ngân hơn 9.300 tỷ đồng cho hai dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và Xa lộ Hà Nội
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) cho biết, tính tới ngày 18/12, CII và các đơn vị thành viên đã phối hợp làm việc và hoàn tất giải ngân 9.302 tỷ đồng từ khoản tài trợ của Vietcombank cho hai dự án cơ sở hạ tầng là dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án BOT Xa lộ Hà Nội.
Trong đó, mức lãi suất cho khoản vay áp dụng dao động từ 8,55% đến 8,7%/năm, thời gian vay từ 7 đến 14 năm.
Trước đó, CII công bố Ngân hàng Vietcombank sẽ tài trợ số tiền 6.942 tỷ đồng cho dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, thay vì con số ban đầu là 6.686 tỷ đồng từ các ngân hàng VietinBank, BIDV, Agribank và VPBank.
Dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2009. Dự án được thực hiện theo hợp đồng BOT với mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ, cao nhất trong danh mục hiện hữu của CII.
Tổng chiều dài tuyến cao tốc là 51,5 km, nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP HCM -Trung Lương), điểm cuối tại nút giao An Thái Trung.
Tính từ ngày thu phí tới hết năm 2022, tổng phí thu được của dự án Trung Lương - Mỹ Thuận gần 277 tỷ. Với mức tăng trưởng lưu lượng hằng năm ước tính 6,3% và lộ trình giá vé như quy định trong hợp đồng BOT, tổng doanh thu tính đến cuối dự án khoảng 32.000 tỷ đồng.
Về BOT Xa lộ Hà Nội, dự án do CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội làm chủ đầu tư với quy mô 4.906 tỷ. Dự án bắt đầu thu phí từ ngày 1/4/2021 với tổng thời gian thu phí dự kiến theo hợp đồng BOT là 17 năm 9 tháng.
CII thông tin chủ đầu tư vẫn đang phối hợp với các cấp có thẩm quyền trong công tác bàn giao mặt bằng và triển khai thi công các hạng mục còn lại của đường song hành hai bên dự án Xa lộ Hà Nội.
Năm 2022, doanh thu của CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội (chủ đầu tư của dự án BOT Xa lộ Hà Nội) là 710 tỷ với gần 12,3 triệu lượt xe, lợi nhuận sau thuế là 246 tỷ đồng với ROE là 13,3%.
Hiện tại CII đang trong quá trình cơ cấu lại nguồn vốn. Công ty đang triển khai việc phát hành 2.840 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Đợt phát hành này nằm trong kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn của công ty với tổng giá trị trái phiếu dự kiến huy động gần 7.000 tỷ đồng.
CII sẽ sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu để đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ của CTCP Đầu Tư Xây Dựng Xa Lộ Hà Nội và Công Ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận, dự kiến phát hành vào tháng 12 năm nay.
Chia sẻ về vấn đề tái cơ cấu nguồn vốn để giảm phụ thuộc vào vốn vay tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 ngày 17/10, bà Nguyễn Quỳnh Hương, Phó Tổng Giám đốc CII cho rằng “Lợi nhuận và doanh thu của các dự án mà CII đã triển khai rất rõ ràng và khả năng hoàn vốn cao. Do đó, thay vì đi thu phí và trả nợ cho ngân hàng, Công ty có thể chuyển phần vốn đó thành vốn cổ phần bằng cách tăng vốn điều lệ thông qua phát hành trái phiếu cho cổ đông. Tiền thu được từ các dự án sẽ được dùng để trả cổ tức cho cổ đông hoặc trả trái tức cho cổ đông và trái chủ”.