Chuyện về những người Syria khởi nghiệp trong chiến tranh
Những bức tường của trụ sở tổ chức Oasis 500 tại thủ đô Amman, Jordan được phủ kín bởi những câu trích dẫn xưa cũ như "Những trở ngại nhỏ không thể được giải quyết trong con mắt của những kẻ tư duy hạn hẹp. Những thách đố lớn là tầm thường đối với những con người vĩ đại".
Cách đó vài bước chân, trên tấm bảng trắng đặt trong văn phòng nhỏ của Saleem Najjar, người đàn ông 31 tuổi đến từ thành phố Damascus, thủ đô của Syria là những từ hiện đại hơn như "cam kết", "động cơ" và "lợi nhuận".
Saleem là một trong số những người Syria hiện làm việc ở đất nước láng giềng Jordan kể từ sau khi cuộc sống của những người dân Syria bị đảo lộn hoàn toàn bởi những xung đột dai dẳng trong lòng quốc gia này. Quay trở lại năm 2009, thành phố cổ Damascus từng là một trung tâm thương mại sôi động, tập trung rất nhiều cửa hàng, quán ăn, các con phố buôn bán sầm uất.
Nhiều người di cư Syria khởi nghiệp tại thành phố Amman của Jordan, góp phần thay đổi hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây. Ảnh: Internet |
Chàng trai trẻ Saleem lúc đó nhanh chóng nhìn thấy một cơ hội kinh doanh tốt từ đây. Trong hai năm, doanh nhân khởi nghiệp này thu hút được hơn 200 nhà hàng "niêm yết" trên nền tảng Mataamy.com của mình ( "Mataamy" nghĩa là "nhà hàng của tôi" trong tiếng Ả Rập). Một quỹ đầu tư mạo hiểm địa phương đã rót một số tiền nhỏ cho startup của Saleem. Công ty của anh thậm chí còn thắng một cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức bởi gã khổng lồ dầu mỏ Shell. Saleem vận hành startup cùng năm nhân viên. Anh đang chuẩn bị mở rộng hoạt động kinh doanh.
Thế rồi chiến tranh xảy đến. Quân nổi loạn và những người Hồi giáo cực đoan sơn kín các bức tường thủ đô bằng những khẩu hiệu chống phá chính phủ Syria. Bất cứ ai vô tình đi ngang qua cũng sẽ bị chặn đường, tra hỏi và buộc tội vô căn cứ đã viết những câu tuyên truyền đó. Điều này đồng nghĩa với hàng loạt những cuộc bắt bớ, giam giữ, tra tấn.
Trong một đêm vắng vẻ, cậu thanh niên Saleem đã quyết định rời khỏi đất nước. "Tôi biết từ nay sẽ không còn an toàn khi ở lại đây nữa và những chuyện này mới chỉ là bắt đầu. Những thứ tồi tệ hơn vẫn còn ở phía trước", Saleem nói.
Thời điểm đó, Saleem chịu trách nhiệm chăm sóc cho mẹ Nada, em gái Sally và cậu em trai khuyết tật Sam cần được theo dõi 24/7. Năm 2012, Saleem cùng cả nhà di cư đến thủ đô Amman của Jordan. Thành phố Amman trước giờ vẫn nổi tiếng trong khu vực như một trung tâm khởi nghiệp công nghệ. Amman có các chương trình huấn luyện, tăng tốc khởi nghiệp như Oasis500 và trung tâm Queen Rania. Những tập đoàn đa quốc gia như Microsoft, Oracle, Cisco và Samsung điều hành những văn phòng tại một tổ hợp khổng lồ tại phía Tây của thành phố có tên King Hussein Business Park.
Một trong những người Syria khởi nghiệp với tiệm bánh tại Amman, Jordan. Ảnh: Internet |
Oasis500 tìm kiếm và tập hợp nhiều doanh nhân khởi nghiệp Syria. Năm 2012, tổ chức này "cho ra lò" startup ShopGo, một nền tảng thương mại điện tử của công dân Syria Moe Ghasim.Tính đến hôm nay, ShopGo tuyển dụng hàng tá người và có văn phòng tại Dubai. Oasis500 hiện đỡ đầu cho hơn 2.500 công ty khởi nghiệp và chuẩn bị khởi động một quỹ đầu tư trí giá 20 triệu USD trong quý I/2018.
Quay trở lại Saleem, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn. Mức sống ở Amman đắt đỏ hơn nhiều so với quê hương Damascus và số tiền tiết kiệm của doanh nhân khởi nghiệp này nhanh chóng cạn kiệt. Những cư dân Jordan đã thay thế mô hình kinh doanh Mataamy của anh chàng tại đất nước của họ. "Tôi cần bắt đầu thật nhanh một kế hoạch khởi nghiệp mới", anh nói.
Khoảng 400.000 người dân Syria đã bị sát hại trong cuộc nội chiến của đất nước. 5 triệu người đã di cư. Theo các số liệu chính thức, 659.593 đã chọn đến Jordan, quốc gia chung với Syria 366 km đường biên giới. Chính phủ Jordan ước tính con số nhập cư từ Syria trên thực tế phải gấp đôi số liệu chính thức. Jordan đang không chỉ phải đối diện với tình trạng thất nghiệp trong chính nước này mà còn phải nỗ lực tìm việc làm mới cho những cư dân Syria.
Oasis500 cũng như nhiều tổ chức phi chính phủ khác nhận ra rằng khởi nghiệp công nghệ là một trong những giải pháp hiệu quả để tạo ra việc làm, giải quyết những vấn đề kinh tế. Suleiman Arabiat, giám đốc điều hành Oasis500 cho biết ông tìm kiếm những tài năng trong khởi nghiệp công nghệ, bao gồm cả những người Syria.
"Gene khởi nghiệp là như nhau ở khắp mọi nơi trên thế giới. Đó là việc phát hiện ra vấn đề và giải quyết nó. Tình cảnh của những người Syria tạo động lực cho khởi nghiệp", ông cho biết.
Bên trong một lớp đào tạo khởi nghiệp của Oasis500. Ảnh: Oasis500 |
Tháng Ba tới, vị vua của Jordan Abdullah II - người cũng xuất hiện trong phim Star Trek: The Next Generation sẽ đẩy nhanh các cải cách kinh tế để đáp ứng cho sự phát triển của những người khởi nghiệp công nghệ, sáng tạo. Động thái này của Nhà vua được kỳ vọng sẽ mở ra "con đường tương lai cho sự thịnh vượng" của Jordan. Hiện ngành công nghệ thông tin của quốc gia này chiếm khoảng 12% GDP của cả nước.
Tuy vậy, tình trạng thất nghiệp, hiện ở mức 18% vẫn là một mối lo lớn của Jordan. Đối với đàn ông, con số này là 13,9% trong khi gần 1/3 phụ nữ trong vương quốc không có việc làm. Các chỉ số thống kê cho thấy số lao động không chính thức cũng như các trường hợp tị nạn phần lớn là phụ nữ. Oasis500 là một trong những tổ chức nỗ lực thay đổi điều này. 23 người trong số 185 doanh nhân khởi nghiệp được quỹ đầu tư năm 2011 là phụ nữ. Con số này liên tục tăng lên ở những năm sau đó.
Quỹ đầu tư cho lĩnh vực sáng tạo của tổ chức này vào các nhà báo, nhà thiết kế, nhạc sỹ và các nghệ sỹ khác đã hỗ trợ hỗ trợ cho bốn phụ nữ từ 10 ứng cử viên. Lara Shahin là một trong số họ. Khi chiến tranh nổ ra, người phụ nữ 35 tuổi sinh tại Damascus này bắt đầu giúp những người khác di cư, trốn chạy bạo lực. Năm 2012, hai người trong nhóm của Shahin đã bị bắt cóc và đánh đập, Lara biết mình phải bỏ trốn khỏi Syria.
Khi đến Amman, Lara quyết định vẫn sẽ tiếp tục giúp đỡ những nạn nhân của chiến tranh tại đất nước này. Sau khi thăm một vài mái ấm dành cho những người nhập cư, Lara thấy một vài phụ nữ làm thủ công những mặt hàng xà phòng, đồ đan thêu, vật trang trí nhà cửa...."Thấy vậy, tôi đã nghĩ tại sao mình không thể giúp những gia đình này sản xuất thêm hàng hóa nữa và bán chúng", cô cho biết.
Ngày càng có nhiều những nữ doanh nhân khởi nghiệp Syria nhận được đầu tư để phát triển các mô hình kinh doanh riêng. Ảnh: Internet |
Lara bắt đầu công việc sản xuất, đào tạo và bán đồ thủ công Syria với năm người phụ nữ năm 2013 trong một văn phòng rộng 40 mét vuông. (Ngành công nghiệp dệt may của Syria tạo công ăn việc làm cho 30% số người lao động của quốc gia này trước chiến tranh). Một vài người trong số họ là góa phụ. Số khác phải sống xa chồng vì những luật lệ di cư của Jordan. Một số khác nữa có chồng tham gia cuộc chiến.
Trong vòng một năm, Lara đã có hơn 100 phụ nữ tham gia khâu sản xuất. Cô đặt tên cho công ty của mình là Jasmine. Tuy vậy, startup này đã phải đối mặt với hai vấn đề lớn là làm sao để bán hàng trực tuyến và quan trọng hơn là đăng ký pháp nhân cho công ty ở Jordan với tư cách là một người Syria. Để giải quyết vấn đề đầu tiên, Lara đã tìm đến Saleem, thời điểm này anh đã bắt đầu startup thứ hai của mình.
Một trong những khó khăn của những công dân Syria tại thủ đô Amman là giấy phép làm việc. Trong khi Jordan tiếp nhận một lượng người nhập cư khổng lồ từ từ nước láng giềng phương Bắc và cung cấp nơi trú ẩn cùng giáo dục cho nhiều thành phố và các địa điểm như khu trại người nhập cư có đến 80.000 người, thì việc đáp ứng nhu cầu việc làm cho số này lại khó khăn hơn nhiều.
Tháng 2/2016, với sự trợ giúp của EU, Jordan đã phát động chương trình phát 200.000 giấy phép làm việc cho những người Syria nhập cứ. Tuy vậy, tính đến tháng 3/2017, chỉ có 35.000 người nhận được giấy này.
Những phụ nữ Syria vui mừng nhận bằng chứng nhận trong lễ tốt nghiệp một khóa học kinh doanh tổ chức tại Jordan |
Tháng Tám năm ngoái, nhiều chính quyền địa phương đã nới lỏng các quy định về việc giấy phép cho ngành công nghiệp xây dựng. Nhưng đối với những doanh nhân khởi nghiệp, người không phải nhân viên làm thuê, việc hỏi xin giấy phép lao động thường không thành công. Với giới khởi nghiệp tại quốc gia này, hiện có hai cách để "lách luật". Một là trả 50.000 đồng dinar Jordan (tương đương với...) và hợp tác với một người bản địa, hoặc là chi ra 200.000 đồng để được chứng nhận như là một nhà đầu tư.
Trong trường hợp của Lara, đối tác người Jordan của cô đã biển thủ tiền của công ty. Cảnh sát nói không đủ căn cứ để điều tra. Lara sau đó đã phải đóng cửa công ty và đăng ký lại Jasmine như là một tổ chức phi chính phủ với một cái tên Jordan.
Doanh nhân khởi nghiệp Saleem cũng gặp vấn đề với giấy phép làm việc. Tháng Tám năm ngoái, anh đã thuyết trình mô hình kinh doanh Sharqi.shop trước Oasis500. Tháng Chín, startup của Saleem được phía nhà đầu tư "bật đèn xanh". Tuy vậy, quỹ chỉ rót vốn cho những công ty đã được đăng ký thành công. Saleem sau đó đã tìm ra cách để đăng ký kinh doanh cho công ty với giá 50.000 đồng dinar Jordan. Nhưng số tiền đó gần như là tất cả những gì anh có vào thời điểm đó. Bốn, năm tháng tiếp theo là khoảng thời gian "cực kỳ khó khăn" của doanh nhân này bởi anh không còn đồng nào để sinh sống.
Những người nhập cư dấn thân khởi nghiệp tìm thấy cơ hội thứ hai trong cuộc đời của mình. Ảnh: Internet |
Giấy phép lao động là một trong ba vấn đề chính mà Oasis500 đang vận đồng hành lang chính phủ Jordan để thay đổi. Tổ chức này mong muốn Jordan sẽ học tập theo bộ luật của Ireland - thứ đã mang về cho quốc gia này hàng nghìn việc làm công nghệ cho các tập đoàn như Facebook và Google. Một vấn đề nữa là các startup phải làm việc trong một "không gian kín". Vì thế những công ty khởi nghiệp đăng ký địa chỉ ở các không gian làm việc chia sẻ là không hợp lệ. Vấn đề thứ ba là mở những kênh ngoại giao lớn hơn về ngành công nghệ ở nước này. Trong đó, Oasis500 đã thành công khi quốc gia này đã có một Bộ trưởng đầu tư trong nội các.
Tuy nhiên, hiện tại, người Syria làm việc trong lĩnh vực công nghệ ở Jordan vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại mới trong con đường khởi nghiệp của họ. Bằng lái xe Syria không được sử dụng như chứng minh thư trước các cơ quan chức năng Jordan. Việc đi du lịch sang nước khác phải mất tới hơn hai tháng để xin phép. Lara hiện tại điều hành tổ chức phi chính phủ của mình trong một văn phòng phía trên một ngân hàng trên một con phố sầm uất ở Amman. Với sự giúp đỡ từ nền tảng Sharqi, giờ cô đã có thể bán các mặt hàng trực tuyến và trên các trang mạng truyền thông xã hội, qua đó giúp hàng nghìn phụ nữ kiếm sống ở thủ đô.
Cả Lara và Saleem đều yêu mến thành phố và cuộc sống ở Amman, Jordan. Tuy vậy, họ bày tỏ mong muốn trở về Syria khi chiến tranh kết thúc. Vẫn còn rất nhiều những khó khăn và trở ngại dành cho những doanh nhân khởi nghiệp trẻ này dù mọi thứ đang dần dần được cải thiện. Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Jordan đã tiếp nhận hàng nghìn người Syria làm việc trong lĩnh vực này, và ở trong đó, những người nhập cư tìm thấy cơ hội thứ hai cho cuộc đời của mình.